Thị trấn Thiên Cầm là địa phương có khu du lịch biển, mật độ dân số khá đông, nhiều năm qua, rác thải sinh hoạt là một trong những vấn đề nan giải của địa phương. Để góp phần giải quyết vấn nạn này, Hội LHPN thị trấn Thiên Cầm đã triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn.
Bà Nguyễn Thị Cúc là một trong những người tiên phong ứng dụng mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn, tái chế thành phân hữu cơ ở thị trấn Thiên Cầm.
Với việc đầu tư 2 thùng ủ rác di động, gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (tổ dân phố Tân Phú) là một trong những hộ dân đầu tiên ứng dụng mô hình này tại thị trấn Thiên Cầm vào cuối năm 2019. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ hội phụ nữ, rác thải sinh hoạt của gia đình bà Cúc được phân thành 2 loại hữu cơ và vô cơ.
Rác hữu cơ được cho vào thùng ủ, rắc men vi sinh và vôi bột vào để làm phân hữu cơ.
Rác vô cơ được gom cẩn thận để chuyển cho xe thu gom rác thải; rác hữu cơ được cho vào thùng nhựa, rắc men vi sinh và vôi bột vào rồi đậy kín. Sau một tháng, rác sẽ trở thành phân vi sinh và được dùng để bón cho cây trồng.
Sau một tháng ủ, rác hữu cơ đã được tái chế thành phân bón cho cây trồng.
Bà Cúc cho biết: “Áp dụng mô hình này, lượng rác thải sinh hoạt của gia đình tôi giảm đi một nửa. Phân vi sinh thu được từ việc ủ rác hữu cơ bón cho cây trồng rất tốt, hạn chế sâu bệnh, làm tơi xốp đất, lại tiết kiệm được chi phí mua phân bón hóa học như trước đây”.
Nhờ sử dụng phân vi sinh, khu vườn rộng 1.300 m2 của gia đình bà Cúc quanh năm tươi tốt các loại rau, củ. Mỗi tháng, vợ chồng bà thu nhập khoảng 7 triệu đồng từ việc bán các loại rau, củ trong vườn, góp phần ổn định cuộc sống.
Gia đình bà Cúc thu nhập khá từ vườn rau được bón bằng phân hữu cơ.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình của gia đình bà Cúc, năm 2020, nhiều chị em phụ nữ thị trấn Thiên Cầm bắt đầu ứng dụng tại gia đình mình. Dù không có diện tích đất vườn rộng trồng rau để bán nhưng chị Nguyễn Thị Thảo (tổ dân phố Trần Phú) cũng nhận thấy rõ hiệu quả của mô hình phân loại, xử lý rác thải bằng cách tái chế thành phân vi sinh.
Chị Thảo cho biết: “Thùng ủ rác di động không chiếm nhiều diện tích, rác không gây mùi nên đặt ở đâu cũng được, rất tiện dụng. Tôi trồng rau trên một khoảnh đất nhỏ nhưng bón bằng phân vi sinh nên vẫn đủ rau sạch cho gia đình dùng hằng ngày”.
Mô hình giúp gia đình chị Nguyễn Thị Thảo giảm được lượng rác thải sinh hoạt
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ phân loại rác thải tại nguồn, cán bộ hội đã đến từng gia đình hướng dẫn phân loại, dán nhãn thùng đựng rác thải... Trong năm 2021, hội đã tuyên truyền, vận động hàng trăm hộ mua 400 thùng ủ rác; hàng chục hộ xây hố, tận dụng thùng, chuồng cũ để ủ phân vi sinh từ rác hữu cơ.
Chị Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thiên Cầm cho biết: “Sau hơn 2 năm triển khai, nhận thấy hiệu quả của mô hình, chị em hội viên đã tích cực tham gia. Mô hình không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà còn giúp người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn phố phường sạch đẹp”.
Cán bộ Hội LHPN thị trấn Thiên Cầm hướng dẫn người dân cách sử dụng men vi sinh tái chế rác thải.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, ông Võ Tá Nhân - Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm cho biết: “Cách làm này giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển, xử lý rác; rác hữu cơ được tái sử dụng. Điều này đã góp phần giải quyết vấn nạn nhức nhối về rác thải sinh hoạt tại địa phương, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ cảnh quan khu du lịch. Để nhân rộng mô hình đến tất cả các hộ gia đình trên địa bàn, chính quyền đã hỗ trợ một phần chi phí khi người dân sắm thùng chứa rác, hướng dẫn cách ủ phân vi sinh”.
Mô hình phân loại, xử lý rác không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần giữ gìn môi trường, cảnh quan ở thị trấn Thiên Cầm.
Với sự tuyên truyền tích cực của hội phụ nữ, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ý thức của người dân, mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đang mang lại hiệu quả kép cho người dân thị trấn Thiên Cầm.