Niềm vui ngày hội ngộ của các thanh niên xung phong (Ảnh: Trần Chung)
Đó là tất cả những gì tôi cảm nhận được về một thế hệ cựu thanh niên xung phong (TNXP), công nhân giao thông và các cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng như các ngả đường Trường Sơn trong những năm tháng đánh Mỹ.
Đi trong ánh lửa từ trái tim mình
Những ngày này, trên các ngả đường về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Truông Bồn… hàng đoàn xe nối tiếp nhau, trong đó, rất nhiều người mặc sắc phục áo lính, áo TNXP. Tiếng hát, tiếng cười vang lên rộn ràng với các bài hát: “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Cô gái mở đường” và các bài hát ngợi ca 10 nữ anh hùng Đồng Lộc.
Nhìn vào gương mặt, bước đi, nghe tiếng nói cười và tiếng hát của họ mới thấy đằng sau mái tóc bạc, làn da sạm đen vì tuổi tác và sương nắng cuộc đời là những trái tim tràn đầy say mê, nhiệt huyết, vẫn ngời lên khí chất tuổi hai mươi năm nào. Họ đã sống trọn tuổi thanh xuân, dâng hiến sức trẻ của mình cho những mạch máu giao thông luôn được thông suốt. Bom đạn kẻ thù không khiến ai chùn bước; đói cơm, thiếu thuốc, bệnh tật không làm họ nản lòng và cả những hạnh phúc riêng tư cũng sẵn sàng gác lại.
Nữ chỉ huy "Đại đội thép" Nguyễn Thị Lân không giấu được niềm vui khi kể về những tháng ngày tình nguyện lên đường gia nhập TNXP
50 năm nhìn lại, họ tự hào vì tuổi trẻ của mình đã không uổng phí. Bầu nhiệt huyết trong trái tim họ đã soi sáng những con đường lứa tuổi hai mươi. Bà Hà Thị Thực - cựu Đại đội trưởng TNXP 554 - N53 từng làm nhiệm vụ thông đường ở ngã ba Thình Thình đã nói lên suy nghĩ của cả một thế hệ thời đó: “Nơi tuyến lửa cũng chính là nơi tuổi trẻ được thỏa sức cống hiến. Chúng tôi đã không sống hoài, sống phí. Giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, chúng tôi vẫn lạc quan, yêu đời, vững niềm tin vào Đảng và Bác Hồ… Khí thế TNXP như “triều dâng, thác đổ”.
Bà Nguyễn Thị Lân - cựu Đại đội trưởng 557 - N55 sau 5 thập kỷ được gặp Bác Hồ vẫn luôn tâm niệm làm sao để nói cho thế hệ trẻ hiểu về lòng nhân từ cao cả, tình yêu thương lớn lao Bác dành cho thanh thiếu nhi và nhân dân Việt Nam. Vẹn nguyên trong bà lòng kính yêu lãnh tụ, niềm tin son sắt với Đảng và Chính phủ.
Không nguội tắt khí chất “xung phong”
Bước ra khỏi chiến tranh, các thế hệ TNXP, cựu công nhân giao thông, cựu chiến binh từng chiến đấu ở Đồng Lộc hồi ấy đã nhanh chóng bắt nhịp với công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước. Người lên giảng đường đại học, người trở về với đồng đất quê hương cày sâu cuốc bẫm, một nắng hai sương. Nhiều người tưởng như không vượt qua được những ngày tháng khó khăn, thiếu đói, cô đơn hẫng hụt, vết thương cũ tái phát, con cái nheo nhóc, đất đai cằn cỗi, thiên tai lũ lụt hoành hành…; nhưng khí chất TNXP đã tiếp sức cho họ trên chặng đường mới. Gian nan không sờn chí. Họ đã quyết tâm học tập, lao động sản xuất, công tác. Nhiều người từng giữ các chức vụ cao trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước như: Anh hùng La Thị Tám - Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối Các cơ quan tỉnh; ông Đào Văn Tinh - Giám đốc Sở NN&PTNT; bà Lương Thị Tuệ - Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh; bà Thái Thị Cương - Bí thư Đảng ủy Công ty Đường của Sở Giao thông; bà Bùi Thị Thịnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Lập (Đức Thọ)…
Năm nào cũng thế, cứ đến tháng 7 là những người như bà Cương, bà Tuệ lại lặng lẽ trở về nơi những đồng đội của mình đã ngã xuống (Ảnh: Giang Nam)
Trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất, bà Lương Thị Tuệ - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh cho biết: Sau bao năm cần mẫn lao động, tích lũy kinh nghiệm, quyết chí làm giàu, ông Nguyễn Đăng Yên - Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên) đã xây dựng được trang trại lớn nuôi lợn, nuôi cá, mỗi năm thu nhập từ 300-500 triệu đồng; ông Nguyễn Duy Hòa - Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) xây dựng được trang trại lợn liên kết với doanh nghiệp mỗi năm nuôi 2 lứa, xuất bán từ 1.000 - 1.200 con; Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt - nguyên chiến sĩ lái xe nhiều lần đi qua Đồng Lộc, sống tại TX Cửa Lò (Nghệ An) đã mạnh dạn kinh doanh nhà nghỉ du lịch và đã thành công; mô hình kinh tế của 2 vợ chồng cựu TNXP Nguyễn Văn Dư - Nguyễn Thị Nhỏ ở TX Hồng Lĩnh từng giúp đỡ được nhiều lao động trẻ là con em cựu TNXP...
Những người truyền cảm hứng
Trong số những người từng sống và chiến đấu ở chiến trường Đồng Lộc cũng như nhiều chiến trường khác, có người may mắn, thành đạt, hạnh phúc nhưng không ít người phải đối mặt với cuộc mưu sinh đầy nghiệt ngã, thậm chí nhiều người gặp phải những éo le, ngang trái của cuộc đời. Nhưng điều tôi trân quý ở họ là một niềm tin không nhạt phai với Đảng và Bác Hồ, với quê hương, đất nước và niềm lạc quan không bao giờ tắt. Họ không mảy may than phiền, chán nản, bi quan, sẵn sàng chấp nhận khó khăn và bình thản vượt qua. Các cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe - thương binh 2/4 ở phường Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh); Lê Thị Nhị - “cô gái Thạch Kim, Thạch Nhọn”; chị Võ Thị Phương ở xã Phúc Lộc (Can Lộc); chị Bùi Thị Luân, Nguyễn Thị Liên ở TP Vinh... là những người như thế.
Bà Nguyễn Thị Hòe - thương binh 2/4, cựu TNXP C557-N55 vừa chăm sóc cho đồng đội thương binh, vừa ngâm thơ ( Ảnh: Giang Nam)
Hôm chúng tôi đến thăm, bà Hòe (từng là y tá trong chiến trường) đang chữa bệnh thoái hóa cho một người cũng là cựu chiến binh, thương binh ở xã Xuân Lam, Nghi Xuân. Nhìn bà tập tễnh chân giả, vừa dùng dụng cụ giác hơi theo phương pháp y học cổ truyền để chăm sóc bệnh nhân, vừa ngâm thơ, chúng tôi vô cùng cảm phục nghị lực sống của một thương binh, nạn nhân chất độc da cam.
Chị Liên có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở còn lụp xụp, đã 2 lần Hội Cựu TNXP hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà, song vẫn chưa làm nổi, đành phải trả lại. Vậy mà gặp chúng tôi, chị vẫn vui vẻ ngâm thơ, không hề nhắc đến hoàn cảnh của mình. “Cô gái Thạch Kim, Thạch Nhọn” Lê Thị Nhị ngày ngày đi chợ, tối về thui thủi một mình trong căn nhà bên bờ biển, vậy mà vẫn thuộc nhiều bài thơ, bài hát.
Những người như bà Hòe, bà Nhị, chị Liên… thực sự đã truyền cảm hứng cho chúng tôi rất nhiều.