Nếu không có HLV Mai Đức Chung dẫn dắt thì quá tổn thất cho bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh: VFF
Điều luật từ lâu của FIFA đã quy định rõ ràng rằng, tất cả HLV trưởng các đội bóng tham dự World Cup phải có bằng chuyên nghiệp (Pro) mới đủ điều kiện cầm quân. Đây là quy chuẩn bắt buộc đối với các đội tuyển quốc gia để đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Tổ chức bóng đá hàng đầu thế giới phải thực hiện điều này để nâng tầm chuyên nghiệp của các liên đoàn thành viên và các HLV, do đó phải ý thức để nâng cao trình độ chuyên môn, không ngừng học hỏi để cập nhật kiến thức.
Các lớp HLV Pro, theo các HLV ở Việt Nam đã được học và được cấp bằng rất mất thời gian và tốn kém. Các lớp học này được các giảng viên cao cấp của FIFA, AFC giảng dạy và do dịch bệnh, 2 năm qua các lớp gần như không có. Tại Việt Nam, lớp học này từng được mở và chỉ có hơn 10 HLV thi đậu đẳng cấp FIFA Pro để đủ điều kiện dẫn dắt các đội tuyển, các CLB tham dự các giải đấu lớn gồm: HLV Hoàng Anh Tuấn, Lê Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Đức Thắng, Hoàng Văn Phúc, Lư Đình Tuấn, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Minh Phương…
Người trong cuộc cho biết thêm ngoài tốn thời gian và tiền túi, việc học tập có thể còn phải sang nước ngoài và chuyện thi rớt là điều dễ xảy đến. Khi đó, các HLV buộc phải thi lại lần 2.
Trường hợp của HLV Mai Đức Chung hiện tại rất khó đủ điều kiện đến World Cup 2023 theo chức danh HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam. Ngay sau khi thành công trong việc đưa các cô gái Việt Nam vào World Cup 2023, HLV Mai Đức Chung đã ý thức được điều này và dự định nghỉ trong năm nay.
Tuy nhiên, VFF khó tìm HLV nào có thể thay thế HLV Mai Đức Chung trong lúc này. Đội tuyển Việt Nam trước mắt còn rất nhiều nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ tấm HCV SEA Games 31 trên sân nhà. Sau đó là Asiad, AFF Cup.
HLV Mai Đức Chung cần gắn bó với bóng đá nữ Việt Nam vì những hiểu biết và kinh nghiệm của ông đối với đội tuyển. Và ngoài việc gia hạn hợp đồng với HLV 71 tuổi, VFF có thể chuyển đổi chức danh của HLV Mai Đức Chung khi đến Australia và New Zealand năm sau từ HLV sang Giám đốc kỹ thuật.
VFF cũng cần thêm một HLV để đăng ký chức danh HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam. Đây là vị trí cần có để giúp việc thêm cho HLV Mai Đức Chung, còn ông Chung “xe ca” vẫn sẽ nắm quyền quyết định chuyên môn chính của đội tuyển tại World Cup 2023.
Từ những trường hợp như HLV Mai Đức Chung hiện tại, các HLV của nền bóng đá Việt Nam có thể phải toan tính xa hơn để đầu tư cho sự nghiệp của chính mình. Người bạn thân của HLV Mai Đức Chung là cố HLV Lê Thụy Hải cũng đã từng gặp vấn đề này năm 2014 khi trở lại dẫn dắt B.Bình Dương. Khi đó, HLV Lê Thụy Hải được đăng ký giữ chức Giám đốc kỹ thuật, nhưng thực chất là nắm toàn quyền quyết định chuyên môn ở đội bóng đất Thủ.
Sở dĩ có chuyện như vậy là vì HLV Lê Thụy Hải đã phải “lách luật” do AFC và VPF quy định, một HLV muốn hành nghề ở V-League phải tốt nghiệp đại học, hoặc tối thiểu phải có chứng chỉ A do AFC cấp, trong khi ông Hải đều không đáp ứng được cả 2 tiêu chí này.
Gần nhất ở AFC Champions League 2021, Viettel đến Thái Lan dự vòng bảng cũng không thể đăng ký HLV Trương Việt Hoàng trong vai trò HLV trưởng mà thay vào đó là HLV Gede (người giữ chức Giám đốc kỹ thuật ở Viettel). Trên thực tế, HLV Trương Việt Hoàng vẫn cầm quân và chịu trách nhiệm ở CLB này.
HLV Mai Đức Chung từ lâu được tín nhiệm làm việc ở đội tuyển nữ Việt Nam vì kinh nghiệm từng trải. VFF vẫn muốn kéo dài hợp đồng với cựu HLV B.Bình Dương ít nhất trong năm tới để làm việc tại World Cup 2023. Và cũng có thể từ điều kiện ngặt nghèo này, VFF sẽ phải tìm kiếm một chiến lược gia chất lượng cho bóng đá nữ Việt Nam.
Bên cạnh đó, những ứng viên HLV nội sáng giá trong tương lai của bóng đá nữ như Đoàn Thị Kim Chi, Văn Thị Thanh… cần chuẩn bị cho mình các điều kiện mà FIFA đòi hỏi để không rơi vào cảnh bị động khi cơ hội đến tay mình.