Vì sao sau 39 năm “liệt sỹ” Phạm Văn Bình mới trở về quê hương?

(Baohatinh.vn) - Gần 40 năm lưu lạc tại Campuchia, ông Bình luôn nhung nhớ và tìm về quê hương Hà Tĩnh, nhưng do sức khỏe yếu, không có tiền, không có giấy tờ nên việc tìm về ngày càng vô vọng, có lúc tưởng chừng ông đã đầu hàng số phận...

Ông Phạm Văn Bình lưu lạc trên đất Campuchia gần 40 năm mới có thể trở về quê hương.

Như Báo Hà Tĩnh đã thông tin, ngày 8/11 vừa qua, “liệt sỹ” Phạm Văn Bình ở Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh bất ngờ trở về với gia đình sau 39 năm mất tích. Khi hỏi về việc tìm về quê hương, ông Bình chỉ nói: "Tôi cũng muốn tìm về quê hương lắm, nhưng kẹt là không có tiền, bên đó khổ lắm”, rồi ôm mặt khóc.

Ông Bình nhớ lại những ngày tháng sống khổ sở ở Campuchia.

Tiếp câu chuyện, ông kể: "Trong chiến dịch giải phóng Campuhia, trong một lần chuyển tin tức từ Trung đoàn lên Sư đoàn, tôi gặp quân Pôt-pốt phục kích và bắn cháy xe, bản thân bị thương nặng vùng đầu, tay và chân đến ngất xỉu.

Khi tỉnh dậy, tôi xuống suối tìm nước uống thì gặp người dân địa phương. Biết là lính Việt Nam, họ đưa tôi về nhà, chữa trị vết thương và đùm bọc, cưu mang. Sau gần 1 năm mới hồi phục, tôi đi tìm đơn vị nhưng mất thông tin liên lạc.

Nhớ lại quá trình lưu lạc nơi đất khách, ông Bình tâm sự, một mình nơi xứ người, thời gian đầu ông đi nhiều nơi, vừa tìm đơn vị vừa kiếm sống.

Do ông chưa nói được tiếng Campuchia nên gặp nhiều vất vả, khó khăn, người dân thấy thương tình nên thuê làm việc. Cứ ai mướn gì thì làm nấy, chủ yếu là công việc nặng nhọc. Về sau, do ảnh hưởng của vết thương và những trận sốt rét, sốt xuất huyết kéo dài, sức khỏe ông suy sụp hẳn.

Ông Bình trở về với nhiều vết thương ở tay, chân và vùng đầu.

"May mắn trong một lần đi làm phụ hồ, khoảng năm 2004, tôi gặp người vợ hiện tại và được bà cảm thông, chấp nhận lấy làm chồng. Nhưng ở đó cũng là vùng dân tộc thiểu số, cuộc sống rất khó khăn, 2 vợ chồng làm lụng vất vả nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc.

Cuộc sống nghèo túng, bản thân không có giấy tờ, không có sức khỏe nên gần như tôi đã đầu hàng số phận, chấp nhận cuộc sống tại đây" - ông Bình nói trong nước mắt.

Để có ngày về lại quê hương, ông Bình nhiều lần nhắc đến công ơn người “sếp” của mình tại Campuchia là anh Nguyễn Nhật Dũng, người huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Anh Dũng hiện là Giám đốc Nông trường caosu Sovann Vuthy, trực thuộc Cty HAGT Rubber, Công ty TNHH Caosu Sovann Vuthy. Bản thân ông Bình là công nhân thời vụ chăm sóc cây cao su tại nông trường.

Anh Nguyễn Nhật Dũng - người giúp ông Bình tìm lại gia đình

Chia sẻ với Báo Hà Tĩnh, anh Dũng cho biết, gia đình ông Bình hiện sinh sống tại vùng sâu ven sông thuộc xã KamPong Traback, huyện KamPong Traback, tỉnh PRay Veng, Campuchia. Ông hiện có vợ và 1 con gái 10 tuổi, gia cảnh quá nghèo khổ, hàng ngày con gái ông phải đi học bằng đò, làm thuê kiếm sống qua ngày.

Căn nhà ông sinh sống thực ra chỉ là túp lều tạm bợ, bên trong không có đồ vật đáng giá. Thậm chí, đến nay vẫn chưa có điện.

"Vào khoảng tháng 7/2018, ông Bình được một người dân làm meka (người làm chủ một nhóm công nhân, tìm việc, ký hợp đồng mùa vụ với các công ty cao su để bón phân, phun thuốc cỏ...). Vô tình, meka này đưa số người này lên làm cho công ty tôi. Trong thời gian làm việc, tôi có ghé hỏi thăm tình hình thì biết được ông Bình do ông nói được tiếng Việt.

Qua hỏi thăm, ông Bình chỉ nói là bộ đội Việt Nam bị thất lạc. Tôi hỏi về quê quán, ông chỉ nhớ là ở Anh Sơn, Nghệ Tĩnh, gần đèo Ngang. Sau đó, tôi mời ông lên xe và chở ông về nông trường. Lúc đó đã hơn 11 giờ trưa, thấy anh em tôi nói chuyện trong nước mắt, anh Phan Thanh Hợp (lúc đó là cán bô kỹ thuật) đi mua quần áo, dép để ông Bình tắm rửa, ăn cơm.

Tiếp đó, tôi đăng tải thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội Facebook với hi vọng người nhà có thể nhận ra ông. Và may mắn rằng, những thông tin đó đã giúp gia đình ông Bình có ngày đoàn tụ hôm nay" - anh Dũng kể lại.

Ông Bình phấn khởi gặp lại người thân, hàng xóm.

Ông Nguyễn Anh Ngọc - Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn cho biết khoảng giữa tháng 10, sau khi người thân của ông Phạm Văn Bình trình báo ông này đang còn sống và lưu lạc tại Campuchia, chính quyền địa phương đã báo cáo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện để làm giấy tờ tùy thân cho ông. Theo nguyện vọng của gia đình, xã sẽ tổ chức kêu gọi ủng hộ để hỗ trợ ông Bình xây nhà sinh sống tại đây.

Ông Trần Bá Toàn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh cho hay, sau khi nhận được tin ông Bình còn sống, phòng đã phối hợp hướng dẫn gia đình làm bản tường trình về quá trình nhập ngũ, mất tích cho đến khi trở về, cũng như hướng dẫn các thủ tục làm lại giấy tờ tùy thân cho ông. Bên cạnh đó, tham mưu, phối hợp liên hệ với đơn vị cũ, chính quyền Campuchia nơi ông Bình sinh sống để xác minh thông tin. Trên cơ sở đó, phòng tổng hợp, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, tham mưu các chính sách hỗ trợ ông Bình theo quy định.

Giấy báo tử do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh cấp ngày 9/3/1993 công nhận ông Phạm Văn Bình (cấp bậc: Hạ sỹ, chức vụ: Chiến sỹ, đơn vị Đoàn 8 Quân khu 9) là liệt sỹ, hy sinh ngày 21/2/1979, trong trường hợp chiến đấu mất tin tại chiến trường Campuchia. Sau khi nhận bằng Tổ quốc ghi công, mẹ ông Bình được nhận tiền tuất liệt sĩ do Nhà nước trợ cấp hàng tháng cho đến khi bà mất. Sau khi ông Bình được xác định đã hy sinh, tên ông đã được ghi tại Đài tưởng niệm liệt sĩ của xã.

Chủ đề NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói