Vì sao UAV được triển khai ồ ạt trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan?

Máy bay không người lái đang đóng một vai trò lớn trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh nằm ở Nam Caucasus.

Vũ khí nhỏ nhưng gây thiệt hại vô cùng lớn

Một số nguồn tin cho biết, nhiều máy bay không người lái trang bị vũ khí và máy bay không người lái cảm tử (sử dụng một lần) hay còn gọi là vũ khí tuần kích, do Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sản xuất đã được triển khai trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh, phá hủy nhiều phương tiện thiết giáp, bệ phóng rocket đa nòng và các hệ thống phòng không.

Vì sao UAV được triển khai ồ ạt trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan?

UAV Harop do Israel sản xuất. Ảnh: Indian Defense News.

Trong số những UAV cảm tử lợi hại nhất, không thể không nhắc đến Harop. Azerbaijan tuyên bố đã sử dụng máy bay không người lái cảm tử Harop để phá hủy một hệ thống phòng không S-300 của Armenia. Tuy nhiên, phía Armenia đã bác bỏ thông tin này.

Harop, được biết đến với tên gọi khác Harpy 2, do Tập đoàn công nghiệp hàng không Israel - IAI chế tạo. Không chỉ có cảm biến bức xạ để chống radar, UAV này còn được lắp đặt thiết bị trinh sát quang - điện tử hình ảnh để truyền dữ liệu về sở chỉ huy và được tối ưu hóa để phá hủy các hệ thống phòng không.

Do phần khung được thiết kế với tính năng tàng hình, Harop rất khó bị hệ thống phòng không của đối phương phát hiện và đánh chặn. Bên cạnh đó, UAV này còn có khả năng tránh radar hồng ngoại, vì thế các loại vũ khí có cảm biến hồng ngoại rất khó theo dõi đường đi của nó. Lớp vỏ ngoài trơn láng và kích thước nhỏ gọn cũng góp phần nâng cao tính năng tàng hình, giúp Harop dễ dàng qua mặt đối phương.

Ngoài ra, Harop được trang bị hệ dẫn quang điện tử, vì thế có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu không có bức xạ, radar hoặc hệ thống phòng không.

Với chiều dài 2,5m, sải cánh rộng 3m, UAV Harop có khả năng mang theo một đầu đạn nổ cực mạnh, nặng tới 23 kg, hoạt động liên tục trên không trong vòng 6 giờ, phạm vi hoạt động khoảng 1.000 km.

Một tính năng ưu việt khác của Harop là khi radar của đối phương được bật lên, UAV này có khả năng dò ra nguồn phát sóng radar đó và tấn công trực diện bằng cách đâm thẳng giống như một phương tiện đánh bom liều chết.

Israel đã cung cấp một số lượng lớn máy bay không người lái và vũ khí tuần kích cho Azerbaijan, trong đó có Skystriker, Orbiter 1K, Orbiter 3, ThunderB, Hermes 450, Hermes 900 và Heron TP.

Máy bay không người lái Skystriker do tập đoàn Elbit Systems của Israel sản xuất, có kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với Harop. Skystriker có thể mang theo đầu đạn nổ nặng 5kg, bay tuần kích trong 2 giờ đồng hồ, phạm vi hoạt động 20km. Skystriker đã được triển khai trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh và phía Armenia cho biết đã bắn hạ được một vài máy chiếc.

Tái định hình các cuộc chiến tranh hiện đại

Ngoài UAV Harop của Israel, máy bay không người lái trang bị vũ khí Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là đã xuất hiện trong cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia. Vẫn chưa rõ bên nào điều khiển máy bay này, nhưng một số ý kiến cho rằng, các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai Bayraktar TB2 để hỗ trợ Azerbaijan.

Không chỉ cung cấp hàng tấn vũ khí cho đồng minh, một số nguồn tin tiết lộ Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã điều động lính đánh thuê từ Syria đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh để tiếp sức cho các lực lượng Azerbaijan.

Bayraktar TB2 từng phát huy hiệu quả khi đối phó với nhiều khí tài do Nga cung cấp tại Syria và Libya. Ở Libya, UAV này đã hạ gục 3 hệ thống phòng không Pantsir. Ở Syria, Bayraktar đã phá hủy hai hệ thống Pantsir ở tỉnh Idlib và nhiều radar trong các cuộc tấn công vào tháng 3/2020.

Bayrakta được tích hợp hệ thống đạn pháo thông minh dẫn đường bằng laser, có tên gọi MAM-L do tập đoàn Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. MAM-L có đầu đạn nổ nặng 22 kg. Hiện nay đang có 4 loại đầu đạn nổ dùng cho hệ thống này. Loại đầu đạn nổ dùng trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh thuộc loại đạn sát thương.

Rất khó để có một bức tranh chính xác về những thiệt hại của cả hai phía do máy bay không người lái có vũ trang và vũ khí tuần kích gây ra. Tuy nhiên, những thông tin và hình ảnh đăng tải trên Twitter cho thấy các loại vũ khí này đã phá hủy nhiều mục tiêu phòng không có giá trị cao và nhiều phương tiện bọc thép, trong đó có tăng T-72 mà cả Armenia và Azerbaijan đang sử dụng. Đã có nhiều video ghi lại các cuộc tấn công hiệu quả của UAV Bayraktar trên Twitter.

Theo báo cáo của Oryx, nhiều hệ thống phòng không quan trọng của Armenia đã bị phá hủy, trong đó có 3 hệ thống 9K35 Strela-10 (mà NATO gọi là SA-13 Gopher) và 6 hệ thống 9k33 Osa (hay SA-8 Gecko theo cách gọi của NATO). Đây đều là những hệ thống phòng không lỗi thời và không có khả năng phát hiện hoặc đối phó với cuộc tấn công của UAV cảm tử.

Những gì đang diễn ra tại điểm nóng tại Nagorno-Karabakh cho thấy, máy bay không người lái có vũ trang và vũ khí tuần kích đang tái định hình các cuộc chiến tranh hiện đại. Đây là những khí tài quân sự có giá thành phải chăng, không người lái, nhưng lại có khả năng gây thiệt hại đáng kể cho hệ thống phòng không của đối phương. Mặc dù một số lượng lớn UAV có thể bị bắn hạ trong cuộc xung đột nhưng so với thiệt hại về hệ thống phòng không mà chúng đã gây ra thì việc sử dụng những vũ khí này vẫn được coi là một chiến thuật thành công.

Hiện nay một số quốc gia như Trung Quốc và Iran đang thử nghiệm chiến thuật triển khai máy bay không người lái tấn công theo kiểu “bầy đàn”. Còn những nước khác dùng chúng làm “mồi nhử” để “xâm nhập” các hệ thống phòng không của đối phương và “dụ” chúng bật radar. Toan tính của mỗi bên trong việc sử dụng UAV tấn công có thể khiến các cuộc chiến tranh trong tương lai trở nên phức tạp hơn.

Theo VOV

Đọc thêm

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Dấu ấn của bộ đội trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Dấu ấn của bộ đội trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, những năm qua, LLVT Hà Tĩnh đã tích cực "chung sức" hỗ trợ các địa phương xây dựng các hạng mục công trình gắn với bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đặc xá cho 38 phạm nhân đang thụ án tại Hà Tĩnh

Đặc xá cho 38 phạm nhân đang thụ án tại Hà Tĩnh

38 phạm nhân đang thụ án ở Hà Tĩnh được đặc xá năm 2024 là những người có kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định, thực sự ăn năn hối cải, phấn đấu trở thành công dân có ích.