Peiter “Mudge” Zatko, cựu Giám đốc Bảo mật của Twitter, vừa ra điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 13/9. Ông cho biết mạng xã hội không xóa dữ liệu của những người đã hủy tài khoản của mình, trong một số trường hợp là do mất dấu thông tin. Twitter phủ nhận điều này và khẳng định có các luồng công việc để “tiến hành quy trình xóa bỏ”, song không nói liệu họ có hoàn thành quy trình này hay không.
(Ảnh: Online Tech Tips) |
Những cáo buộc của Zatko là một lời nhắc nhở mới đối với chuyên gia nghiên cứu mạng xã hội Sandra Matz về việc chúng ta thi thoảng chia sẻ dữ liệu một cách vô độ như thế nào. “Nghe có vẻ đơn giản, nhưng bất kỳ thứ gì bạn quẳng lên mạng, đừng mong chúng có thể riêng tư như cũ. Thu hồi thứ gì đó từ Internet, bấm nút reset là gần như không thể”.
Tại Mỹ, lịch sử tìm kiếm, dữ liệu địa điểm, tin nhắn… đều có khả năng trở thành bằng chứng chống lại ai đó nếu họ đang muốn tìm đến các dịch vụ nạo phá thai. Cuối tháng 6, Tòa Tối cao Mỹ bỏ quyền phá thai gây ra làn sóng tranh cãi dữ dội.
Vào tháng 7, Meta – công ty mẹ Facebook – hứng chịu chỉ trích nặng nề sau khi nhà hành pháp đã sử dụng các tin nhắn gửi qua Messenger để bắt giữ hai mẹ con phá thai bất hợp pháp.
Ravi Sen, nhà nghiên cứu bảo mật và Giáo sư tại Đại học Texas A&M, cho rằng nhà hành pháp và các tổ chức khác với nguồn lực và công cụ, chuyên môn có thể khôi phục dữ liệu đã xóa trong vài tình huống nhất định. Theo Giáo sư, nhiều người không biết cuối cùng dữ liệu của họ đi đâu. Bất kỳ nội dung nào – dù là email, bình luận mạng xã hội hay tin nhắn – về cơ bản đều lưu trên thiết bị người gửi, người nhận và máy chủ mà công ty sử dụng. Lý tưởng nhất là nội dung do người dùng tạo ra được phép xóa nó và nó sẽ biến mất khỏi cả 3 địa chỉ trên. Nhưng thông thường, điều đó không dễ như vậy.
Bạn có thể liên hệ với các công ty để yêu cầu họ xóa dữ liệu khỏi máy chủ nhưng không phải ai cũng đi đến bước này. Khả năng phục hồi một tin nhắn đã xóa từ thiết bị của người dùng giảm dần theo thời gian.
Theo nhiều chuyên gia bảo mật, cách tốt nhất để kiểm soát dữ liệu trực tuyến là dùng các ứng dụng mã hóa đầu cuối. Một điều quan trọng khác là quản lý cài đặt sao lưu đám mây để bảo đảm dữ liệu riêng tư từ các dịch vụ mã hóa không thể truy cập từ những nơi khác.
Dù vậy, ngay cả với một người thận trọng nhất, một khi đưa gì đó lên mạng, “về cơ bản bạn đã mất quyền kiểm soát nó”, Matz nhận xét. Đó là vì nếu Twitter xóa bài viết, hay bạn xóa bài viết từ Facebook, ai đó cũng có thể đã sao chép bài viết và lưu lại.
Vì thế, Matz khuyến nghị mọi người nên chú ý về những gì chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến. Nghe có vẻ bi quan nhưng bà cho rằng tốt hơn nên cảnh giác cao. “Hãy giả định mọi thứ bạn đưa ra đều có thể bị ai đó sử dụng và tồn tại vĩnh viễn”, bà nói.