Thị trường ôtô Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu
Thị trường ôtô tại Việt Nam hiện có các thương hiệu lắp ráp trong nước chủ yếu là dòng xe bình dân, còn phân khúc xe nhập khẩu chủ yếu là các thương hiệu xe sang và phân khúc bán tái tải. Trong khi đó, ngay cả các thương hiệu có nhà máy tại Việt Nam nhưng cũng có các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc, như Toyota, Ford, Mazda hay Mitsubishi...
Trong số này, ngoại trừ duy nhất Mercedes-Benz lắp ráp dòng các xe C/E/S-series và mẫu SUV GLC, còn lại cũng được nhập khẩu nguyên chiếc.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2018, đã có 81.609 ôtô nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào nước ta với giá trị hơn 1,8 tỷ USD. Mức nhập khẩu này giảm 16,1% về lượng và 19,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc các dòng xe từ ASEAN được ưu đãi thuế nhập khẩu khiến số lượng xe từ Thái Lan và Indonesia tăng vọt
Về xuất xứ, theo thống kê, Thái Lan là thị trường cung cấp xe lớn nhất cho Việt Nam với 55.634 chiếc trong năm 2018, trị giá hơn 1 tỷ USD. Đứng thứ hai là thị trường Indonesia với 17.146 ôtô nguyên chiếc xuất khẩu sang Việt Nam năm 2018, với trị giá hơn 269 triệu USD.
Nếu tính riêng phân khúc xe dưới 9 chỗ, hai thị trường này đã cung cấp cho Việt Nam tới 48.000 xe, chiếm tới 89% tổng số ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu trong năm 2018.
Một số thị trường khác cung cấp xe cho Việt Nam như: Nhật Bản (2.050 chiếc, trị giá hơn 91 triệu USD), Trung Quốc (1.565 chiếc, trị giá hơn 47 triệu USD), Mỹ (895 chiếc, trị giá trên 34 triệu USD), Hàn Quốc (632 chiếc, trị giá 59 triệu USD)...