Virus CTBLocker, biến thể của dòng virus tống tiền CryptoLocker, được các chuyên gia cảnh báo đang phát tán mạnh tại Việt Nam thời gian gần đây (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Trưa 5/2/2015, Công ty An ninh mạng Bkav đã có thông báo cập nhật về hoạt động của virus tống tiền có tên gọi CTBLocker tại Việt Nam.
Theo đó, số liệu thống kê từ hệ thống giám sát virus của công ty Bkav cho thấy, đến thời điểm hiện tại, số máy tính của người dùng tại Việt Nam bị nhiễm virus tống tiền CTBLocker đã lên tới 1.600 máy tính, tăng khoảng 300 so với thống kê được Bkav công bố ngày 23/1/2015.
Theo chuyên gia Bkav, số trường hợp nhiễm virus tống tiền CTBLocker trong thực tế có thể lớn hơn nhiều con số 1.600 trường hợp nêu trên, bởi lẽ nhiều người sử dụng bị lây nhiễm mã độc nhưng không thông báo.
Đáng chú ý, chuyên gia Bkav cũng nhận định, mặc dù cảnh báo về virus tống tiến CTBLocker đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây, nhưng con số nạn nhân của mã độc chuyên tống tiền này tại Việt Nam hiện vẫn đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, như ICTnews đã đưa tin, mới đây Bkav đã có cảnh báo người dùng về sự xuất hiện của một chiến dịch thư rác mới liên quan đến mã độc tống tiền CTBLocker, nhằm lừa người dùng cập nhật trình duyệt Google Chrome giả mạo từ đường link được nhúng trong thư có chứa virus CTBLocker.
Để không bị lây nhiễm các loại mã độc tống tiền, các chuyên gia an ninh mạng đều khuyến nghị người dùng không tùy tiện click vào các đường link nhận được qua chat, thường xuyên backup các file tài liệu và tuyệt đối không mở file đính kèm từ các email không rõ nguồn gốc. Trường hợp bắt buộc phải mở file để xem nội dung, người sử dụng có thể mở trong môi trường cách ly an toàn Safe Run.
Trước đó, ngày 22/1/2015, Bkav đã phát ra thông báo chính thức cảnh báo người dùng trong nước về sự xuất hiện và phát tán mạnh mẽ tại Việt Nam của virus CTBLocker, một biến thể của dòng mã độc chuyên tống tiền CryptoLocker. Cụ thể, đã có hàng loạt người dùng máy tính tại Việt Nam nhận được các email spam có đính kèm file “.zip” mà khi mở file này, máy tính của người dùng sẽ bị kiểm soát và các file dữ liệu (Word, Excel) sẽ bị mã hóa, không thể mở ra được. Dữ liệu của người dùng đã bị mã hóa sẽ không thể được khôi phục vì hacker sử dụng thuật mã hóa công khai và khóa bí mật dùng để giải mã chỉ được lưu giữ trên server của hacker.
Được biết, dự báo về xu hướng an ninh mạng năm 2015, cả chuyên gia bảo mật của Bkav và FPT đều khẳng định trong năm 2015 người dùng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ bị các loại mã độc, nhất là mã độc trên di động tấn công mạnh mẽ.
Đến nay, bên cạnh việc phát hành công cụ hỗ trợ người dùng diệt virus tống tiền CTBLocker mà không cần cài đặt, Bkav cũng đã tích hợp công nghệ Anti Ransomware, chống các loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền, hỗ trợ người dùng bảo vệ dữ liệu trong loạt sản phẩm an ninh mạng Bkav 2015 vừa ra mắt hôm qua, 4/2/2015. Công nghệ Anti Ransomware sẽ giám sát toàn bộ thay đổi trên file dữ liệu của người dùng, kịp thời ngăn chặn những hành vi bất thường như đổi tên, mã hóa dữ liệu.