Ảnh minh họa. (Nguồn: Institute of Entrepreneurship Development)
Báo cáo của WEF năm nay theo dõi sự chênh lệch giữa hai giới ở 153 quốc gia trên bốn lĩnh vực giáo dục, y tế, cơ hội kinh tế và chính trị.
WEF cho rằng với tốc độ như hiện tại, khoảng cách giới trên toàn cầu tại tất cả lĩnh vực sẽ chỉ được san lấp trong chưa đầy một thế kỷ nữa, ít hơn con số 108 năm như dự báo năm 2018.
Nhìn chung, các quốc gia Bắc Âu vẫn xếp đầu bảng xếp hạng: Nam giới và nữ giới bình đẳng nhất ở Iceland, tiếp theo là Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển.
Syria, Pakistan Iraq và Yemen là những quốc gia ghi nhận mức bất bình đẳng giới cao nhất trong số các nước được khảo sát.
Còn trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, Đức được đánh giá là là quốc gia bình đẳng nhất với vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng toàn cầu, tiếp theo là Pháp ở vị trí thứ 15, Canada xếp thứ 19, Vương quốc Anh xếp thứ 21, Mỹ xếp thứ 53, Italy xếp thứ 76 và Nhật Bản xếp thứ 121. Đáng chú ý, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ tiếp tục ghi nhận sự suy giảm về bình đẳng giới, khi tụt 2 bậc so với năm 2018.
Trong phần nhận xét về Việt Nam, WEF nhận định dù chỉ số của Việt Nam đã tăng 0,1 điểm phần trăm nhưng mức tăng này lại thấp hơn so với một số quốc gia xếp dưới trong bảng xếp hạng năm 2018 khiến thứ hạng của Việt Nam tụt 10 bậc.
Nhận xét cụ thể về từng chỉ số, WEF ghi nhận Việt Nam đã cải thiện được chỉ số về cơ hội và sự tham gia vào các hoạt động kinh tế của nữ giới. Đặc biệt, khoảng 45% thu nhập trong nền kinh tế Việt Nam thuộc về phụ nữ, đây là một trong những tỷ lệ cao nhất trong các quốc gia được thống kê năm nay.
Về chỉ số giáo dục, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam biết chữ là 94%, trong khi đó, con số này ở nam giới là 96%. Chỉ số về sự trao quyền chính trị cho phụ nữ, tại Việt Nam, trong số gần 500 đại biểu Quốc hội, có khoảng một phần tư là đại biểu nữ.
Cuối cùng, WEF nhận định, Việt Nam còn phải làm rất nhiều để cải thiện sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam là 89 bé gái trên 100 bé trai, ở mức thấp nhất thế giới.