Võ Nguyên Giáp: Tầm vóc một huyền thoại

Trong những ngày này, Thanh Niên Online nhận được rất nhiều bài viết của bạn đọc gửi về bày tỏ sự ngưỡng mộ tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng thiên tài. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết "Võ Nguyên Giáp: Tầm vóc một huyền thoại" của các tác giả Thế Nam - Lê Thu.

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1986) - Ảnh: TTXVN
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1986) - Ảnh: TTXVN

1. Không phải nói thêm về sự vĩ đại của Võ Nguyên Giáp. BBC gọi ông là vị tướng huyền thoại, là tổng đạo diễn (mastermind) của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam. New York Times nói rằng ông là vị tướng kiên gan và cuốn hút của Việt Nam. Le Monde đăng tiêu đề “Võ Nguyên Giáp, anh hùng của nền độc lập của Việt Nam”… Điều gì đã khiến nhân dân thờ kính, đối thủ ngưỡng mộ ông như vậy?

2. Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25.8.1911, tại một vùng quê nghèo khó, nhưng giàu truyền thống phấn đấu và hi sinh. Có lẽ những người sinh ra trong gian khó, ở những miền đất gian khó, thường chịu khó vươn lên. Và khi vươn lên vì đất nước, thì cả đất nước và con người đều nâng nhau lên trong quá trình thay đổi vận mệnh của cả hai. Ông còn sinh ra và lớn lên khi đất nước lầm than trong ách thực dân, trong sự bế tắc của cả dân tộc chưa biết phải làm gì, theo con đường nào, để giành độc lập. Trong bối cảnh đó, Võ Nguyên Giáp đã sớm tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, rồi ra Hà Nội theo học tiếp ngành luật.

3. Học luật nhưng ông lại trở thành thầy giáo dạy sử. Học trò khi đó kể về một thầy giáo trẻ đầy đam mê, nhiệt thành yêu nước, đặc biệt say mê lịch sử quân sự thế giới. Ông Bùi Diễm - nguyên đại diện của chính quyền Việt Nam cộng hòa tại Mỹ - kể rằng ông từng được ông Giáp dạy sử. Gần như trong tất cả các buổi học, dù chủ đề rất khác nhau, ông Giáp vẫn tìm được sự liên hệ tới Napoleon, say sưa giảng giải về nghệ thuật dụng binh của Hoàng đế Pháp. Dấu hiệu ban đầu của một thiên tài quân sự.

4. Võ Nguyên Giáp gặp Bác Hồ tương đối muộn, lần đầu tiên vào tháng 5.1940. Nhưng đến 1944, ông đã được Bác Hồ trao trọng trách thành lập, đứng đầu, chỉ huy đội quân vũ trang đầu tiên của cách mạng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, với chỉ 34 chiến sĩ. Đó là khởi đầu của một huyền thoại quân sự. Để chỉ mười năm sau, chính đội quân đó đánh bại đạo quân tinh nhuệ của đế quốc Pháp mà một thời chỉ đứng sau "đế quốc không bao giờ không thấy ánh mặt trời" (tức đế quốc Anh - PV). Cũng đội quân đó 31 năm sau đã giúp đưa non sông về một mối.

5. Không cần phải nói lại rằng Võ Nguyên Giáp góp công đặc biệt lớn trong việc đánh thắng Pháp, Mỹ, nhưng chắc cần khẳng định thêm, chiến thắng không dễ dàng như khi bây giờ nhìn lại.

Chống Pháp. Khởi đầu từ con số không. Chống lại đội quân lê dương thiện chiến của Pháp, được sự hỗ trợ của Anh (khi bắt đầu), và của Mỹ (từ nửa sau). Pháp có không quân, hải quân, pháo binh, lục quân. Việt Minh chỉ có vũ khí thô sơ. Đến mức trước Điện Biên Phủ, chỉ huy một trung đoàn pháo Việt Minh báo cáo Tổng tư lệnh rằng… “chúng tôi chưa thực sự biết sử dụng pháo thế nào”. Đó còn là khởi đầu khi chưa có nước nào công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không có bàn tay nào chìa ra với nhà nước còn trứng nước của nhân dân Việt Nam.

Chống Mỹ. Đó là cường quốc quân sự số 1 thế giới. Chưa ai đã từng thắng Mỹ. Và cho đến giờ vẫn thế. Đó là cường quốc đã đập nát ý chí của người Nhật năm 1945. Nghe đến Mỹ, nhiều nước bạn bè của Việt Nam khi đó đã lặng lẽ mà ái ngại cho Việt Nam. Đó là khối lượng bom đạn ném xuống mảnh đất hình chữ S lớn hơn hàng trăm, hàng nghìn lần những trái bom ném xuống Nhật. Tóm lại, đó là đối thủ mà ai cũng SỢ.

6. Nhưng, “… chữ “SỢ” không có trong từ điển thuật ngữ quân sự Việt Nam”. Đó là câu trả lời của ông khi McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ những năm 1960, gặp và hỏi ông vào năm 1995. Cụ thể hơn, Võ Nguyên Giáp đã biết cách để “SỢ” không len lỏi trong suy nghĩ và tình cảm của dân tộc trong suốt cuộc kháng chiến. Đó là nhờ những chiến thắng ngay khi đối đầu trực tiếp với những đối thủ tưởng như có sức mạnh áp đảo. Những chiến thắng đó không cần quá to lớn về quy mô. Miễn đó là chiến thắng, trong những lần thử sức đầu tiên, và do đó lại vô cùng to lớn về ý nghĩa chiến lược. Đó là chiến thắng Thu Đông 1947, chiến thắng Núi Thành… Cái tài của người cầm quân là làm cấp dưới tin tưởng vào chiến thắng. Niềm tin làm nên sức mạnh. Đó là thao lược của một nhà chiến lược.

7. Võ Nguyên Giáp là câu trả lời của dân tộc Việt Nam với ông cha của thế kỷ 11, 13… với đại diện là Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… Ông kế thừa và phát triển xuất sắc nghệ thuật chiến tranh Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước, qua truyền thống kháng chiến bất khuất của cả dân tộc. Đó là tránh khi giặc mạnh, đánh khi giặc mỏi. Trần Hưng Đạo đã nhiều lần rút khỏi Thăng Long. Ngô Thì Nhậm đã tạm rời Thăng Long để về Tam Điệp - Biện Sơn chờ Quang Trung đem đại quân ra Bắc. Võ Nguyên Giáp đã rút Trung đoàn Thủ đô rời Hà Nội, để 8 năm sau mới trở về. Đó là trường kỳ đến khi giặc mỏi. Lý Thường Kiệt đã dựng chiến tuyến để chờ thời cơ đó. Võ Nguyên Giáp đã “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Quang Trung đã hành quân thần tốc để xốc tới diệt giặc khi thời cơ đến vào Tết Kỷ Dậu. Đó là “thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa” để xốc tới giải phóng miền Nam năm 1975.

Nghệ thuật quân sự của Võ Nguyên Giáp còn là kết thừa nghệ thuật của thế giới. Ông nói Napoleon xuất sắc ở chỗ quân của Napoleon về tổng thể ít hơn, yếu hơn, nhưng có khả năng tập trung binh lực trong từng trận đánh để bẻ gãy địch thủ qua từng chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Điện Biên Phủ là nơi Việt Minh tập trung gần như toàn bộ lực lượng chính quy với 4 trên tổng số 5 sư đoàn. Toàn bộ pháo binh. Toàn bộ lực lượng phòng không. Gần như toàn bộ xe cơ giới để chở lương thực, vũ khí. Cái giỏi của Tướng Giáp ở chỗ ông khiến Pháp còn quân mà không dám dồn lên Điện Biên Phủ. Bởi trước đó, ông đã cử một số lực lượng nghi binh đánh mạnh ở vài nơi (Trung bộ, Nam bộ, Lào…), khiến Pháp thấp thỏm mà không dám động binh. Kết quả thế nào đã rõ.

Nhưng, Napoleon là chưa đủ. Đánh như Napoleon (dàn quân trực diện tấn công) hoặc kiểu chiến thuật “biển người” thì Điện Biên Phủ sẽ mang kết quả ngược lại, và đảo ngược cả cơ đồ của dân tộc Việt Nam. Vì Pháp hỏa lực mạnh, nếu ồ ạt xông lên thì toàn bộ lực lượng của Việt Minh sẽ thành bia tập bắn cho người Pháp. Khi đó, toàn bộ máu và nước mắt của 8 năm kháng Pháp, của gần 100 năm chống Pháp sẽ đổ sông đổ bể.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I Quyết định thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (22.12.1944) - Ảnh: Tư liệu TTXVN
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I Quyết định thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (22.12.1944) - Ảnh: Tư liệu TTXVN

8. Điện Biên Phủ là thời điểm thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp nở rộ nhất, thăng hoa nhất trong cả cuộc đời ông. Đó là cái đêm ông thức trắng, đầu đau như búa bổ, với nắm ngải cứu trên đầu. Đó là thời điểm ông quyết định “kéo pháo vào” rồi lại “kéo pháo ra”, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Vì đánh nhanh thắng nhanh hầu như chắc chắn sẽ thua. Vì vị chỉ huy trung đoàn pháo binh còn nói là chưa thạo sử dụng pháo bắn thế nào. Vì Bác Hồ đã dặn ông trước khi ra mặt trận: Chú ở ngoài mặt trận, tướng quân toàn quyền, nhưng chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Vì đó là cơ đồ của cả dân tộc. Vì đó là trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc, trước Bác Hồ.

Trước đây, các chuyên gia Trung Quốc từng nói rằng đóng góp của họ là quan trọng trong chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Nhưng quyết định chiến lược đó là của ông, Võ Nguyên Giáp. Đó là sự thật.

9. Đó là sự chín muồi của sự kết hợp giữa chiến tranh tổng lực, chính quy, với chiến thuật du kích của Việt Nam đã lừng danh thế giới. Đánh từng bước, đào hào khi áp sát địch để tránh thương vong cho cán bộ, chiến sĩ. Và kết quả là chiến tích 7.5.1954. Là “9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Để các dân tộc còn đang nằm dưới ách thực dân được động viên to lớn, dạt dào từ Điện Biên, để từ đó Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Điện Biện Phủ mãi mãi gắn với hai tiếng Việt Nam.

Những sách ông viết về nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật du kích Việt Nam… đã trở thành sách giáo khoa, sách tham khảo tại các trường võ bị hàng đầu thế giới. Tại Westpoint, tại Saint Cyr và nhiều nơi trên thế giới.

10. Chiến thuật du kích đó đứng trên điểm tựa của sự động viên và nguồn lực của cả dân tộc. Hàng trăm nghìn con người đã được huy động để chở lương thực, trang bị vũ khí lên Điện Biên. Đã có những thước phim tư liệu ghi lại cảnh những dân công đang đào đường, có bom thì nép vào vách núi, hết bom lại xông ra san đường, để xe đi, người đi tiếp, như thể không hề có một chút sợ hãi nào.

Vì thế, có Võ Tổng tư lệnh là do có ủng hộ của cả dân tộc. Ông thấm thía điều đó. Khi có những khó khăn lớn trong một số chính sách sau 1954, ông đã đứng ra liều mình để bảo vệ cho cán bộ, chiến sĩ, mà theo ông nếu không, Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ có thể phải mất đi rất nhiều cán bộ ưu tú.

11. Ông là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng duy nhất là Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - vị trí chỉ huy tối cao của quân đội ta.

Nhưng quan trọng hơn, ông được đồng chí, đồng đội trìu mến gọi là “anh Văn”, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Biết bao người lính chỉ mơ ước được một lần được gặp “anh Văn”, được chụp ảnh cùng “anh Văn”.

Với người lính Cụ Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn là "anh Văn", người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Ảnh: TTXVN
Với người lính Cụ Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn là "anh Văn", người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Ảnh: TTXVN

12. Đó còn là vì những gì ông thể hiện mình trước những thị phi của cuộc đời. Để tiếp tục đóng góp đến cuối đời cho nhân dân, cho đất nước, bằng tất cả khả năng. Ông là Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (ông từng là thầy giáo dạy sử). Ông quan tâm tới giáo dục, tới khoa học, tới bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Không nguôi đau đáu nỗi đau của dân tộc.

13. Từng có những bình luận "khang khác" về Võ Nguyên Giáp. Một tờ báo nước ngoài cho rằng ông là một vị tướng “ruthless” (tàn nhẫn) đối với cả địch thủ và binh lính của mình, vì ông chấp nhận thương vong lớn. Nhưng tờ báo không biết câu trả lời từ mỗi người dân Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, rằng thà hi sinh kiêu hãnh vì độc lập, tự do chứ nhất định không chịu cúi mình làm nô lệ.

Cũng có những thắc mắc về vai trò thực sự của ông trong chiến dịch Mậu Thân 1968, trong đại thắng 1975. Nhưng Võ Nguyên Giáp, chứ không phải ai khác, là người đã ký điện: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa…” vào những ngày tháng 4 lịch sử. Đó là mệnh lệnh của Tổng tư lệnh. Không phải Tổng tư lệnh không thể viết như thế. Và những ai đã và đang làm nghiệp hành chính, đã quen với những câu chữ theo khuôn mẫu, thì đều hiểu rằng ra mệnh lệnh như thế chỉ có thể là của một cá nhân kiệt xuất, tư duy hơn người. Như kiểu tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố có thể bị tàn phá… song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

14. Võ Nguyên Giáp còn được yêu quý, trân trọng vì sự yêu quý, trân trọng của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều người có thể là “cháu Bác Hồ”, một số ít có thể là “người học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh”, nhưng chỉ có ông là người học trò, người đồng chí, người cộng sự, và cán bộ cấp dưới trung thành vô hạn nhất của Bác Hồ. Nhắc đến thành quả gì ông đều nói là do “sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ”. Ông là người đề xuất, thúc đẩy mạnh mẽ nhất việc hệ thống hóa, nghiên cứu, giáo dục về Tư tưởng Hồ Chí Minh mà xét đến cùng, là một tài sản vô giá của đất nước, về lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên cháu nội Võ Thành Trung - Ảnh: Duy Anh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên cháu nội Võ Thành Trung - Ảnh: Duy Anh

15. Sinh nhật ông năm nào cũng đông khách. Căn nhà số 30 phố Hoàng Diệu trở nên thật chật chội. Vì thế, lễ tiễn đưa ông sẽ vô cùng trọng thể. Hàng trăm nghìn con người sẽ có mặt. Những cựu chiến binh. Những người lính đang không phải trong ca trực. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những đồng bào dân tộc tại Điện Biên. Những em bé còn thơ. Những thanh niên 8X, 9X, 2K. Những ai biết về ông. Bạn bè quốc tế. Và cả anh linh của những người con đã khuất của đất nước, những người đã vì dân tộc, vì mệnh lệnh quyết chiến quyết thắng của ông mà xông tới.

Tất cả. Để được nhìn ông lần cuối. Để được tri ân người con vĩ đại của dân tộc, người đã làm rạng danh dân tộc ta, non sông đất nước ta. Để được bày tỏ lòng thành kính với lịch sử của một dân tộc anh hùng. Để mỗi người con đất nước Việt Nam được vững tâm hơn trong những thử thách đang và sẽ còn tới. Để cho chữ “SỢ” mãi mãi không bao giờ có trong từ điển thuật ngữ quân sự Việt Nam. Để “non sông nghìn thuở vững âu vàng” (lời thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông - PV).

Thế Nam - Lê Thu

Nguồn: Thanh Niên Online

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.