Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi, những con tàu xa bờ được đóng mới với ngư lưới cụ hiện đại. Trong ảnh: Tàu cá vỏ thép đầu tiên của Hà Tĩnh ra khơi (Ảnh: Đức thiện).
Vốn - yếu tố cần đầu tiên
Những ngư dân vừa được tiếp cận chính sách hỗ trợ đóng tàu theo Quyết định 1822 chia sẻ với chúng tôi rằng, cơ hội mới để nâng cao năng lực, hiệu quả đánh bắt thủy sản đã thấy rõ. Tuy nhiên, để được hỗ trợ số tiền lớn từ ngân sách cho tàu xa bờ theo chính sách của tỉnh, việc đầu tiên chủ tàu cần phải lo đó là huy động cho được nguồn vốn để thực hiện phương án đầu tư sản xuất.
Ngư dân Trần Đình Hùng (xóm Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, Lộc Hà) cho hay: “Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để được nhận số tiền hỗ trợ của Nhà nước, tàu cá phải được hoàn thành và nghiệm thu theo đúng quy định. Vì nội lực gia đình có hạn, để đóng mới tàu công suất 350 CV, chúng tôi phải dựa vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. May mắn là Ngân hàng No&PTNT (Agribank) Lộc Hà đã chia sẻ với ngư dân khó khăn này nên các thủ tục vay vốn hết sức thuận lợi”.
Số tiền 300 triệu đồng đã được ngân hàng chuyển thẳng đến đơn vị đóng tàu, vừa tiện lợi, vừa an toàn. Nhờ đó, con tàu xa bờ của gia đình anh Hùng đã triển khai đóng được gần 1 tháng nay, dự kiến khi hoàn thành sẽ làm nghề rê, câu, đánh bắt ở ngư trường Bạch Long Vỹ.
Ngư dân Trần Đình Thắng (xóm Xuân Hải - Thạch Bằng) cũng đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để nhận 300 triệu đồng vốn của ngân hàng đầu tư mua sắm hệ thống thiết bị, ngư lưới cụ làm nghề lưới rê. Anh Thắng cho biết: “Năm ngoái, gia đình tôi đã đầu tư cải hoán con tàu từ 45 CV lên 90 CV, nhưng do chưa đủ vốn để trang bị nghề hiện đại nên chỉ luẩn quẩn câu mực ở các ngư trường quen thuộc. Cơ hội đã đến để tôi thực hiện dự định còn dang dở khi tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất sau sự cố môi trường cho ngư dân đầu tư mới thiết bị, ngư lưới cụ để đánh bắt xa bờ.
Cần ngân hàng và chính quyền cùng gỡ khó
Giám đốc Ngân hàng No&PTNT huyện Lộc Hà Nguyễn Hữu Sửu cho biết, ngay khi Quyết định 1822 ban hành, Ban Giám đốc đã chủ động triển khai kỹ đến tận cán bộ và mạng lưới tổ vay vốn ở các địa bàn.
Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT Lộc Hà hướng dẫn khách hàng vay vốn theo Quyết định 1822 của UBND tỉnh.
Nhờ nắm chắc nhu cầu của các địa phương và thực tế sản xuất của ngư dân nên sau khi chính quyền lựa chọn đối tượng là ngân hàng có thể triển khai sớm các thủ tục để cho vay. Đối với một số khách hàng, ngân hàng còn tư vấn địa chỉ đóng tàu và cách quản lý, sử dụng vốn vay một cách khoa học, hiệu quả nhất. “Quan điểm của chúng tôi là cố gắng triển khai chính sách sớm nhất để ngư dân nắm bắt cơ hội, nhanh chóng khôi phục sản xuất” - ông Sửu chia sẻ.
Thạch Hà là địa phương không nhiều thuận lợi để phát triển tàu xa bờ, bởi vậy, với số ít ngư dân có nhu cầu, ngân hàng và các phòng ban chức năng của huyện đã lập tức vào cuộc sát cánh tháo gỡ khó khăn. Giám đốc Agribank Thạch Hà Dương Đình Lương cho biết: Huyện đã cam kết giúp ngư dân thực hiện các thủ tục để được nhận số tiền hỗ trợ theo Quyết định 1822 của tỉnh. Số tiền hỗ trợ này chính là một phần trong nguồn tiền trả nợ cho ngân hàng. Sự vào cuộc của chính quyền cùng với ý chí quyết tâm của ngư dân đã giúp ngân hàng có thêm niềm tin để linh hoạt vận dụng các điều kiện cho vay thuận lợi nhất cho khách hàng. Như trường hợp của ông Nguyễn Xuân Thuận (tổ dân phố 11, thị trấn Thạch Hà) - ngư dân đầu tiên làm thủ tục vay 1 tỷ đồng để đóng tàu 300 CV. Tuy tài sản thế chấp cho vay chỉ đạt 700 triệu đồng, nhưng ngân hàng đã vận dụng các quy định, thực hiện cho vay tín chấp thêm 300 triệu đồng.
Cho vay đóng tàu xa bờ theo Quyết định 1822 trên phạm vi toàn tỉnh bước đầu đã đạt dư nợ trên 2 tỷ đồng với 4 hộ ngư dân. Hiện các ngân hàng đang tiếp tục thẩm định, hoàn thành thủ tục vay vốn cho hàng chục khách hàng khác. Lộc Hà - nơi có nhu cầu vay vốn đóng tàu xa bờ khá cao, cộng với sự đồng hành tích cực, hiệu quả của cả ngân hàng và chính quyền các cấp - đang là địa phương có số hộ vay và dư nợ cao nhất. Qua đó cho thấy, để chính sách được chuyển tải rộng rãi nhằm giúp ngư dân nắm bắt cơ hội phát triển sản xuất bền vững, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa của các cấp, ngành chức năng.
Theo Quyết định 1822, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho vay đóng tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị (gồm hàng hải, khai thác, bảo quản sản phẩm và bốc xếp hàng hóa trên tàu) cho các khoản vay giải ngân từ ngày quyết định này có hiệu lực (1/7/2016) đến 30/6/2021, với mức hỗ trợ 7% cho 5 năm đầu tiên và 6% cho 10 năm tiếp theo. Tổng mức hỗ trợ 1 tàu không quá 1 tỷ đồng. |