Mỹ thử thành công vỏ tên lửa siêu thanh

Theo RT, Quân đội Mỹ vừa có thử nghiệm thành công vỏ vũ khí siêu thanh - công nghệ giúp Mỹ tham gia cuộc đua vũ khí tốc độ cao với Nga.

Một số hình ảnh về vụ thử nghiệm mang tính lịch sử đã được Hải quân Mỹ đăng tải khi hợp tác với Lục quân tham gia vụ thử được phóng từ khu thử nghiệm Thái Bình Dương ở Hawaii vào đêm 19/3.

Sau khi phóng đi, quả tên lửa được theo dõi bởi Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ và dữ liệu bay sẽ được sử dụng để cải thiện chính các hệ thống phòng thủ siêu thanh. Nguyên mẫu mới thử nghiệm được phát triển bởi Dynetics Technical Solutions.

Mỹ thử thành công vỏ tên lửa siêu thanh

Vụ thử của Mỹ thực hiện đêm 19/3.

Phần thân vỏ tham gia vụ thử được phóng đi bởi một rocket thông thường và tách ra trước khi đầu đạn lượn tăng tốc lên tốc độ Mach 5. Trên đường đi tới mục tiêu, đầu đạn có thể linh hoạt di chuyển để tránh các hệ thống phòng không.

Dù không rõ kết quả cụ thể nhưng Quân đội Mỹ khẳng định: “Vụ phóng đã thành công tốt đẹp và đây là cơ sở quan trọng để phát triển vũ khí siêu thanh trong thời gian tới”.

Tuyên bố cũng đồng nghĩa với việc Mỹ đã bước đầu phát triển thành công loại vật liệu được dùng để sản xuất tên lửa siêu thanh. Bởi trước đó, Tướng Ryan McCarthy thuộc quân đội Mỹ thừa nhận, muốn thực hiện được tham vọng, trước hết nước này phải chế tạo được vỏ và động cơ đang tin cậy dành cho tên lửa siêu thanh.

Các cuộc thử nghiệm loại vũ khí siêu thanh đang được thực hiện ở nhiều quốc gia khác nhau nhưng với loại động cơ phản lực dòng thẳng, loại động cơ này chưa đủ khả năng bảo đảm sự đốt cháy ổn định trong buồng đốt với tốc độ lớn.

Một vấn đề nữa phát sinh đối với loại vũ khí này đó là vỏ của chúng sẽ bị nung nóng khi bay ở tốc độ cao. Khi bay ở tốc độ siêu thanh các đầu đạn bị nung nóng đến hàng ngàn độ và tạo thành đám mây Plasma xung quanh chúng.

Điều này cũng xảy ra với tàu vũ trụ và các đầu đạn của tên lửa liên lục địa nhưng quỹ đạo của chúng vượt ra ngoài không gian vũ trụ, nơi không có những dòng không khí cản trở. Trong khi đó tên lửa siêu thanh phần lớn bay trong lớp không khí dày đặc.

Đối với các loại vũ khí thông thường vấn đề vỏ quá nóng được giải quyết bằng nhiều cách khác nhau. Trong khi đó tên lửa siêu thanh vừa phải bảo đảm khả năng tàng hình và cơ động, vì vậy giải quyết vấn đề này rất khó khăn.

Mỹ từng thực hiện vài cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh X-51A của mình, chúng có thể được phóng từ các máy bay ném bom B-52H và B-1 Lancer. Nhưng nhiều nguồn tin cho thấy, Mỹ đã thất bại với chương trình này.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang nghiên cứu loại thiết bị bay không người lái (UAV) siêu thanh SR-72, nó sẽ thay thế cho máy bay trinh sát chiến lược SR-71, có thể tăng tốc đến 3.530 km/h. UAV này cũng được cho là sẽ sử dụng cho mục đích tấn công.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, SR-72 chỉ đang tồn tại ở dạng mô hình. Trong khi đó, Nga đang tiến hành thử tên lửa siêu thanh Zircon, tên lửa Kh-47M2 Kinzhal.

Thực tế này được ông Ryan McCarthy thừa nhận rằng, ở lĩnh vực vũ khí siêu thanh thế hệ mới, Nga đang đi trước Mỹ khoảng 15-20 năm dù hiện Mỹ đã bắt đầu có những thành công đầu tiên.

Theo Báo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast