S-400 luyện bắn hạ tên lửa hành trình tương đương Tomahawk

Để tăng cường khả năng đối phó với tên lửa hành trình, lực lượng phòng thủ Nga với nòng cốt là S-300/400 vừa có cuộc diễn tập đánh chặn tên lửa Kh-55.

s 400 luyen ban ha ten lua hanh trinh tuong duong tomahawk

Tên lửa Kh-55 với máy bay Tu-160.

Luyện đánh Tomahawk

Thông tin về cuộc diễn tập được tờ Izvetstia dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết. Để trở thành mục tiêu cho cuộc điễn tập, Kh-55 đã được tháo bỏ phần chiến đấu, trong khi hệ thống điện tử của tên lửa được làm mới để tăng độ khó cho tên lửa đánh chặn.

Trong cuộc diễn tập, những tổ hợp phòng không S-300 và S-400 đã làm việc với các tên lửa huấn luyện, bắt và bám và sẵn sàng phóng tên lửa vào mục tiêu.

Kết quả cho thấy hệ thống bảo đảm các yêu cầu cần thiết, hoạt động tốt, bảo đảm tiêu diệt mục tiêu các mục tiêu trên không chính xác. Còn đối với hệ thống Pantsir-S, nó tiêu diệt mục tiêu thành công bằng tên lửa và đầu đạn phóng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Được biết, cuộc diễn tập này được Nga tổ chức sau khi Mỹ tuyên bố rằng hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga tại Syria không thể đánh chặn và chỉ đứng nhìn khi Tomahawk tấn công Syria rạng sáng 7/4.

Theo chuyên gia quân sự Dan Lamothe, tên lửa Tomahawk là một phần không thể thiếu trong các cuộc chiến Mỹ tham gia, kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Năm 2014, tàu chiến USS Philippine Sea và USS Arleigh Burke Mỹ đã phóng 47 tên lửa Tomahawk tấn công các mục tiêu của nhóm khủng bố Khorasan được cho là có liên hệ với al-Qaeda ở Syria.

Ưu điểm lớn nhất của Tomahawk là không đòi hỏi tàu chiến Mỹ phải tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách nguy hiểm. Chúng có thể phóng đi từ khu trục hạm cách xa mục tiêu tới 1.600 km, khoảng cách đủ an toàn cho tàu mẹ trước tên lửa diệt hạm của đối phương và khiến phía bị tấn công không kịp trở tay.

Trong khi đó, Chris Harmer, chuyên gia quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh thì cho rằng, trước khi phát động tấn công Syria bằng Tomahawk, Mỹ đã tính đến khả năng dùng máy bay tác chiến điện tử EA-18G cùng một số phương tiện tác chiến điện tử khác để vô hiệu radar cảnh báo tên lửa tại Syria.

Tuy nhiên, cuối cùng phương án này đã bị loại bỏ bởi khả năng "tàng hình" của phiên bản mới của Tomahawk mà Mỹ sử dụng đủ tạo nên điều bất ngờ với lực lượng phòng không tại Syria, kể cả S-400 của Nga.

Vì vậy, Mỹ tin rằng hệ thống S-400 sẽ vô hại trước tên lửa Tomahawk chiến hạm nước này phóng đi.

Ưu điểm trước Tomahawk

Theo truyền thông Nga, Kh-55 được sử dụng trong cuộc diễn tập vừa qua là loại tên lửa hành trình đầu tiên của Liên Xô có thể đạt tốc độ cận âm và trở thành đối thủ xứng tầm của loại tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế Kh-55 đã chứng minh được ưu điểm của mình.

Tên lửa hành trình Kh-55 là vũ khí chủ lực của máy bay ném bom chiến lược Tu-95 Bear, Tu-142, Tu-160. Mỗi chiếc Tu-95MS có thể mang theo đến 16 tên lửa Kh-55 trong đó có 10 tên lửa ở các giá treo 2 bên cánh và 6 trong hệ thống phóng ổ quay MKU-5-6. Máy bay Tu-160 có thể mang theo 12 tên lửa Kh-55 trong khoang.

Những máy bay ném bom chiến lược của Liên Xô được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-55 có thể thực hiện cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ đối phương từ cách xa hàng ngàn kilomet mà không cần phải mạo hiểm tiến vào không phận đối phương.

Tên lửa Kh-55 đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt giữa Mỹ-Xô trong suốt những năm chiến tranh lạnh. Mỹ luôn coi Kh-55 với đầu đạn hạt nhân là một mối đe dọa lớn với họ. Mặc dù Mỹ cũng có tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk có tầm bắn tương đương nhưng nó lại không được thiết kế để phóng từ trên không khiến năng lực tác chiến bị giới hạn.

Sau khi Mỹ-Xô ký hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tầm trung INF vào năm 1987, tên lửa Kh-55 được chuyển đổi mục đích sang thành tên lửa hành trình tấn công mặt đất sử dụng đầu đạn thông thường. Ngày nay Kh-55 và các biến thể của nó vẫn là trụ cột cho năng lực tấn công tầm xa của Không quân Nga.

Theo baodatviet.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast