Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy 13 con lợn của hộ anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Cao Phong, xã Đức Lĩnh khi kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với dịch tả Châu Phi
Là hộ chăn nuôi đầu tiên ở Vũ Quang bị dịch bệnh tấn công (ngày 25/9), anh Nguyễn Văn Dũng (thôn Cao Phong, xã Đức Lĩnh) đã thực hiện nghiêm, kịp thời các biện pháp ngăn chặn.
Dù chỉ có 2/13 con bị chết nhưng nhận thấy bất thường anh Dũng đã báo ngay chính quyền địa phương để kiểm tra và khi mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính anh đã sẵn sàng hợp tác, cho tiêu hủy cả đàn.
Anh Dũng chia sẻ: “Đàn lợn một trong những là tài sản lớn của những hộ chăn nuôi như chúng tôi, nên phải tiêu hủy cả đàn là điều hết sức đáng tiếc... Nhưng vì trách nhiệm chung, chúng tôi không cố vớt vát, mà sẵn sàng chấp nhận thực hiện các biện pháp ngăn chặn, tiến hành tiêu hủy kịp thời theo quy định”.
Dù chỉ 2/13 con trong đàn bị nhiễm bệnh nhưng để ngăn ngừa dịch, bảo vệ đàn vật nuôi cho của các hộ khác, gia đình anh Dũng sẵn sàng tiêu hủy cả đàn, trong đó có những con lợn nái rất có giá trị.
Ông Nguyễn Xuân Thê - Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: “Do các hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ, các huyện giáp ranh đều đã bị dịch và luôn phải đối mặt với nguy cơ lây lan từ chợ Bộng nên địa phương đã bị DTLCP xâm nhập.
Để ngăn chặn, chúng tôi đã gấp rút phối hợp chặt chẽ với các phòng ngành chức năng trong dập dịch, tiêu hủy đàn lợn bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ các khu chuồng trại, thành lập các điểm chốt chặn; tuyên truyền, nhắc nhở để người dân báo cáo dịch, không vứt lợn bệnh ra môi trường hay làm thịt...”.
Tất cả các ổ dịch được phát hiện trên địa bàn Vũ Quang thời gian qua đều được chôn lấp, xử lý kịp thời, đúng quy trình, đảm bảo an toàn, sạch sẽ. (Trong ảnh: đào hố chôn lấp, rắc vôi khử trùng để tiêu hủy 19 con lợn bị nhiễm dịch của gia đình ông Nguyền Đình Thuấn ở thôn Hợp Bình, xã Hương Minh).
Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn, công tác ngăn ngừa được tập trung cao độ.
Ông Nguyễn Quang Thái - Thành viên HTX Sản xuất chăn nuôi & Kinh doanh tổng hợp Hương Giang (xã Đức Hương) cho biết: “Ngoài các biện pháp bảo vệ chung, thì ở cơ sở chúng tôi đàn lợn được theo dõi sát sao 24/24, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp liên kết luôn có mặt tại cơ sở. Cùng với đó là cấm người ngoài ra vào, công nhân “cấm trại” và lượng hóa chất, vôi bột được phun, rắc thường xuyên, dày hơn”.
Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn như HTX Sản xuất chăn nuôi & Kinh doanh tổng hợp Hương Giang thì việc chống dịch đang được thực hiện rất gắt gao, người ngoài không được vào trại, công nhân “cấm trại”, hóa chất và vôi được phun rắc liên tục...
Theo thống kê, đàn lợn của huyện Vũ Quang hiện có 26.384 con, thuộc 717 hộ, cơ sở chăn nuôi; trong đó nuôi quy mô lớn tập trung có 16 cơ sở với 20.100 con, nuôi quy vừa có 647 con với 2 cơ sở, còn lại là 699 hộ nuôi quy mô nhỏ.
Kể từ ngày 25/9 đến nay, trên địa bàn huyện Vũ Quang đã xuất hiện 8 ổ DTLCP (xã Đức Lĩnh 2, thị trấn Vũ Quang 2, Đức Bồng 2, Hương Minh 1, Đức Giang 1) với 104 con lợn bị tiêu hủy. Cơ sở chăn nuôi có lợn bị bệnh gần đây nhất là ngày 13/10 tại nông hộ xóm 1 - Bồng Giang, xã Đức Giang với 21 con lợn bị tiêu hủy.
Để ngăn dịch, tất cả các cơ sở chăn nuôi nông hộ ở Vũ Quang đều đã được phun tiêu độc khử trùng, cấm thả rông lợn, cấm vứt xác bừa bãi và làm thịt lợn bệnh. Đồng thời phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương khi xuất hiện bệnh dịch.
Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang khẳng định: “Đối với các địa phương có dịch, huyện yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định, hướng dẫn hiện hành. Việc tập trung tiêu hủy lợn bị dịch sẽ được kiểm soát sát sao, theo dõi hàng ngày. Dịch xuất hiện rồi nên các chốt chặn đã được thành lập dày hơn, người tập trung hơn. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã bố trí kinh phí, chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo dập dịch hiệu quả”.
Ngoài nguồn vật tư do các cơ sở chăn nuôi tự đảm bảo, các doanh nghiệp liên kết hỗ trợ, huyện Vũ Quang cũng cấp phát 62 lít hóa chất, gần 4 tấn tấn vôi bột và trích 30 triệu đồng để hỗ trợ 15 chốt kiểm dịch đảm bảo vật tư, điều kiện chống dịch.