Vùng đất "Tây Lương nữ quốc" ngoài đời thực

Người Mosua sinh sống quanh hồ Lugu là dân tộc duy nhất ở Trung Quốc đến nay vẫn còn giữ chế độ mẫu hệ, khiến nhiều du khách liên tưởng tới Tây Lương nữ nhi quốc của Tây Du Ký.

Hồ Lugu nhìn từ Đài quan sát. Ảnh: Trịnh Hiền Thương.

Dưới đây là chia sẻ của Trịnh Hiền Thương - nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Nhân học Văn hóa - Đại học Thượng Hải (Trung Quốc) về hành trình khám phá hồ Lugu.

Năm 2014, trong bài giảng môn Hôn nhân, thị tộc và gia đình, GS.Trương Giang Hoa giảng cho chúng tôi nghe về Mẫu hệ và người Mosua. Khi ấy tôi hỏi thầy phải chăng đây là chính là nguyên mẫu của Nữ Nhi Quốc trong Tây Du Ký? Thầy cười nói: “Có thể lắm”. Bởi thế, sau khi đọc được thông tin biết rằng hồ Lugu là nơi sinh sống của người Mosuo, tôi quyết định mình phải đến đây.

Từ Lệ Giang, tôi chọn mua tuyến xe bus khứ hồi đến hồ Lugu trong 2 ngày của hãng Jiantu với giá 99 tệ (325.000 đồng), xe đón tại cổng Bắc của trấn cổ Đại Nghiên. Ban đầu tôi cho rằng quãng đường 180 km từ Lệ Giang đến hồ Lugu chỉ cần đi và về trong ngày là đủ, nhưng sau đó mới biết dù quãng đường không xa nhưng khó đi và nguy hiểm do địa hình đồi núi quanh co, rất dễ có đá tảng rơi từ trên núi xuống. Xe không thể đi với tốc độ nhanh, chúng tôi đã mất 6 tiếng để di chuyển.

Sau khi dừng xe ở Đài quan sát, đứng từ trên cao nhìn xuống hồ Lugu tôi nghĩ rằng đó không phải là khung cảnh ở dưới mặt đất, mà là thiên đường. Tôi hiểu vì sao người ta gọi hồ Lugu là viên minh châu của cao nguyên. Tôi hiểu tôi đã lựa chọn đúng điểm cần đến cho hành trình du lịch của mình ở Vân Nam.

Khách sạn quanh hồ Lugu chủ yếu tập trung ở phía Tây gồm ba thôn: thôn Lạc Thủy (hay Đại Lạc Thủy), Tam gia thôn và bán đảo Ly Cách. Tôi chọn một khách sạn ở thôn Lạc Thủy, vì thôn này là điểm dừng của xe bus thuận tiện về giao thông và sầm uất hơn cả.

Ở thôn Lạc Thủy có khá nhiều dịch vụ ăn uống, ngoài ra bạn cũng có thể lựa chọn thuê xe đạp, đi thuyền hoặc thuê ôtô tham quan quanh hồ. Buổi chiều đầu tiên khi đến Lugu tôi lựa chọn đi thuyền ra đảo, giá vé 50 tệ/người (165.000 đồng). Bác chèo thuyền cho chúng tôi biết người dân tộc mình (Mosuo) cũng theo đạo Phật và dặn chúng tôi khi vào tham quan ngôi chùa trên đảo lưu ý không được đội mũ, mặc váy ngắn, không được chụp ảnh ở bên trong chùa.

Rời đảo, buổi chiều hôm ấy tôi lang thang chụp ảnh ở ven hồ và may mắn gặp được Susan, cả hai chúng tôi đều đơn độc đến nơi này. Nhờ cô ấy mà tôi có được một vài tấm hình kỷ niệm ở khung cảnh tuyệt đẹp này.

Chiều muộn ở thôn Lạc Thủy. Ảnh: Trịnh Hiền Thương.

Sáng hôm sau, tôi và Susan hẹn nhau cùng ra bến thuyền chụp ảnh mặt trời mọc. Người dân trên đảo nói với tôi thời gian mặt trời mọc là 6h40. Quả đúng như vậy, tôi bước chân ra khỏi khách sạn lúc 6h30, trên đường đi bộ ra bến thuyền cũng là kịp lúc chụp ảnh mặt trời từ từ nhô lên. Người ta nói, đến hồ Lugu bạn không cần phải là một nhiếp ảnh gia, chỉ cần tùy tiện chụp ảnh thì cũng có thể đem một bức tranh về nhà. Hồ Lugu cho dù là sáng, trưa hay chiều đều như biến đổi màu sắc, ở khoảnh khắc nào cũng khiến người ta mê đắm.

Một điều “dũng cảm” nhất của tôi trong hành trình này là đạp xe từ thôn Lạc Thủy đến cầu Tẩu Hôn. Quãng đường đi và về gần 40 km khá vất vả vì có nhiều đoạn đèo dốc, đường xóc nhưng có những cảnh đẹp, tôi dừng lại ngắm nhìn và lưu giữ trong ký ức.

Dường như mọi du khách đến hồ Lugu đều phải dừng chân ở cầu Tẩu Hôn. Cây cầu này vốn dĩ trở nên đặc biệt bởi theo phong tục của người Mosuo, nếu trai gái yêu nhau họ chỉ cần nắm tay đi hết cây cầu này là sẽ có thể ở bên nhau đến đầu bạc răng long.

Người Mosuo có tập tục “nam không lấy vợ, gái không gả chồng”. Họ sống theo chế độ mẫu hệ, nam và nữ không kết hôn, hay chính xác hơn là “hôn nhân” của họ không có sự ràng buộc về kinh tế hay quy định của pháp luật. Nếu như nam và nữ yêu nhau, muốn ở bên nhau dài lâu thì họ chỉ việc nắm tay nhau đi hết cây cầu Tẩu Hôn, đây được xem như một nghi thức hẹn thề đính ước giữa họ.

Sau đó, nam và nữ hai bên sẽ phân biệt gọi nhau là “A Chú” và “A Hạ”. Người Mosuo trước đây gọi nghi thức này là “A Hạ hôn”. Trên thực tế, thực hiện “A Hạ hôn” xong, nam và nữ vẫn không cùng sống trong một nhà. Hàng tối người nam đến nhà người nữ ở, nhưng đến khi trời sáng anh ta lại trở về nhà mình, con cái sinh ra sẽ chung với mẹ, mang họ của người mẹ, Mối quan hệ không có sự ràng buộc nào này bất cứ lúc nào cũng có thể dừng lại, nếu người phụ nữ không thấy phù hợp. Ở Trung Quốc, người Mosuo là dân tộc duy nhất cho đến nay vẫn còn giữ chế độ mẫu hệ.

Vũ hội của người Mosuo. Ảnh: Trịnh Hiền Thương.

Tôi không biết tác giả Ngô Thừa Ân có phải từ phong tục của người Mosuo mà phóng tác thành Nữ Nhi Quốc trong tác phẩm Tây Du Ký hay không, nhưng trên những con đường ở thôn Lạc Thủy tôi nhìn thấy rất nhiều biển hiệu của khách sạn, quán ăn, cửa hàng... đặt tên là “Nữ Nhi Quốc”. Phong cảnh tuyệt đẹp, phong tục độc đáo đó là những điều khiến hồ Lugu trở nên đặc biệt hấp dẫn du khách.

Với tôi, có những nơi đi qua chỉ một lần là đủ, có những thành phố đã đến rồi lại mong một ngày được quay trở lại. Còn với Hồ Lugu thì khác, tôi đã có hai ngày ở chốn thiên đường này, tôi biết hai ngày là không đủ nhưng con người không thể quá tham lam và thiên đường thì không nên ở quá lâu vì sau cùng chúng ta vẫn phải trở về thực tại. Chỉ có điều, quãng thời gian ngắn ngủi này sẽ là ký ức tươi đẹp trong hành trình du lịch của tôi.

Hồ Lugu nằm ở giao điểm của hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, phía đông của hồ thuộc huyện Diêm Nguyên nằm ở phía đông nam cao nguyên Thanh Tạng – Tứ Xuyên, phía Tây của hồ thuộc về huyện Ninh Lang của tỉnh Vân Nam.

Bình minh trên bến thuyền ở thôn Lạc Thủy.

Cầu Tẩu Hôn.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói