Vườn Quốc gia Vũ Quang - “ngôi nhà” của động vật hoang dã

(Baohatinh.vn) - Vườn Quốc gia Vũ Quang được xem là “ngôi nhà” của các loài động vật hoang dã. Mỗi năm, nơi đây đều tiếp nhận khoảng 300 - 400 cá thể từ người dân và các cơ quan, đơn vị; tiến hành tái thả từ 250 - 300 cá thể về môi trường tự nhiên.

Vườn Quốc gia Vũ Quang được biết đến là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam với nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo tồn, nằm trong một vùng sinh thái có mức độ quan tâm toàn cầu, có vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh môi trường cho vùng Trung Trường Sơn và cả khu vực ASEAN.

Vườn Quốc gia Vũ Quang - “ngôi nhà” của động vật hoang dã

Vườn Quốc gia Vũ Quang được biết đến là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam.

Vườn có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong đó có những loài đặc trưng, quý, hiếm như: sao la, mang lớn, thỏ vằn, chà vá chân nâu, vượn đen, gà lôi lam đuôi trắng, rắn lục sừng, ếch cây sần Bắc Bộ...

Tại đây, cũng đã xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao thuộc 813 chi với 217 họ, ghi nhận sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện. Đây đều là các loài đặc hữu (edemic) cho vùng Trung Trường Sơn nhưng được phát hiện, mô tả và công bố loài mới đầu tiên ở các sinh cảnh của rừng Vũ Quang.

Vườn Quốc gia Vũ Quang - “ngôi nhà” của động vật hoang dã

Từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã tiến hành tái thả hơn 300 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

Hằng năm, tại đây có đến hàng trăm loài động vật được tiếp nhận, chăm sóc và tái thả. Theo thống kê của vườn, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 400 cá thể động vật hoang dã do các tổ chức và cá nhân bàn giao để cứu hộ, tái thả. Trong đó, đã tiến hành tái thả hơn 300 cá thể về môi trường tự nhiên.

Việc hợp tác, phối hợp trong công tác cứu hộ, tái thả động vật hoang dã với các tổ chức, vườn quốc gia khác trên cả nước thời gian qua cũng được đơn vị tích cực thực hiện nhằm tạo hiệu quả trong công tác bảo tồn như: phối hợp với Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tái thả 158 cá thể; Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) tái thả 14 cá thể; Tổ chức Động vật châu Á tái thả 25 cá thể...

Vườn Quốc gia Vũ Quang - “ngôi nhà” của động vật hoang dã

Công tác tuần tra rừng tại gốc luôn được đơn vị thực hiện thường xuyên, hiệu quả.

Anh Nguyễn Việt Hùng - Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Vườn Quốc gia Vũ Quang) cho biết: “Thời gian qua, đơn vị không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, quyết tâm bảo vệ hiện trạng, không để rừng bị xâm hại. Công tác tuần tra rừng tại gốc được thực hiện thường xuyên và liên tục; việc lập các chốt kiểm tra, kiểm soát được tăng cường.

Đặc biệt, từ tháng 11/2022 đến nay, đơn vị đã tiến hành lắp đặt hệ thống bẫy ảnh trên toàn bộ diện tích quản lý với gần 200 máy để phát hiện, giám sát các loài cũng như kiểm soát người dân tự ý đi vào rừng đặc dụng. Qua đó đã ghi nhận được 58 loài động vật hoang dã, quý, hiếm, trong đó có 5 loài đặc biệt nguy cấp, đặc hữu của dãy Trường Sơn. Cũng theo anh Hùng, ngoài công tác bảo tồn, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng luôn được đơn vị chú trọng, đã có nhiều đề tài nghiên cứu chất lượng được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Vườn Quốc gia Vũ Quang - “ngôi nhà” của động vật hoang dã

Các loài động vật sau khi được tá thả về tự nhiên được cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang theo dõi, bảo vệ để đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang nhấn mạnh: “Những nỗ lực của cán bộ, nhân viên đơn vị trong công tác cứu hộ, tái thả động vật hoang dã những năm qua góp phần không nhỏ trong công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam nói chung và khu vực Trung Trường Sơn nói riêng; làm phong phú và dày thêm hệ sinh thái động vật, thực vật ở một trung tâm được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao bậc nhất của Việt Nam.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng, các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước cũng như kêu gọi các chương trình, dự án bảo tồn đa dạng sinh học làm tốt hơn lĩnh vực này để Vườn Quốc gia Vũ Quang ngày càng xứng đáng là “ngôi nhà” và “nơi trở về an toàn” của các loài động vật hoang dã, là địa chỉ tin cậy nhận bàn giao, chăm sóc, cứu hộ và tái thả động vật hoang dã về tự nhiên”.

Vườn Quốc gia Vũ Quang - “ngôi nhà” của động vật hoang dã

Các loài động vật hoang dã được chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên

Với tính đa dạng sinh học, tháng 10/2019, tại Hội nghị các Vườn di sản ASEAN (AHP) lần 6 diễn ra ở thành phố Pakse, tỉnh Champasak (CHDCND Lào), Vườn Quốc gia Vũ Quang chính thức được Hội đồng AHP, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tuyên bố và trao danh hiệu “Vườn di sản ASEAN”; tháng 7/2022, vườn được Bộ TN&MT trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021...

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast