Liên tiếp phải chịu nhiều bất hạnh và thiệt thòi, nhưng Phạm Đình Việt luôn nỗ lực để học tập tốt hơn.
Trong chuyến công tác ngược ngàn miền núi, chúng tôi được các thầy giáo Trường THCS Chu Văn An kể về câu chuyện chàng trai có khuôn mặt hiền từ phúc hậu mang bao nỗi bất hạnh nhưng lại có bảng thành tích học tập đầy ấn tượng.
Sau lần trò chuyện, chúng tôi quyết định tiếp tục đến thôn Bình Tân, xã Hương Bình, huyện Hương Khê để gặp Phạm Đình Việt.
Chị Đoàn Thị Loan - mẹ em Việt chia sẻ: “Ngay từ nhỏ, Việt chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa. Năm nó lên lớp 2, bố nó là Phạm Đình Hoan đổ bệnh phải nhập viện cấp cứu liên tục, gắng gượng được thêm 2 năm khi Việt học lớp 4, thì bố qua đời vì bạo bệnh. Bố nó mất, một mình tui nuôi cả gia đình gồm ông bà nội và cháu, nên không dành được sự chăm sóc nhiều cho Việt”.
Có lẽ sống trong sự bất hạnh và nghèo khó nên ngay từ nhỏ, Việt bản lĩnh và cứng cáp hơn các bạn cùng trang lứa. Ngày ngày một mình trên chiếc xe đạp băng rừng để đến trường mà Việt chưa hề ca thán một điều gì với mẹ. Ngoài những giờ ở trường, thời gian còn lại Việt phụ giúp mẹ nhiều việc trong gia đình.
Suốt 9 năm học, Việt luôn là học sinh giỏi với bảng thành tích học tập đáng khâm phục.
“Nó tội lắm chú à, có những hôm tui phải đưa bà nội đi viện, nó đi học về là vào bếp nấu cơm, chăm sóc ông nội, dọn dẹp nhà cửa xong xuôi mới tiếp tục đi học. Những lần thấy con tất bật xoay sở đủ thứ việc rồi vội vàng đến trường, tôi như nuốt nước mắt vào trong” - chị Loan rơm rớm nước mắt kể.
Gần 2 năm trở lại đây, chị Loan bị bệnh bướu ác tuyến giáp khiến cuộc sống trước đây đã khó khăn nay càng trở nên khốn đốn. Thế nhưng, càng khó khăn bao nhiêu thì Việt càng nỗ lực bấy nhiêu, trong 9 năm học, em đều đạt học sinh giỏi. Trong kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh được tổ chức vào tháng 3 vừa qua, Việt đã xuất sắc giành giải nhì môn Hóa học.
Ngoài giờ lên lớp, Việt luôn phụ giúp gia đình công việc nhà.
Chia sẻ về phương pháp để đạt kết quả cao môn Hóa học, Việt cho biết: “Do em không có điều kiện để học thêm ở trung tâm, nên em chủ yếu nắm chắc các kiến thức khi thầy cô giáo giảng trên lớp và sách giáo khoa. Sau khi học lý thuyết thì em áp dụng ngay vào các bài tập để củng cố kiến thức theo từng phần. Như thế sẽ dễ nhớ và nhớ lâu. Tuyệt đối không học thuộc lý thuyết theo kiểu máy móc”.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Phạm Đình Việt trầm ngâm một lúc rồi nói: “Ước mơ của em từ nhỏ là được làm bác sỹ, nhưng gia đình đang khó khăn, mẹ em lại mang bệnh nên chắc em phải suy nghĩ lại việc chọn ngành học để phù hợp hoàn cảnh gia đình”.
Rời căn nhà nhỏ, chúng tôi tin rằng, với nghị lực phi thường, Việt sẽ viết tiếp ước mơ của mình trong tương lai.