Một trong những kỹ năng mọi người đều thiếu đó chính là kỹ năng vượt xe. Đây là một trong những kỹ năng khó và phức tạp, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên các khóa học lái xe lại bỏ qua hoặc huấn luyện rất sơ sài. Điều này dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc trong tương lai, khi các học viên đối mặt với hoàn cảnh thực tế trên đường. Vậy vượt xe thế nào là đúng cách, đúng luật và đảm bảo an toàn.
Đây là yếu tố trước tiên mọi lái xe đều phải tuân thủ. Luật giao thông đường bộ 2008 quy định trong điều 14 về những quy tắc khi vượt xe.
1. Khi vượt chúng ta phải có báo hiệu bằng còi xe, trong khu đô thị và khu dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ sáng chỉ ra hiệu xin vượt bằng đèn.
2. Chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
3. Khi có xe xin vượt, nếu thấy an toàn, người đi trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải cho tới khi xe sau đã vượt qua, không gây trở ngại với xe xin vượt
4. Vượt về bên trái, các trường hợp sau thì được vượt bên phải:
Xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hay đang rẽ trái Xe điện đang chạy giữa đường Xe chuyên dùng đang làm việc mà không thể vượt bên trái Đường mà một chiều có từ hai làn đường trở lên
5. Không được vượt khi:
Không đảm bảo các điều kiện tại điểm 2 Trên cầu có một làn xe Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế Nơi đường giao nhau, nơi đường bộ giao với đường sắt Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không đảm bảo an toàn cho việc vượt Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ
Va chạm với xe máy ngược chiều khi vượt xe.
Vượt xe đúng cách
Sau khi đảm bảo các điều kiện về vượt xe đúng luật, chúng ta sẽ lên một nấc cao hơn là vượt xe đúng cách. Nên tạo thói quen cho mình vượt xe theo trình tự như sau:
1. Không nên đi quá sát xe phía trước, điều này giúp góc quan sát rộng hơn, bạn có thể thấy rõ được phần đường phía trước xem có chướng ngại vật hay xe đi ngược chiều hay không.
2. Bật xi-nhan trái đồng thời bấm còi / nháy pha để xin vượt.
3. Không vượt ngay mà chờ một lúc để chắc rằng lái xe phía trước nhận được tín hiệu và ra hiệu cho vượt hoặc không
4. Xem xét các điều kiện an toàn như xe ngược chiều, độ thoáng của làn đường sắp đi vào, các chướng ngại vật khác …
5. Sau khi đủ các yếu tố an toàn, tiến hành vượt xe.
6. Vượt xe dứt khoát bằng tất cả khả năng của chiếc xe, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát của người lái.
7. Sau khi vượt lên, khoan vào lại làn đường của mình, nhìn vào gương chiếu hậu bên phải thấy tạo ra khoảng cách an toàn đủ với xe vừa vượt, mới chạy xe lại vào làn đường của mình, nhằm tránh cúp đầu xe vừa vượt mặt.
8. Lúc này có thể tắt xi-nhan và cho xe tiếp tục hành trình.
Một vài lời khuyên
1. Không nên vượt mặt một lúc từ hai xe trở lên, trừ khi những chiếc xe này di chuyển thành đoàn với tốc độ chậm và sát về bên phải
2. Không nên nóng vội, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu
3. Không nên vượt chồng xe phía trước. Nếu đang vượt mà phát hiện xe phía trước cũng vượt, phải tiến hành rà phanh và giảm tốc độ ngay lập tức, chờ tới lượt vượt của mình.
4. Không nên vượt nối đuôi xe phía trước, vì rất có thể đang có xe ngược chiều đi lại và họ sẽ không quan sát thấy bạn
5. Khi vượt mặt, chúng ta cũng nên duy trì một khoảng cách an toàn với xe bên cạnh, ít nhất là một nửa chiều rộng thân xe để có thể phản ứng kịp thời với những thay đổi hướng di chuyển của họ, đôi khi họ phải lấy lái sang trái để tránh những chướng ngại vật bên trong đường, mà chúng ta có thể không quan sát thấy vì bị khuất tầm nhìn.
6. Nếu xe phía trước của bạn đã đi với tốc độ tối đa cho phép, bạn cũng không nên vượt, thay vào đó duy trì khoảng cách an toàn với họ, vì nếu vượt, bạn sẽ phải vượt quá tốc độ quy định mà điều này không được phép.
7. Sau khi vượt, vẫn phải duy trì một tốc độ cao hơn, tránh vừa vượt qua xe khác rồi lại rà thắng. Điều này không những gây nguy hiểm cho người khác mà còn cho chính bản thân bạn.
Trên đây là những kinh nghiệm gần 10 năm cầm lái của người viết. Các bạn có thêm kinh nghiệm hay có thể chia sẻ để giúp những ai mới lấy bằng lái hoặc lâu rồi không lái ô tô sẽ có những kiến thức tốt giúp lái xe an toàn hơn.