Cứu lấy Đá Bạc!

Chán chảy dưới nền, giờ đây, nước trong hồ Đá Bạc (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh) lại trườn qua thân đập gây sình lầy mái hạ lưu suốt chiều dài hàng trăm mét, nhiều chỗ đất sụt lún sâu. Cùng với đường bão hòa trong thân đập đang dâng cao ngất ngưởng là những bất thường khiến hồ Đá Bạc tiếp tục “kêu” cứu…

Bạc như... Đá Bạc!

Sáng 21/12, tôi trở lại Đá Bạc sau 4 tháng kể từ lần gần nhất đến với hồ chứa nước mà giới truyền thông đã tốn không ít giấy mực để nói về những hạn chế, sai sót trong quá trình đầu tư xây dựng, cũng như đưa ra những cảnh báo về sự mất an toàn của công trình trong khi giới khoa học vẫn đang loay hoay với việc xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng nước thấm đập. Khác với nhiều lần đến trước đây, ngay từ bước chân đầu tiên khi trèo lên đập đã thấy những dấu hiệu bất thường từ mái hạ lưu.

Gần vị trí cống lấy nước, tại cao trình +13,0m, nước chảy mạnh đã làm lún, sụt đống đá tiêu nước
Gần vị trí cống lấy nước, tại cao trình +13,0m, nước chảy mạnh đã làm lún, sụt đống đá tiêu nước

Đầu tiên là phần áp mái hạ lưu đoạn K0+500 (vị trí cống lấy nước), tại cao trình + 13,0m, nước chảy mạnh đã làm lún, sụt đống đá tiêu nước. Ở hai bên hạ lưu cống lấy nước, nước đã đẩy trôi nhiều phiến đá nhỏ và để lộ những vùng cát thay vì lớp đá dăm lót như vẫn thường thấy ở các tầng lọc ngược.

Trèo ngược mái hạ lưu từ phần cơ đập (cao trình +23m) trở lên, tôi gặp Phạm Thị Thúy Vinh – Cán bộ kỹ thuật thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hồng Lam – người có nhiệm vụ quản lý hồ Đá Bạc - đang găm lại một trong nhiều tấm biển đánh dấu vùng có nước thấm mạnh qua thân đập. Theo Vinh cho biết, mấy năm nay, những người quan tâm đến công trình đều không lạ gì với hiện tượng nước thấm chảy thành dòng dưới nền đập, nhưng tình trạng thấm qua thân đập thì chỉ mới bắt đầu mạnh dần từ sau mùa mưa lũ 2011 này. Để tiện cho việc theo dõi thấm trên thân đập, đơn vị đã tiến hành cắm những tấm biển nhỏ làm từ bìa các tông ghim trên cọc tre.

Ở hai bên hạ lưu cống, nước đã đẩy trôi nhiều phiến đá nhỏ và để lộ những vùng cát thay vì lớp đá dăm lót như vẫn thường thấy
Ở hai bên hạ lưu cống, nước đã đẩy trôi nhiều phiến đá nhỏ và để lộ những vùng cát thay vì lớp đá dăm lót như vẫn thường thấy

Lần theo những tấm biển cắm dày trên thân đập có thể thấy, vùng thấm rồng rắn lúc lên khi xuống với mật độ dày đặc suốt chiều dài trên 200 m nhưng chủ yếu dao động từ cao trình +23,3 đến +24,25 m. Nhiều vị trí, do nước thấm mạnh đã vùi dập những vạt cỏ dày và gây ra hiện tượng sình lầy mái đập. Càng đến gần vị trí lòng khe cũ thì mái hạ lưu không xuất hiện tình trạng thấm nữa nhưng phía dưới nền, nước vẫn chưa thôi ào chảy từ hơn 3 năm nay.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hồng Lam cho biết, trước mùa mưa lũ 2011, gần như ngày nào, đơn vị cũng yêu cầu bộ phận quản lý hồ theo dõi, kiểm tra để báo cáo tình hình nhưng không thấy hiện tượng nước thấm qua thân đập mạnh đến thế. Vậy nhưng, sau khi kết thúc mùa mưa lũ thì tình trạng thấm ngày một nghiêm trọng hơn. Đường bão hòa trong thân đập (dòng thấm từ thượng lưu về hạ lưu) đã dâng cao bất thường, bởi mực nước trong hồ hiện chỉ ở cao trình 26,32 m so với mực nước dâng bình thường của hồ trước khi làm thêm tràn dự phòng (xả sâu) là 29,8 m.

Vùng thấm rồng rắn lúc lên khi xuống với mật độ dày đặc suốt chiều dài trên 200m nhưng chủ yếu dao động từ cao trình +23,3 đến +24,25 m
Vùng thấm rồng rắn lúc lên khi xuống với mật độ dày đặc suốt chiều dài trên 200m nhưng chủ yếu dao động từ cao trình +23,3 đến +24,25 m

“Tuy chưa thấy hiện tượng sạt trượt, xê dịch, nhưng mái hạ lưu đã xuất hiện vùng thấm lớn khi mực nước hồ ở mức thấp thì khả năng mất an toàn của công trình là rất cao. Đó là chưa kể hiện tượng thấm lớn chảy thành dòng ở sau mái hạ lưu đập (đoạn lòng suối cũ) từ mấy năm nay vẫn chưa xử lý được; mặt khác, đập đất của hồ chứa nước Đá Bạc được thiết kế với tiêu chuẩn cũ (mặt cắt đập nhỏ) trong khi chiều cao đập lớn nên công trình càng tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn”, ông Hùng cho hay.

4 tháng trước, trong một bài viết đề cập đến việc khắc phục sự cố hồ Đá Bạc, người viết bài này đã “kêu” giúp hai đơn vị thi công (DN tư nhân Trường Tiến và Công ty TNHH Xây dựng Xuân Hà) hòng được thanh toán khối lượng hoàn thành của các hạng mục xử lý trước mắt (xử lý thấm hạ lưu đập và làm thêm tràn dự phòng bằng hình thức xả sâu) trị giá hơn 3,7 tỷ đồng nhưng đến nay các doanh nghiệp đó vẫn chưa nhận được đồng nào từ chủ đầu tư là UBND thị xã Hồng Lĩnh.

Tương tự, đề xuất của Hội đồng xác định nguyên nhân thấm hồ Đá Bạc (do một lãnh đạo Sở NN&PTNT làm Chủ tịch, 1 lãnh đạo Sở Xây dựng làm Phó Chủ tịch Thường trực và một số cán bộ phòng chuyên môn thuộc các ngành này làm thành viên) trình UBND tỉnh cấp kinh phí 835,3 triệu đồng để thuê tư vấn độc lập xác định nguyên nhân thấm (Công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Thủy lợi), dù đã qua 16 tháng nhưng không hiểu sao tới nay vẫn chưa có câu trả lời.

Hồ Đá Bạc đang thoi thóp và luôn tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập bất cứ lúc nào. Hãy cứu lấy Đá Bạc khi còn chưa muộn!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast