Như những đóa hoa thơm...

Như những đóa hoa thơm...

Thanh niên học tập và làm theo gương Bác có thể thật sôi nổi nhưng cũng có thể rất lặng lẽ, có việc lớn lao, cũng có việc giản dị… Nhưng tất cả họ đã để lại những dấu ấn, sự lan tỏa đến những người xung quanh. Một trong những người lặng lẽ làm những việc giản dị mà lại có ý nghĩa xã hội to lớn mà tôi đã được gặp là đoàn viên Hồ Sỹ Phong - Chủ tịch Hội người mù huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Như những đóa hoa thơm...

Nhận lời hẹn gặp tôi trong ngày nghỉ cuối tuần, Phong đã đứng sẵn đầu ngõ để đợi. Phong hiền hòa, lịch lãm và nhỏ nhẹ trong bộ đồ tây với áo sơ mi trắng. Tưởng như cậu cũng mới chỉ là học trò cấp 3. Ấy vậy mà, trò chuyện với Phong mới thấy cậu đã trải qua một chuỗi những nỗ lực lớn lao, mới thấy cậu đã để lại thật nhiều dấu mốc đẹp đẽ trong quãng đời 30 năm qua của mình.

Như những đóa hoa thơm...

Sinh ra đã bị mù bẩm sinh, thuở nhỏ, Phong đã được bố mẹ dạy cho cách đương đầu với khiếm khuyết của mình. Người khiếm thị học cùng với những người bình thường là một lực cản vô cùng lớn, có lúc tưởng chừng như kéo gục ý chí của cậu. Thế nhưng, cuộc sống luôn có những thiện lành đối với người thiệt thòi. Đúng lúc đó, Phong được Hội Người mù huyện đưa đi học chữ nổi. Vốn dĩ thông minh nên chỉ sau vài khóa học, Phong đã thông thạo chương trình chữ nổi Braille và trở lại đi học bình thường. Phong rất nỗ lực học tập, từ bậc tiểu học đến hết những năm THPT, em luôn dẫn đầu về thành tích học tập và rèn luyện, luôn là học sinh giỏi toàn diện. Đặc biệt, năm lớp 9, Phong còn được chọn đi thi học sinh giỏi huyện và giành giải nhì môn Tiếng Anh.

Phong chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp THPT, cuộc sống lại một lần nữa giang rộng vòng tay với em khi em được Huyện hội và Tỉnh hội lựa chọn đi học lớp quản lý của Trung ương Hội Người mù Việt Nam tại Học viện Hành chính quốc gia. Em hiểu đó là cơ hội tuyệt vời, là quà tặng quý giá của cuộc đời đối với một người khiếm thị nên em phải giữ lấy, vin vào đó để vươn lên”.

Như những đóa hoa thơm...

Suốt cả quá trình làm việc của mình, Phong luôn lấy lời Bác Hồ dạy thương binh Việt Nam “tàn nhưng không phế” để làm động lực vươn lên và hun đúc ý chí cho hội viên. Những tấm gương khuyết tật như thầy Nguyễn Ngọc Ký chính là bài học sống động nhất, hay tấm gương chị Đinh Việt Anh ở Hội Người mù tỉnh lúc đó cũng truyền lửa để Phong thực hiện những hoài bão, khát khao của mình.

Sau khi tốt nghiệp lớp quản lý, Phong được nhận vào công tác tại Hội Người mù huyện Lộc Hà. Tuy trẻ tuổi nhưng Phong rất xông xáo trong mọi hoạt động. Nhận thấy, hội viên của huyện hầu hết là cao tuổi, lại không có việc làm, không có thu nhập nên Phong rất hăng hái tham gia tổ chức các lớp dạy chữ, dạy nghề cho hội viên. Sau này, khi được giữ chức vụ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Người mù huyện Lộc Hà, Phong càng chú trọng vào việc giúp đỡ hội viên hơn.

Như những đóa hoa thơm...

Hồ Sỹ Phong giúp đỡ các em học sinh trong thôn làm bài tập tiếng Anh những lúc rảnh rỗi.

Anh Nguyễn Thành Chung (ở Thịnh Lộc) cho biết: “Khi tôi tưởng như đã ở yên trong cuộc đời tàn phế của mình thì Phong đã đến, vận động tôi tham gia lớp học chữ, rồi cho tôi học nghề, giao lưu với những người cùng cảnh ngộ để có thêm sinh lực vươn lên trong cuộc sống. Giờ đây, tôi đã hoàn toàn thoát khỏi mặc cảm, tự ti bởi ít nhất tôi cũng đã nuôi sống được bản thân, lại còn có gia đình và sinh con nữa”.

Ý chí và nghị lực của một người khuyết tật như Phong là bài học sâu sắc đối với các em nhỏ. Bởi thế, trong những ngày nghỉ cuối tuần, nhà Phong lúc nào cũng có các em nhỏ đến chơi, lúc thì hỏi một bài tập tiếng Anh nào đó, lúc để chia sẻ những ước mơ, hoài bão trong cuộc sống.

Như những đóa hoa thơm...

Như những đóa hoa thơm...

Tuy không phải là người rành âm nhạc nhưng Phong lại rất thích câu hát của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...". Chính vì thế, thời gian gần đây, Phong rất năng nổ trong công tác từ thiện. Những việc làm của Phong tuy chưa thực sự lớn nhưng “góp gió thành bão”, Phong cứ cần mẫn, miệt mài gõ cửa, kết nối với các tổ chức từ thiện để làm ấm những cuộc đời khốn khó.

Hiện nay, sau những nỗ lực kết nối của mình, Hồ Sỹ Phong đã xin được sự hỗ trợ hàng tháng cho 4 trẻ em mù đa khuyết tật, 3 phụ nữ mù neo đơn, 1 phụ nữ mù nuôi con nhỏ. Phong cũng đã từng kêu gọi quyên góp được 40 triệu đồng hỗ trợ con của một hội viên nữ ở An Lộc chữa bệnh bại não. Hàng năm, Phong còn kêu gọi quyên góp trao hàng trăm suất quà cho 417 hội viên và tổ chức những ngày lễ cho trẻ em mù và con em của hội viên. Hiện nay, Phong đang nỗ lực kết nối với tổ chức “Trả lại tuổi thơ” ở Đà Nẵng để xin kinh phí hỗ trợ cho những trẻ em bị bệnh tật trong hội cũng như trẻ em trên quê hương Lộc Hà.

Chị Đặng Thị Hà - Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Lộc Hà cho biết: “Ngọn lửa từ thiện trong Phong đã lan tỏa đến tôi và nhiều hội viên khác. Chúng tôi luôn sẵn lòng đồng hành cùng Phong”. Từ khi Hồ Sỹ Phong làm Chủ tịch hội, rất nhiều phong trào, hoạt động thiện nguyện được tổ chức và hội viên nghèo, phụ nữ mù, trẻ em mù là những đối tượng được Phong quan tâm nhiều nhất. Điều đó thực sự khiến chúng tôi vô cùng xúc động”...

Ảnh: Anh hoài - Thanh Hải

thiết kế: huy tùng

Chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast