Nơi con sông chia về hai ngả

Từ trên đỉnh cao nhất của dãy Giăng Màn, một con nước trôi về đất Việt mang tên Ngàn Phố, một con nước khác là Nậm Tuồng trôi về vùng đất Chămpa. Ẩn trong hai dòng chảy ấy là biết bao trầm tích văn hóa của 2 dân tộc Việt – Lào đằm thắm, thủy chung.

Nơi ghi dấu nghĩa nặng tình thâm

Mùa mưa, huyện miền núi Hương Sơn như càng lạnh hơn, nhất là ở những chỗ núi cao, mây mù che phủ âm u từ sáng đến tối. Chính vì thế, Quốc lộ 8A có lúc trông mềm mại như một dải lụa mềm uốn lượn qua bao đồi núi, lúc lại như mũi tên xuyên qua ngàn mây âm âm u u.

Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Hà Tĩnh - Ảnh: Internet.
Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Hà Tĩnh - Ảnh: Internet.

Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo mùa mưa. Mưa giăng màn qua mắt, mưa phủ mờ cả cảnh vật. Phải chăng dãy Giăng Màn có tên từ nguồn cơn đó? Đứng trên tòa nhà cao nhất của Đồn biên phòng nhìn ra đâu đâu cũng mây và mưa, chẳng thể thấy rõ cái hùng vĩ và hiểm trở vốn có của vùng biên ải nữa. Những chiến sỹ biên phòng Lào – Việt và những người quá cảnh đi làm thủ tục như cũng nhòe đi, nhạt nhòa trong màn mưa.

Đỉnh núi nơi chúng tôi đứng cao hơn mực nước biển 1000m, xa xa trong mưa mù che phủ kia là dãy Giăng Màn với những đỉnh cao trùng điệp chạy dài dọc theo biên giới. Thiếu tá Phan Mạnh Tâm – Trạm trưởng trạm biên phòng ở đây cho biết: “Cả tháng trời nay Cầu Treo chìm trong cảnh không rõ mặt người, bên này mưa thế nhưng bên kia đất bạn trời lại nắng đẹp lắm”.

Tôi đã nghe ở Trường Sơn “bên nắng đốt bên mưa quây” và ngày hôm nay chắc chắn sẽ được tận mắt chứng kiến. Nghe như lòng cũng háo hức hơn. Đúng như đồng chí Tâm nói, qua biên giới chừng 1 km đã thấy trời quang hẳn, mưa lưa thưa, thiên nhiên thơ mộng của đất nước Triệu Voi dần dần xuất hiện trước mắt chúng tôi với những dải cầu vồng bắc qua miền mưa, miền nắng, với những triền hoa dã quì vàng rực tươi nguyên, với những ngôi nhà sàn của các bộ tộc Lào nằm thảnh thơi bên sườn núi...

Con đường 8A vì thế như cũng đẹp hơn lên. Hàng mấy chục năm trước, kể từ khi Hoàng thân Xuphanuvông – vị lãnh tụ đầu tiên của cách mạng Lào, người học trò xuất sắc, người bạn thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khai thông ra con đường 8A này đến nay mối quan hệ Việt – Lào, mối quan hệ giữa Hà Tĩnh với các tỉnh bạn Lào càng trở nên nồng thắm. Chính từ nơi con sông chia về hai ngả ấy, đường 8A cũng chạy về hai đất nước mang theo trong lòng nó biết bao nghĩa tình.

Quay trở lại với lịch sử, từ thời Pháp chiếm đóng Đông Dương, đường 8A từ Hồng Lĩnh tới ngã ba Thoong-bèng (Bôlykhămxay) là một trong những con đường chuyên vận chuyển hàng hóa cho Pháp. Thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đường 8A trở thành một trong những con đường vận chuyển chiến lược của ta vào chiến trường miền Nam qua đất bạn Lào, cũng là một trong những cung đường đưa hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu vì đất nước và nhân dân Lào anh em. Đường 8A vì thế cũng trở thành điểm tập trung hủy diệt của không quân Mỹ, đã bao phen “chết đi sống lại” tại những tọa độ lửa, tọa độ chết mà mấy chục năm sau nhắc lại vẫn khiến không ít người khiếp sợ như Phà Linh Cảm, Đập Choi, Phà Hà Tân, Voi Bổ - vị trí tiền tiêu của QK IV tại Hà Tĩnh do D bộ binh 927 chốt giữ...

Một phía sông Ngàn Phố - Ảnh: Internet.

Một phía sông Ngàn Phố - Ảnh: Internet.

Những năm tháng ấy có biết bao con người đã ra đi vì tinh thần quốc tế cao cả, có người trở về vẹn nguyên nhưng cũng có những chiến sỹ mãi mãi nằm lại trên đất bạn. Hàng năm, cứ đến mùa khô của Lào, đội qui tập hài cốt liệt sỹ tình nguyện Việt Nam của Hà Tĩnh vẫn theo con đường này, luồn sâu vào trong rừng thẳm, núi cao của đất Lào tìm kiếm hài cốt liệt sỹ mang về quê hương. Thượng tá Nguyễn Xuân Nga – Đội trưởng đội qui tập, tâm sự: “Hơn chục năm gắn bó với công việc này, biết bao cảm xúc đã trải qua nhưng lần nào cũng thế, cứ đưa các anh về đến biên giới là tôi lại thấy lòng rưng rưng, có điều gì đó thiêng liêng từ lòng đất Mẹ cứ trào dâng trong lồng ngực, qua mắt, qua môi”.

Một ý nghĩ khá hoang đường chợt đến, nếu người ta lắp đặt ở cột mốc biên giới chiếc camera thì hẳn sẽ có được những thước phim tư liệu vô cùng quí giá, và dù không thế đi nữa thì hẳn là cây cột ấy cũng ghi đầy dấu ấn nghĩa tình… Sông núi này, con đường này đưa tiễn các anh đi rồi lại đón các anh về, buổi ra đi hào hùng và ngày trở về thật bi tráng, may mắn, có người còn tìm ra tên tuổi, quê quán nhưng hầu hết là không, năm ngoái có 17 hài cốt thì có đến 13 liệt sỹ là chưa tìm ra danh tính.

Mùa khô nước Lào năm nay đã đến được 2 tháng, đó cũng là khoảng thời gian những người lính trong đội qui tập hài cốt đang chiến đấu với bao khó khăn gian khổ chốn rừng thiêng nước độc để tìm kiếm những người đã ngã xuống cho hòa bình của nhân loại. Cùng dặm dài thiên lý với chúng tôi, dòng sông Nậm Tuồng vẫn thầm thì uốn lượn, từ trong các khe đá từng đàn bướm đủ màu sắc cứ dập dờn bay, không hiểu sao tôi bỗng liên tưởng đến linh hồn những người lính Việt – Lào vẫn quanh quất trên điệp trùng Trường Sơn. Hình ảnh những đoàn quân năm xưa trùng trùng ra trận, hình ảnh những người lính hôm nay bới tìm đồng đội trong lòng đất lại hiện rõ trước mắt tôi chan chứa nghĩa tình…

Ngày nay, theo con đường 8A này đã có nhiều chuyến đi giao lưu, thăm thú lẫn nhau khiến mối bang giao hữu hảo thêm phần nồng đượm. Chiến sỹ đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bây giờ không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, trấn giữ an ninh biên giới mà còn làm hàng trăm công việc khác như thường xuyên quan tâm đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào Lào vùng cận biên. Năm 2007, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã giúp đỡ bản Thọong Pẹ xây xong trạm y tế với các thiết bị đầy đủ, cán bộ y tế của đồn biên phòng Cầu Treo hàng tháng đều sang thăm khám và phát thuốc chữa bệnh cho bà con. Còn huyện Hương Sơn cũng tổ chức không ít cuộc giao lưu văn hóa với nước bạn, thông qua đó là những chương trình trợ giúp kinh tế, y tế…

Hàng năm, nhiều ban ngành đoàn thể tỉnh Hà Tĩnh cũng tổ chức các cuộc giao lưu kết nghĩa, thông qua đó giúp đỡ các địa phương còn nhiều khó khăn của Lào trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, các trường đào tạo chuyên nghiệp của Hà Tĩnh vẫn luôn dành chỗ cho du học sinh, sinh viên Lào với những điều kiện vật chất tốt nhất. Tất cả những điều đó khiến con đường 8A trở thành nơi ghi dấu những nghĩa tình nồng thắm nhất của hai nước Việt – Lào.

Con đường hội nhập, con đường doanh nhân

Từ cột mốc biên giới ở cửa khẩu Cầu Treo, con đường 8A cũng chia về hai hướng mang theo trong nó nhiều khát vọng của nhân dân hai dân tộc. Việt Nam và Lào đã hoàn thành nâng cấp quốc lộ 8A qua cửa khẩu Cầu Treo và xây dựng cảng Vũng Áng tiếp nhận hàng hoá xuất nhập khẩu quá cảnh của bạn.

Thời kỳ hội nhập, các nước ASEAN đều mở rộng cửa chào đón đầu tư nước ngoài, Việt Nam và Lào cũng không nằm ngoài xu thế đó. Và cũng đã có không ít những doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đầu tư vào thị trường Lào cho hiệu quả kinh doanh cao. Anh Phan Danh Tý – GĐ doanh nghiệp Hưng Thịnh (Hà Tĩnh), một doanh nhân Hà Tĩnh đi cùng đoàn chỉ cho chúng tôi những hàng rào kẽm gai và bảo đó chính là sản phẩm của công ty anh. Từ năm 2001, anh Tý đã có doanh nghiệp kinh doanh thép ở Hà Tĩnh, có rất nhiều thương nhân mua lại sản phẩm của anh rồi chở qua Lào bán.

Quốc lộ 8A đoạn qua huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) - Ảnh: Internet.
Quốc lộ 8A đoạn qua huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) - Ảnh: Internet.

Một lần có dịp đi trên con đường 8A nhìn thấy những chuyến xe chở hàng như vậy, anh chợt nghĩ tại sao đã có con đường mở sẵn mà mình không tự làm lấy việc này mà lại để cho người khác mua sản phẩm của mình với giá rẻ và bán giá cao hơn ở Lào. Và thế là quyết tâm thành lập một trụ sở ở Lào đã hình thành. Năm 2003, doanh nghiệp Hưng Thịnh hoàn thành các thủ tục xây dựng cơ sở kinh doanh và sản xuất thép ở tại bản Pô Khăm – mường Xay Thani – thủ đô Viên Chăn.

Hiện nay, Hưng Thịnh là một trong những doanh nghiệp thành công nhất của Hà Tĩnh với doanh thu năm nay ước đạt khoảng 30 tỷ, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 1 triệu USD. Tháng 12/2008, Hưng Thịnh còn vinh dự nhận giải thưởng chất lượng Việt Nam do Bộ KHCN tổ chức, ngày doanh nhân 13- 10 – 2009 vừa qua được Phòng CN & Thương mại Việt Nam tặng Bằng khen.

Đi tiên phong trong việc đầu tư vào Lào là công ty Liên doanh Việt – Lào (VILACO) thuộc Tổng công ty Khoáng sản thương mại Hà Tĩnh. Năm 2002, công ty này đã đầu tư xây dựng nhà máy khai thác thạch cao ở Xebangfai (Khăm Muộn). Công ty gia công và sơ chế thạch cao rồi thông qua con đường 8A về Việt Nam bán cho các nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Tam Điệp, Sông Gianh… Thêm vào đó, tại những chỗ đã khai thác thạch cao, công ty còn đầu tư phát triển thêm trồng cây cao su, chăn nuôi tập trung, sản xuất đồ mộc…

Không riêng gì người Hà Tĩnh mà người Nghệ An cũng qua đường 8A sang Lào làm ăn. Công ty Thanh Thành Đạt của anh Tần Quang Luận ở phường Đội Cung – TP Vinh có bước khởi đầu bằng việc sang Lào tìm kiếm việc làm, dần dà công việc làm ăn gặp nhiều thuận lợi, tích cóp được vốn anh mở công ty hoạt động đa chức năng. Hiện nay, Thanh Thành Đạt đã xây dựng nhiều nhà máy ở hai nước Việt Lào. Tổng giám đốc Tần Quang Luận được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng "Doanh nhân tiêu biểu trong khối doanh nghiệp địa phương năm 2007". Kim ngạch xuất khẩu năm 2009 ước tính đạt hơn 10 tỷ đô la.

Đường 8A ngày nay được rải nhựa láng bóng, xe cộ có thể bon bon lăn bánh và nó vô hình mang vác sứ mệnh cao cả của thời kỳ hội nhập kinh tế ASEAN. Tôi tự hỏi, từ cái mốc biên giới này đã có bao nhiêu thương nhân, doanh nhân đất Việt sang Lào kinh doanh, đã có bao nhiêu hàng hóa luân chuyển lại qua. Cũng chính từ nơi con sông chia về hai ngả này có biết bao lớp người lao động của Việt Nam đã bước qua cột mốc biên giới, ra khỏi Tổ quốc sang tìm kiếm cơ hội làm việc ở Lào.

Có thể kể ra rất nhiều những doanh nghiệp làm ăn phát đạt tại Lào như công ty Hợp tác quốc tế QK IV, công ty Hoàng Anh, công ty xuất nhập khẩu Hà Tĩnh… Và những ông chủ như anh Tý, anh Luận cứ về - đi như con thoi giữa hai miền Lào – Việt. Con đường 8A trở thành “con đường doanh nhân” từ đó. Các giám đốc người Việt thông qua đó cũng hiểu rất rõ về các tập tục sinh hoạt văn hóa của nhân dân và các bộ tộc Lào, nói được ngôn ngữ Lào, yêu đất nước và con người Lào...

Cũng giống như số đông người Lào ở Việt Nam hay ở chính trên đất nước họ đều có một tình cảm rất trìu mến với người Việt, đều nói tiếng Việt rất giỏi. Đó là một thứ tình cảm vô hình mà công dân của hai dân tộc dành cho nhau.

Ở một dạng thức khác, nhỏ hơn cũng có rất nhiều các thương nhân Việt sang đây làm ăn. Quán cơm mà chúng tôi dừng ăn ở Lạc Xao là của một tiểu thương người Thanh Hóa. Cả nhà họ chuyển sang đây đã ngót chục năm, làm ăn được nên ở riết bên này luôn. Trong chợ Lạc Xao chúng tôi cũng gặp khá nhiều thương nhân Việt với những gian hàng sầm uất nhất chợ.

Quê tôi ở ngay miền biên giới, một số thanh niên trong làng đã sang Lào tìm kiếm việc làm và đa số họ đều thỏa được chí nguyện. Vợ chồng anh Cẩm (xóm Cửa Ông – Sơn Bình), sau nhiều năm cuốc đất trồng cà phê ở Tây Nguyên không thành công đã phải bán rẫy, về quê không có việc làm anh quyết định xin sang Lào làm thuê cho một ông chủ nhỏ bên đó. Hai vợ chồng làm lụng chăm chỉ cũng đã sớm có của ăn, của để, giờ đã xây được nhà cửa đàng hoàng…

Dọc con đường 8A trên địa phận Lào chúng tôi bắt gặp những chuyến xe chở hàng từ Việt Nam sang và khi qua biên giới, trên địa phận Việt Nam lại thấy những chuyến xe mang biển số Lào sang đây giao thương hàng hóa. Và trên “con đường doanh nhân” ấy, gần ngay cửa khẩu Cầu Treo cũng có nhiều công ty hoạt động tốt, khai thác tiềm năng bản địa như: Công ty nước khoáng Sơn Kim, khu du lịch nước Sốt…

Trong khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo rồi đây cũng sẽ có nhiều công ty như: Công ty CP Đầu tư thương mại VTC đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng khu thương mại tổng hợp và khu ngoại quan trên diện tích 9000 m2; Công ty cơ điện Hương Sơn đầu tư 500 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tải nhẹ tại khu công nghiệp Đại Kim…

Cùng với “con đường doanh nhân”, dòng Ngàn Phố trong xanh, thơ mộng vẫn hiền hòa nhẫn nại uốn lượn qua núi đồi đổ về xuôi trong mờ mịt mưa phùn. Và tôi cứ hình dung về những dòng chảy vô hình cũng đang âm thầm mải miết theo sông, theo núi trôi về Việt Nam, trôi về Lào mang theo nó nhiều giá trị vật chất và tinh thần, mang theo nó mối tình keo sơn, sâu nặng của hai dân tộc Việt - Lào anh em.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast