Nỗi đau người vợ trẻ có chồng thiệt mạng ở Ăngola

(Baohatinh.vn) - 6h sáng (giờ Ăngola), khoảng 13h chiều Việt Nam ngày 4/10/2015, người vợ trẻ còn vui vẻ trò chuyện với chồng. Nhưng đó cũng là lần cuối họ cười nói với nhau qua điện thoại, bởi tử thần ập đến sau những phát đạn của bọn cướp. Tròn 10 ngày sau, chị chết lặng đón anh về trong chiếc quan tài lạnh lẽo.

Mất cả người lẫn của

Ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị Hoàng Thị Loan ở thôn Linh Trung (Xuân Liên- Nghi Xuân) chìm trong tang thương. Thỉnh thoảng thột số bà con, láng giềng đến chia buồn thăm hỏi. Trên bàn thờ là di ảnh người đàn ông Lê Văn Quế với khuôn mặt thanh thoát nhẹ nhõm, hơi mỉm cười. Người vợ trẻ Hoàng Thị Loan ngồi tựa góc nhà, hai tay bó gối câm lặng với nỗi đau như hóa đá.

Năm 2012 tốt nghiệp Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội, chị Loan (SN 1988) xe duyên với anh Lê Văn Quế (1983). Đầu năm 2013, thiên thần bé nhỏ là cháu Lê Minh Đức chào đời. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ bữa no bữa đói lay lắt, chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nên đói nghèo cứ thế bủa vây.

Nỗi đau người vợ trẻ có chồng thiệt mạng ở Ăngola ảnh 1

Người thân, hàng xóm láng giềng đến thăm hỏi, động viên mẹ con chị Loan

Mang theo giấc mộng đổi đời, họ mượn sổ đỏ của chị chồng, cầm cố vay ngân hàng và nhiều người thân khác số tiền 160 triệu đồng để anh Quế xuất khẩu lao động. Nhưng kể từ khi sang Ăngola đến nay vừa tròn 18 tháng, anh Quế chỉ gửi về cho vợ khoản tiền khoảng 3.000 USD để trả nợ.

“Năm 2014, anh ấy có gửi về 300 USD rồi nói đây là tiền lương làm thợ xây của anh. Giờ em mới té ngửa ra là số tiền này anh vay của những người bạn gửi về vì không muốn để vợ con buồn. Với lại còn 9.000 USD anh vay bạn bè để mở của hàng đánh máy, photocopi…, tất cả bây giờ không biết lấy đâu ra mà trả.” – Loan nói trong nước mắt.

Chị Loan cho biết, cửa hàng của anh Quế tại Ăngola khai trương đến nay đã được 3 tháng. Khoảng 13h chiều (giờ Việt Nam) ngày 4/10, anh còn gọi điện về thăm hỏi vợ con, thế nhưng chỉ hơn 5 giờ sau, những phát đạn của bọn cướp đã làm đứt động mạch, gây mất nhiều máu khiến anh Quế tử vong.

Theo lời chị Loan, anh bị bọn cướp bắn khi vừa đi đổi tiền lẻ về đến cửa hàng. Sáng 12/10, thi thể anh Quế được Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người tại Ăngola giúp đỡ đưa về quê để an táng.

Hệ lụy từ lao động “chui”

Anh Trần Ngọc Thuận – công an viên thôn Lâm Hoa, xã Xuân Liên khẳng định: “Phong trào đi Ăngola ở Xuân Liên xuất hiện từ 10 năm nay. Trên địa bàn xã hiện có hàng trăm lượt người sang Ăngola lao động.”

Theo nhiều người dân Xuân Liên, những năm trước, Ăngola là miền đất hứa cho khát vọng đổi đời. Chi phí cho mỗi chuyến xuất ngoại tất tần tật từ 6.000 - 6.500 USD. Chỉ cần chịu đựng được bệnh sốt rét, chịu khó chí thú làm ăn, sau 3 năm là trở nên giàu có. Thông tin này cứ thế “rỉ tai” nhau và phong trào xuất ngoại không có dấu hiệu thuyên giảm, bất chấp cảnh báo về lao động “chui” ẩn chứa nhiều hiểm nguy rình rập.

Số tiền những lao động này gửi về được bao nhiêu chẳng ai biết, nhưng tên tuổi của 5 lao động những năm gần đây bỏ mạng ở xứ sở này vì sốt rét, bị đâm chém, bị bắn giết họ nhớ vanh vách.

Đặc biệt những năm gần đây, tình hình an ninh ở Ăngola đang hết sức bất ổn. Nạn cướp có vũ trang tại xứ sở châu Phi này ngày càng gia tăng, trầm trọng. Đồng tiền Ăngola mất giá so với đồng đô la Mỹ nên thu nhập giảm đi khá nhiều. Hơn nữa, số tiền gửi về từ Ăngola qua tay “cò”, “bốc hơi” hơn một nửa, nghĩa là gửi 1.000 USD về đến Việt Nam chỉ còn 400 USD.

Ông Hoàng Ngọc Thắm - Chủ tịch UBND xã Xuân Liên cho biết: “Gia đình nạn nhân Quế đặc biệt khó khăn, mẹ già yếu, bố ngồi xe lăn, con thơ dại. Mới đây Loan được tuyển dụng vào làm hợp đồng tại xã Xuân Liên. Có việc làm là mừng, nhưng thu nhập thế mẹ con sao sống nổi. Vừa qua chúng tôi có phát động anh chị em trong cơ quan giúp đỡ nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Hy vọng những tấm lòng hảo tâm từ các nhà tài trợ sẽ giúp đỡ mẹ con cô ấy vượt qua được giai đoạn khó khăn này”.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast