Xã mình

Tin thị xã chính thức lên thành phố không tác động mấy đến lớp người lớn.

xa minh

Họ không háo hức, cũng chẳng đợi chờ. Đời họ đã thấy nhiều chuyện, nên việc thị xã lên thành phố cũng giống như mấy năm trước, người ta bắt đầu lắp mấy cổng chào mang tên “ấp văn hóa” dù trong ấp ấy tối nào cũng có những kẻ say xỉn chửi bới um sùm, chồng vẫn đánh vợ như cơm bữa, có dựng thêm cái cổng cũng không khiến ấp thay đổi, giống như thị xã lên thành phố thì mọi chuyện vẫn y xì.

Chỉ có đám thanh niên là chộn rộn, chúng ghi cảm nhận lên Facebook, nhắn tin chúc mừng nhau đã là “người thành phố”, bạn bè lâu ngày gặp lại, tụ hợp ăn uống cũng vì lý do “mừng được làm người thành phố”.

Anh đang ở Sài Gòn cũng nhận được tin nhắn của bạn bè khoe “gặp gỡ đồng hương, mừng xã lên thành”, anh bảo anh bận, không đi được, xét về tuổi, anh cũng thuộc lớp thanh niên, vậy mà anh cảm thấy chả có gì vui cả.

Anh nghĩ, thị xã anh lên thành phố mới nực cười làm sao, thành phố gì mà con đường vào trung tâm có bảy ki-lô-mét vậy mà năm nào cũng sửa, năm nào cũng sụt lún; thành phố gì mà cái nhà sách đàng hoàng cũng không có, chỉ được có mỗi cái cửa hàng bán “đủ cả”, nhưng văn chương thì toàn sách dạy viết văn mẫu, còn sách khoa học nhất mà nó có thì dạy giải bài tập toán trong sách giáo khoa; thành phố gì mà đến cái rạp chiếu phim cũng không có, chỉ có mỗi cái nhà hát nhưng cũng bị đập lâu rồi, bây giờ nó biến thành sân phơi quần áo cho các bà.

Anh không hiểu vì sao xã anh lại lên thành phố, tại sao người ta lại thích “thành phố hóa” thế. Giáo dục có tốt hơn hay không? Dân thành phố bớt nghèo đi chăng? Người thành phố văn minh lịch sự hơn, hay vẫn chửi thề, đánh nhau đầy đường? Anh hỏi Duyên những câu ấy. Duyên chỉ cười, bảo anh hoài cổ. Anh trầm ngâm, có lẽ vậy.

Từ ngày xã lên thành, người ta tháo hai chữ “thị xã” gắn trước trụ sở ủy ban thay bằng hai chữ “thành phố”, có đứa bạn chụp hình, đăng lên Facebook, anh xem xong, tắt máy, bỏ đi ngủ. Mới chín giờ.

Ngày trước anh vẫn tự hào với đám bạn toàn dân thành phố rằng anh là người thị xã, anh kể những chuyện ở quê mình và kiêu hãnh nhìn cặp mắt ghen tị, pha lẫn chút hào hứng của chúng bạn khi nghe về một chốn kỳ thú xa xăm. Nhưng giờ anh cũng là người thành phố, giống bạn anh, anh chẳng còn gì đặc biệt để mà khoe, anh đâm ra lầm lũi, chả thiết trò chuyện.

Duyên nhắn tin cho anh, bảo lễ này có về không, người ta bắn pháo bông mừng thị xã lên thành phố. Anh bảo không về, thành phố nào mà chả như thành phố nào, ở đây cho đỡ tốn tiền xe.

Duyên không hiểu vì sao anh cứ vác khuôn mặt rầu rầu chỉ vì cái chuyện mà ai cũng mừng ấy, cô nghĩ anh đa đoan quá, cô nhớ lại hình ảnh chú bé hàng xóm ngồi xổm trước hiên nhà, chống cằm nhìn hết người này đến người nọ đi qua trước cửa, trong đôi mắt ánh lên chút gì đó háo hức rồi chợt vụt tắt.

Chú bé chờ người mẹ đi “bán hàng, chiều sẽ về” như ba chú vẫn nói, nhưng nhiều buổi chiều trôi đi mà mẹ chú vẫn chưa về. Duyên thấy đứa trẻ đó trong dáng hình anh đang ngồi ủ rũ trước mặt mình, mười mấy năm rồi đứa trẻ đó vẫn chờ, nó sợ thị xã lên thành phố rồi, mẹ thấy lạ, về rồi nhưng lại đi...

Duyên cũng nghĩ đến Hoài, cô gái có nước da trắng như bông bưởi, cô vẫn nhớ như in buổi trưa nắng cháy lưng, anh đạp xe chở Hoài ra bến xe. Duyên thấy Hoài ôm anh rất chặt, còn anh một tay ghì lái, tay kia nắm lấy tay Hoài, cô thấy rất rõ vì lúc đó cô đạp xe theo hai người, nhìn áo anh ướt mồ hồi, mặt rám nắng mà cứ cười miết, cô ứa nước mắt.

Họ đứng ở bến xe, nói gì đó với nhau, Duyên muốn nghe xem họ nói điều gì, nhưng chỉ dám nấp sau hàng rào. Duyên thấy Hoài sụt sùi, còn anh thì vẫn nói, mắt anh đỏ lựng, rồi anh ôm Hoài, Duyên thấy môi mình đau lắm, hóa ra cô đã cắn môi mình nãy giờ.

Hoài lên xe, vẫy tay chào anh. Anh vẫy tay, nói với theo. Xe lăn bánh, khói phả thẳng vào người anh, anh chạy xe đuổi theo sau, nhưng xe chạy nhanh quá mà anh đã thấm mệt, cuối cùng anh chỉ biết đứng nhìn chiếc xe màu xanh khuất dần.

Thị xã của hai người, Hoài và anh, không có Duyên ở đấy, cô ngậm ngùi nhận ra mình vừa bắt hụt một điều gì. Cô biết anh vẫn chờ Hoài, cô gái nghèo bỏ học năm lớp mười một để lên Sài Gòn tìm việc.

Cô gái vẫn hay dùng từ “xã mình” để nói với anh, “xã mình” cảnh đẹp nhiều hơn mấy nơi khác, con gái “xã mình” ngoan hiền hơn con gái nơi khác, “xã mình” cái gì cũng rẻ hơn nơi khác... Bây giờ lên thành phố rồi, anh không biết tìm cái “xã mình” đó ở đâu, không biết cô gái anh yêu có tìm thấy “xã mình” nữa không? Anh đã hứa với Hoài sẽ học thật giỏi, sẽ về xây dựng “xã mình” thật giàu đẹp, sẽ đón Hoài về “xã mình” lấy Hoài làm vợ, hai người sẽ sống hạnh phúc mãi bên nhau.

Nhưng Hoài không trở lại nữa. Thì ít nhất anh cũng còn “xã mình”, ít nhất vẫn còn một chốn nào đó để anh tiếp tục hi vọng. Giờ “xã mình” không còn là “xã mình” nữa, không biết anh phải chờ ở đâu đây?

Duyên nhìn anh, nói: “Dù có tên gì thì xã mình vẫn là xã mình, miễn trong tim anh còn nghĩ như vậy, tên gì cũng thế thôi, chẳng có gì thay đổi cả”. Duyên nói câu “chẳng có gì thay đổi cả” mà thấy mắt mình ươn ướt. Đúng là không có gì thay đổi cả, Duyên vẫn vậy và thị xã vẫn chỉ hai người, Hoài và anh, không có Duyên.

Nguồn: Tuổi trẻ

Truyện 1.149 chữ của HUỲNH TRỌNG KHANG

Đọc thêm

Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Giữa guồng quay của cuộc sống, có những lớp nghệ nhân ở Hà Tĩnh vẫn thầm lặng cống hiến, gìn giữ tinh hoa nghệ thuật truyền thống. Với họ, đó không chỉ là lòng nhiệt huyết, niềm đam mê mà còn là sứ mệnh giữ lửa, trao truyền các giá trị của di sản quê hương.
"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

Chùa Tịnh Lâm (phường Hà Huy Tập, tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ươm mầm dân ca ví, giặm

Ươm mầm dân ca ví, giặm

Phát huy vai trò là những hạt nhân trong bảo tồn, gìn giữ di sản, nhiều nghệ nhân trên địa bàn Hà Tĩnh đã tình nguyện tham gia, mở các lớp học miễn phí để truyền dạy dân ca cho các em học sinh.
Podcast bút ký: Làng thợ bạc Nam Trị

Podcast bút ký: Làng thợ bạc Nam Trị

Nâng chén trà miệng bít bạc của các nghệ nhân Nam Trị, tôi lâng lâng nghĩ về quá khứ, nghĩ đến tương lai của cái nghề vàng, nghề bạc. Cái nghề mà ông cha đã một thời đeo đuổi!
Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai. Bởi vậy, hãy luôn cùng nhau cố gắng trong mọi hoàn cảnh, để mỗi ngày cảm nhận cuộc sống tươi đẹp hơn.
Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Một già, một trẻ, nương tựa vào nhau mà sống. Bên nhau qua từng mùa biển động. Ngoại không còn đủ sức để vươn ra xa bờ, chỉ còn trông cậy vào chiếc thúng chòng chành...
Podcast tản văn: Rộn ràng tiếng vỗ cánh chim non

Podcast tản văn: Rộn ràng tiếng vỗ cánh chim non

Mùa hè mang theo bao điều kỳ diệu trong khu vườn nhỏ của tuổi thơ. Nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy sự biến chuyển của muôn loài, và sẽ thấy khu vườn tuổi thơ không chỉ có cây xanh và hoa trái, mà còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ đầu đời được bay xa.
Đưa dân ca ví, giặm “chạm” đến thế hệ Alpha

Đưa dân ca ví, giặm “chạm” đến thế hệ Alpha

Không còn là những lời ru xưa vang vọng trong ký ức, những lớp học dân ca của CLB Dân ca ví, giặm trẻ Hà Tĩnh đã được “làm mới” và trở thành sân chơi sáng tạo, giúp các em nhỏ thêm tự tin, gắn kết và yêu văn hóa truyền thống.
Podcast truyện ngắn: Ngày em đẹp nhất

Podcast truyện ngắn: Ngày em đẹp nhất

Từ mái ấm cô nhi viện đến lễ đường nơi Xóm Cồn, hành trình của Tuấn và Duyên là minh chứng cho một tình yêu đủ sâu để vượt qua nghịch cảnh, dù chỉ trong khoảnh khắc cuối cùng...
Podcast: Nơi neo giữ mái ấm gia đình

Podcast: Nơi neo giữ mái ấm gia đình

Mỗi người đều có một nơi để trở về, một ký ức để gìn giữ. Và, với nhiều người, đó chính là hình ảnh ngôi nhà xưa với những yêu thương đong đầy trong từng khoảnh khắc đời thường.