Xác định điểm xung yếu, bảo vệ an toàn đê điều

(Baohatinh.vn) - Dù hệ thống đê, điều trên địa bàn Hà Tĩnh được nâng cấp khá cơ bản nhưng trước diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan của thiên tai, việc xác định các điểm xung yếu và vùng trọng điểm để có phương án bảo vệ an toàn các tuyến đê đã được chú trọng triển khai trong mùa mưa bão năm nay.

Tập đoàn Xuân Thành tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án nâng cấp tuyến đê La Giang.

Toàn tỉnh có 32 tuyến đê với chiều dài 317,6 km, trong đó, đê La Giang là đê cấp II dài 19,2 km, còn lại 31 tuyến đê cấp IV, cấp V với chiều dài 298,4 km. Những năm qua, thực hiện chương trình nâng cấp hệ thống đê sông theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 9/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã có 4/5 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài 17 km ở tuyến đê Hữu Nghèn, Sông Nghèn (Can Lộc), Rú Trí (Đức Thọ), Hữu Lam (Nghi Xuân); dự án nâng cấp đê La Giang (Đức Thọ) đang được thi công.

Theo ông Bùi Lê Bắc - Chi cục trưởng Chi cục Ðê điều và Phòng chống lụt bão, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã củng cố và nâng cấp 137 km đê biển, đê cửa sông xung yếu đảm bảo tiêu chuẩn chống đỡ bão cấp 10, tần suất triều P=5%; kinh phí ước tính 1.692 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh đã chỉ đạo ngành liên quan cùng các địa phương xác định trọng điểm xung yếu và xây dựng phương án bảo vệ công trình trọng điểm trong mùa mưa lũ. Theo đó, chủ động các phương án, vật tư, phương tiện sẵn sàng hộ đê ngay khi có sự cố xảy ra.

Công trình đê La Giang là trọng điểm chống lũ số 1 của tỉnh, với nhiệm vụ bảo vệ an toàn tính mạng cho khoảng 301.653 nhân khẩu với 48.401 ha đất canh tác của các huyện Đức Thọ, Can Lộc, TX Hồng Lĩnh và một phần của huyện Thạch Hà, Lộc Hà... Trước mùa mưa bão, huyện Đức Thọ đã xác định một số trọng điểm cần tập trung, đồng thời, xây dựng kịch bản để bảo vệ bằng các phương án cụ thể.

Ông Đặng Giang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: Sau khi rà soát, kiểm tra, huyện đã xác định 5 điểm trọng điểm trên tuyến đê La Giang: hệ kè Tùng Ảnh đoạn K0+600 - K2+100; vùng sủi Đức Diên từ K12+200 - K14+00; đoạn ngã sóng từ K16+200 - K19+00; cống Đức Xá cũ tại K8+200 và cống Đức Xá mới tại K8+00. Ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng các kịch bản với những tình huống có thể xẩy ra để chủ động đối phó. Theo đó, chủ động các phương án về kỹ thuật, chỉ huy bố trí lực lượng, phương tiện và vật tư dự trữ phù hợp về các nguy cơ. Hiện, trên tuyến đê La Giang được dự trữ với số lượng hơn 9.479 m3 đá hộc, 1.015 m3 dăm sỏi, 607 m3 cát, 144.052 bao bì, 4.123 rọ thép các loại, 99.300 m2 bạt chống sóng và các loại vật tư thiết yếu khác.

Toàn tỉnh có 30 tuyến đê thì Nghi Xuân có tới 11 tuyến đê biển, đê cửa sông và đê bao, đê bối. Các tuyến đê có chiều dài 39,14 km, trong đó, 27,19 km là tuyến đê cấp IV và 11,95 km đê cấp V. Đây là hệ thống đê bảo vệ an toàn cho người và tài sản vùng sông, ven biển trong mùa mưa bão. Phó trưởng phòng NN&PTNT Nghi Xuân - Trịnh Quang Luật cho biết: Hiện, các địa phương có đê đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị tập kết nguyên vật liệu, tuần tra canh gác 24/24h trên toàn tuyến để báo cáo kịp thời, sẵn sàng đối phó khi có sự cố xẩy ra. Huyện cũng tính đến các phương án di dời dân khi bão gần có khả năng mất an toàn tùy theo mức độ bão lũ, triều cường tại các tuyến đê: Hội Thống, sông Hữu Lam, Sông Lam...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Bá Đức cho rằng: Trong công tác phòng chống lụt, bão, nếu các trọng điểm xung yếu không được xây dựng phương án xử lý thì khi có sự cố xảy ra sẽ rất lúng túng. Thời gian tới, các ban quản lý dự án xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình đê điều trong tỉnh cần tích cực đôn đốc nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ đắp đê, làm kè, xây, sửa cống... Mặt khác, giải quyết triệt để các vụ vi phạm Luật Ðê điều mới phát sinh và các vi phạm còn tồn đọng từ những năm trước...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói