Xây dựng Đảng trong Văn kiện Đại hội XII

(Baohatinh.vn) - Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, được tiến hành toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; thực hiện chỉnh đốn Đảng để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng với vai trò lãnh đạo đất nước trong tình hình mới.

Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức

Xây dựng Đảng về chính trị, trước hết là giữ vững và kiên định đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, từ đó, nâng cao năng lực cầm quyền và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Đảng phải thực sự có bản lĩnh, nhất quán trong toàn Đảng, từ tổ chức cao nhất đến mỗi chi bộ, đến từng đảng viên, nhất là trước những biến động của thời cuộc cũng như trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác trung ương và lãnh đạo tỉnh nói chuyện với bà con nhân dân ở khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà.

Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng: Đây được xem là nhiệm vụ hàng đầu tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao sức chiến đấu và giữ vững niềm tin trong xã hội. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ ở quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà ngay cả những chủ trương công việc cụ thể thật phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Thường xuyên đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn làm cơ sở và luận cứ khoa học cho đường lối và chủ trương đề ra. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, bồi dưỡng về lý luận, cập nhật các kiến thức mới để bổ sung, sáng tạo trong hoạt động.

Rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng: Đại hội XII đã đưa nội dung đạo đức gắn liền với 3 nội dung chính trị, tư tưởng, tổ chức trong công tác xây dựng Đảng là phù hợp với tình hình hiện nay, khi mà tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc dưới nhiều dạng và đang phổ biến; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi những tiêu cực về đạo đức, lối sống, suy thoái về chính trị, tư tưởng với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Công tác tổ chức cần đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; xác định rõ chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và vai trò người đứng đầu… Công tác tổ chức quan tâm đến 2 nội dung quan trọng, đó là tổ chức với cán bộ và tổ chức cơ sở đảng với đảng viên.

Cán bộ là vấn đề then chốt của then chốt trong xây dựng Đảng, bởi có cán bộ giỏi thì mới có tổ chức mạnh. Cán bộ là người đề ra đường lối, chủ trương và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương đó. Bởi vậy, cán bộ phải vững vàng và có bản lĩnh chính trị, phải gương mẫu về phẩm chất đạo đức, biết lắng nghe ý kiến nhân dân và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, cán bộ phải nói đi đôi với làm, phải sâu sát, phải trung thực… Cán bộ chỉ được trưởng thành trong một tổ chức mạnh, một tổ chức vừa có sức chiến đấu cao và nắm vững nguyên tắc dân chủ tập trung. Tổ chức luôn biết lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm mục tiêu phấn đấu, coi việc giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng.

Mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều được triển khai và thực hiện ở cơ sở. Tổ chức đảng ở cơ sở là nền tảng của Đảng, gắn bó với nhân dân, với phong trào. Tổ chức cơ sở đảng chỉ mạnh khi tập thể đảng viên hết lòng vì dân, vì Đảng, hoạt động không mệt mỏi và say mê với công việc. Đảng viên luôn đi đầu, gương mẫu trong công tác, trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, là tấm gương trực tiếp để quần chúng noi theo và thu hút quần chúng. Vì vậy, trong công tác xây dựng Đảng phải quan tâm xây dựng cơ sở và nâng cao chất lượng đảng viên. Mỗi đảng viên dù ở cương vị nào cũng đều sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở đảng. Tổ chức cơ sở đảng là nơi quản lý, bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên, là nơi để đảng viên thường xuyên tự phê bình và phê bình, là nơi kiểm tra, giám sát đảng viên dù đảng viên đó ở cương vị nào.

TP Hà Tĩnh không ngừng đổi mới và phát triển

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải từ sự đổi mới của bản thân Đảng

Xác định rõ vai trò lãnh đạo, vị trí Đảng cầm quyền để đổi mới về tư duy, về phong cách lãnh đạo sao cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Cần tránh phô trương, hình thức cũng như rập khuôn, máy móc, chủ quan, duy ý chí. Đại hội XII của Đảng đã đề ra một số giải pháp cụ thể.

Một là, thường xuyên tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về Đảng cầm quyền; xác định rõ mục đích, phương châm, nội dung và điều kiện một Đảng cầm quyền nhằm đề phòng nguy cơ quan liêu, vô cảm, xa rời dân, chủ quan, bao biện, lộng quyền…

Hai là, các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, coi trọng quyền làm chủ của dân, thực sự gắn bó với dân, nghe dân, hiểu dân, vì dân.

Ba là, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, có cơ chế để cho chính quyền phát huy quyền chủ động, sáng tạo, không bao biện làm thay nhưng cũng không buông lỏng quyền lãnh đạo.

Bốn là, đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của Đảng từ trung ương đến cơ sở, có cơ chế để địa phương phát huy được quyền chủ động, sáng tạo. Xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, nói đi đôi với làm…

Năm là, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống.

Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo nhân dân đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, tuy bước đầu đã có sự đột phá trên một số lĩnh vực và mang đến kết quả rõ nét, nhưng kinh nghiệm và thực tiễn cho thấy, muốn đạt được kết quả vững chắc và thiết thực, cần có bước đi thích hợp và phải cân nhắc, tính toán chu đáo. Cần liêm chính, vô tư, minh bạch từ trên xuống dưới. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu về mọi mặt. Có được điều đó, nhất định dân tin và sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, đưa tỉnh nhà tiếp tục có bước phát triển mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói