“Đứng núi này trông núi nọ”!

(Baohatinh.vn) - Về công tác ở cơ sở, tôi nghe nhiều người phản ánh: hiện nay, có một bộ phận đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất hiện tư tưởng so bì, “đứng núi này trông núi nọ”, “chân trong, chân ngoài”, dao động về nhiệm vụ được phân công. Thực tế đã có không ít cán bộ chỉ muốn làm việc bên khối chính quyền, hoặc ở những nơi có thể sinh “bổng lộc”, còn khi được giao nhiệm vụ ở khối Đảng, đoàn thể thì từ chối hoặc làm việc một cách miễn cưỡng (!?)

Tôi đưa vấn đề này trao đổi với đồng chí B., đảng viên lão thành, đồng chí thẳng thắn cho biết: những người có tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ” là chưa phát huy được tính tiên phong của đảng viên. Tính tiên phong của người đảng viên là nhận thức, thái độ, hành vi đi đầu, mở đường, mang tính chất ổn định của mỗi người. Đối với Đảng ta, tính tiên phong của đảng viên luôn được đặt ra thành một yêu cầu bức thiết.

Có một bộ phận đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất hiện tư tưởng so bì, “đứng núi này trông núi nọ”, “chân trong, chân ngoài”, dao động về nhiệm vụ được phân công...
Có một bộ phận đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất hiện tư tưởng so bì, “đứng núi này trông núi nọ”, “chân trong, chân ngoài”, dao động về nhiệm vụ được phân công...

Nói đến đảng viên là nói đến vai trò tiền phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Để nâng cao tính tiên phong, người đảng viên phải có đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh. Đây là yếu tố quy định, thúc đẩy và thẩm định động cơ tiên phong của đảng viên, nó đòi hỏi đảng viên phải thường xuyên, kiên trì rèn luyện. Nếu không, đảng viên sẽ sợ khó, sợ khổ; tính tự do, cá nhân chủ nghĩa sẽ phát triển, có lợi cho riêng mình thì phấn đấu, nếu không có lợi cho mình thì hoạt động cầm chừng.

Cũng theo đồng chí B., Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, trực tiếp chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ cho cả hệ thống chính trị. Vì vậy, để tránh tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý “đứng núi này trông núi nọ”, cần làm tốt công tác giáo dục, xây dựng niềm tin, trách nhiệm, xây dựng tình yêu đối với địa phương, đơn vị; đồng thời, việc đánh giá cán bộ phải toàn diện, chính xác qua nhiều nguồn thông tin: thông qua kết quả tự phê bình và phê bình; kết quả giới thiệu bằng phiếu của hội nghị cán bộ chủ chốt; ý kiến cơ sở - nơi cán bộ làm việc - cư trú; kết quả tập hợp và phân tích dư luận, trong đó cần đặc biệt lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Thực hiện được như thế, sẽ lựa chọn được những cán bộ có đủ đức - tài, luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ được giao.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast