Vla-đi-mia I-lích Lê-nin (V.I. Lê-nin) là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Các Mác và Phriđơrich Ăng-ghen. Ông là người sáng lập Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo (7/11/1917).
V.I. Lê-nin sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), trong một gia đình trí thức tiến bộ. Từ nhỏ, V.I. Lê-nin đã bộc lộ là người có trí tuệ uyên bác, có nghị lực tự học rất cao và là người sớm đón nhận học thuyết CNXH, sớm tiếp cận chủ nghĩa Mác và phương pháp cách mạng nhân dân.
Mùa thu 1895, V.I. Lê-nin thành lập Hội Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, tập hợp các nhóm cách mạng ở Saint Petersburg. Năm 1900, Lê-nin lại tập hợp những người Mác-xít cách mạng để thành lập Đảng. Cũng trong năm này, Lê-nin ra nước ngoài cùng với Plekhanov và lập ra tờ báo “Tia lửa”.
Tháng 4/1905, tại Luân Đôn tiến hành Đại hội lần thứ III Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga, Lê-nin được bầu là Chủ tịch đại hội. Tại đại hội này, Ủy ban Trung ương đã được bầu do Lê-nin đứng đầu. Tháng 11/1905, Lê-nin bí mật trở về Saint Petersburg để lãnh đạo cách mạng Nga. Tháng 12/1907, Lê-nin sống ở nước ngoài tiếp tục đấu tranh bảo vệ và củng cố cách mạng trong thời kỳ bí mật. Tháng 1/1912, Lê-nin lãnh đạo Hội nghị lần thứ VI (Praha) toàn Nga Đảng Công nhân xã hội dân chủ. Tháng 6/1912, Lê-nin từ Paris chuyển về Krakov lãnh đạo tờ Pravda (Sự thật). Thời kỳ này, Lê-nin soạn thảo xong Đề cương Mác-xít về vấn đề dân tộc. Cuối tháng 7/1914, Lê-nin bị cảnh sát Áo bắt nhưng sau đó ít lâu được trả tự do và đi Thụy Sĩ. Trong thời gian Đại chiến thế giới lần thứ I, Lê-nin đưa ra khẩu hiệu biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng.
Ngày 16/4/1917, Lê-nin đến Petrograd để trình bày Luận cương Tháng Tư - thực chất là một văn kiện mang tính cương lĩnh đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng XHCN với khẩu hiệu: “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô viết!”. Hội nghị lần thứ VII toàn Nga (tháng 4/1917) của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga đã nhất trí thông qua đường lối do Lê-nin đề ra.
Đầu tháng 8/1917, Đại hội lần thứ VI Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga họp bán công khai ở Petrograd, Lê-nin tuy không tham dự nhưng vẫn lãnh đạo đại hội tiến hành và thông qua đường lối phải khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Đầu tháng 10/1917, Lê-nin từ Phần Lan bí mật trở về Petrograd. Ngày 23/10/1917, kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của Lê-nin đề ra được Hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga thông qua.
Tối 6/11/1917, Lê-nin đến Cung điện Smolnưi trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đến rạng sáng 7/11/1917, toàn thành phố Saint Petersburg nằm trong tay những người khởi nghĩa, và đến đêm 7/11/1917, Cách mạng tháng Mười Nga đã toàn thắng. Chính quyền đã về tay nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời. Tại Đại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ II, Lê-nin được bầu là Chủ tịch Hội đồng các ủy viên nhân dân (Hội đồng Dân ủy).
Ngày 11/3/1918, Lê-nin cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ Xô viết trở về Moskva lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân lao động nước Nga Xô viết chống sự can thiệp quân sự của nước ngoài và lực lượng phản cách mạng trong nước. Ngày 30/8/1918, Lê-nin bị ám sát và bị thương nặng, nhưng sau đó ít lâu sức khỏe hồi phục.
Tháng 3/1919, Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Nga đã thông qua Cương lĩnh mới của Đảng, Lê-nin được bầu là Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Cương lĩnh mùa xuân năm 1920. Thời gian này, Lê-nin soạn thảo xong kế hoạch xây dựng CNXH (công nghiệp hóa đất nước, hợp tác hóa giai cấp nông dân, cách mạng văn hóa) là người sáng lập ra Kế hoạch điện khí hóa toàn Nga (GOELRO), người đề ra chính sách kinh tế mới (NEP). Năm 1921, chính sách NEP của Lê-nin được thông qua tại Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Nga.
Ngày 21/1/1924, Lê-nin qua đời ở làng Gorki, gần Thủ đô Moskva. Thi hài ông được lưu giữ trong lăng trên Quảng trường Đỏ, Moskva. Sự ra đi của V.I. Lê-nin để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với nhân dân Xô viết và giai cấp vô sản trên thế giới. 54 tuổi đời, gần 30 năm hoạt động vì sự nghiệp cao cả, Lê-nin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người. Với những di sản tư tưởng, lý luận để lại cho nhân loại tiến bộ, V.I. Lê-nin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lê-nin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sỹ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận khoa học cách mạng nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.
Dù thời gian đã lùi xa và bối cảnh thế giới nhiều thay đổi, song tư tưởng của V.I. Lê-nin vẫn là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội trên toàn thế giới. Những tư tưởng, lý luận quý báu của Lê-nin đã, đang được Đảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.