Hà Tĩnh làm thế nào để “gỡ khó” cho công tác cán bộ nữ?

(Baohatinh.vn) - Để đạt mục tiêu chương trình bình đẳng giới về chính trị, trong đó có nội dung tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, đòi hỏi cả quá trình. Quá trình này yêu cầu sự quyết liệt, nỗ lực từ cả phía khách quan và chủ quan.

Quy hoạch cán bộ, “mở” hướng phấn đấu

Là một trong những đơn vị có tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt cao, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh hiện có 2/4 nữ lãnh đạo chủ chốt (chiếm 50%). Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Anh cho biết: “Thời gian qua, sở luôn quan tâm công tác quy hoạch cán bộ nữ, tập trung phát hiện nhân tố từ các cơ sở giáo dục, đơn vị trực thuộc sở và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn từ chính các giáo viên. Đồng thời, sở thường xuyên nhắc nhở hiệu trưởng các trường động viên, quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên nữ có cơ hội thể hiện năng lực, tham gia các kỳ thi tuyển cán bộ quản lý.

Ngay tại cơ quan sở, các nữ chuyên viên, cán bộ có năng lực luôn được lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm từng bước chuẩn hóa các tiêu chí. Trong quy hoạch cán bộ giai đoạn 2015 - 2020 và 2020 - 2025, sở đã bố trí 1/4 đồng chí nữ ở vị trí giám đốc, 2/12 đồng chí nữ ở vị trí phó giám đốc”.

Hà Tĩnh làm thế nào để “gỡ khó” cho công tác cán bộ nữ?

Tại hội nghị tập huấn “Thực hiện lồng ghép giới vào chương trình phát triển KT-XH của địa phương” do UBND tỉnh tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh nhiều nội dung liên quan đến công tác cán bộ nữ. Ảnh: Giang Nam

Tại Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, sau gần 4 năm khuyết thiếu cán bộ nữ ở chức danh chủ chốt, thì mới đây, trong rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2017 - 2022, đơn vị cũng đã thực hiện quy hoạch ở chức danh bí thư có 1/4 cán bộ là nữ và chức danh phó bí thư Tỉnh đoàn là 3/12 cán bộ là nữ.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Kỳ Anh Nguyễn Anh Ngọc: “Việc đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là một quá trình lâu dài, cần có chiến lược. Công tác cán bộ nữ cũng không ngoài quy luật đó. Đầu tiên, cần quan tâm ngay từ khâu tuyển dụng, trong quá trình công tác cần quan tâm bổ nhiệm các vị trí trưởng, phó cấp phòng, ban. Tại Thị ủy Kỳ Anh, năm 2017, Thị ủy thực hiện tuyển dụng 7/10 công chức nữ; đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã thực hiện bổ nhiệm 16 nữ trưởng, phó cấp phòng, ban thị xã”.

Đối với cấp xã, “cần chú trọng phát hiện những cán bộ, công chức nữ có năng lực, tâm huyết để đào tạo, qua thực tiễn công tác để phân công các nhiệm vụ với chức danh cao dần lên” - Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Nguyễn Anh Ngọc chia sẻ thêm.

Hà Tĩnh làm thế nào để “gỡ khó” cho công tác cán bộ nữ?

Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh được bầu bổ sung giữ chức Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khóa XVII. Ảnh: Phúc Quang

Những dẫn dụ trên cho thấy, quy hoạch là khâu vô cùng quan trọng, từ đó mở ra hướng phấn đấu, tiến tới bổ nhiệm nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp, ngành. Nếu như, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cùng chú trọng như các đơn vị nói trên thì mục tiêu bình đẳng giới ở lĩnh vực chính trị sẽ đạt được trong tương lai không xa.

Mới đây (tháng 7/2019), tại hội nghị tập huấn “Thực hiện lồng ghép giới vào chương trình phát triển KT-XH của địa phương” do UBND tỉnh tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh: “Để góp phần nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trên các lĩnh vực, tăng tỷ lệ tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cần định hướng rõ ràng về chủ trương bình đẳng giới trong chuẩn bị nhân sự tham gia cấp ủy Đảng, đại biểu HĐND các cấp”.

Phụ nữ phải tự khẳng định

Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) Chu Thị Thanh Thủy (SN 1973) là nữ cán bộ duy nhất ở Hà Tĩnh vừa giữ vai trò đứng đầu khối Đảng và Quản lý nhà nước. Để “đứng vững” được vị trí như hiện tại, bà Thủy đã trải qua hơn 15 năm miệt mài phấn đấu, nỗ lực hoàn thiện bản thân, thậm chí là hy sinh cho các công việc “vác tù và hàng tổng”.

Hà Tĩnh làm thế nào để “gỡ khó” cho công tác cán bộ nữ?

Nữ Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương Chu Thị Thanh Thủy (người đứng giữa) luôn sâu sát trong từng bước phát triển của mỗi hộ dân trên địa bàn.

Bà Thủy bộc bạch: “Phụ nữ làm chính trị thực sự gặp nhiều khó khăn hơn nam giới. Trong mọi công việc, nếu không bản lĩnh, tự tin thì phụ nữ sẽ không thể thành công. Một lúc “gánh 2 vai”, tôi đã đặt mình ở vai trò lãnh đạo, có giải pháp hiệu quả tập hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quyền lực nhà nước để làm điểm tựa cho mình. Yếu tố quan trọng không kém đó là sự sẻ chia, ủng hộ từ gia đình. Và, không ai ngoài chính bản thân mình phải biết tranh thủ sự ủng hộ, sẻ chia đó”.

Hà Tĩnh làm thế nào để “gỡ khó” cho công tác cán bộ nữ?

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy - Chủ tịch UBMTTQ huyện Can Lộc Bùi Thị Kiều Nhi (thứ 2 phải sang) trao đổi công việc với các cán bộ, chuyên viên Ủy ban MTTQ huyện.

Cũng từ những nỗ lực để khẳng định mình, cuối tháng 5/2019, bà Bùi Thị Kiều Nhi - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Can Lộc đã được hiệp thương bầu đồng thời giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện. Bà Nhi còn tham gia với nhiều vai khác như đại biểu HĐND huyện, đại diện BTV Huyện ủy chỉ đạo 6 xã cụm trung tâm...

Theo bà Nhi, trước khi muốn tổ chức quan tâm, tạo điều kiện cho mình phát triển thì bản thân mỗi người phụ nữ phải thể hiện được năng lực, trình độ, phẩm chất của mình, phải thể hiện mình xứng đáng là người mà tổ chức chọn để dẫn dắt phong trào, đưa hoạt động của cơ quan đi lên. Bà cũng cho rằng, phụ nữ cần sắp xếp thời gian, công việc khoa học để hài hòa các mối quan hệ giữa việc cơ quan, việc gia đình...

Ngoài các lý do trên, cũng theo bà Bùi Thị Kiều Nhi: “Để đảm bảo tỷ lệ nữ về lâu dài trong bình đẳng giới, đơn vị tuyển dụng cần xóa bỏ ngần ngại trong việc tuyển dụng lao động nữ với suy nghĩ lao động nữ sẽ mất một khoảng thời gian gián đoạn cho nghỉ thai sản, chăm sóc con ốm... Đó cũng là yếu tố đảm bảo quyền lợi, cơ hội cống hiến, thăng tiến cho giới nữ”.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast