Người dân xã Hương Quang (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang phát dọn cây leo, bụi rậm rồi phơi khô, chở thời tiết nắng nóng đốt để trồng kheo tràm...
Dọc đường chính vào xã Hương Quang (Vũ Quang), chúng tôi bắt gặp cảnh người dân phát dọn thực bì trên diện rộng để chuẩn bị trồng rừng nguyên liệu. Trên đồi cao, nhiều hec-ta dây leo, bụi rậm, tre nứa được chặt phơi khô chờ đốt. Trong số này có một số lượng lớn nằm ngay dưới đường dây điện 110KV và liền kề với các khoảnh rừng trồng khác. Nếu lửa cháy lớn, không được kiểm soát tốt thì có nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện, cháy rừng và các sự cố đáng đáng tiếc...
Đường dây điện có vỏ bọc của Hương Điền (Vũ Quang) bị gãy cọc, sà xuống ngang mặt đất, nằm xen lẫn trong đám thực bì khô.
Cách đó chừng vài chục mét, ngay bên vệ đường, nhiều người dân chặt bỏ thực bì và cành lá cây keo phơi lâu ngày, đã khô giòn, đang chờ đốt. Quan sát kỹ thì thấy, nằm lẫn trong các đống thực bì này là đường dây điện có vỏ bọc cung cấp điện cho các hộ sinh sống ven đường. Nếu vô tình những đống thực bì này phát lửa hoặc khi người dân đốt mà không quan sát kỹ thì rất nguy hiểm.
Người dân Hương Thọ (Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát dọn thực bì chuẩn bị đốt dưới đường điện 110 KV
Đó chỉ là hai trong số muôn vàn trường hợp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu xử lý thực bì bằng lửa không đảm bảo quy trình. Thực tế đã chứng minh, có nhiều trường hợp cháy rừng, thiệt hại tài sản, thậm chí chết người do đốt thực bì trong thời tiết nắng nóng, gió to, không kiểm soát được mức độ an toàn, không báo cho kiểm lâm và chính quyền địa phương để có phương án ứng phó. Trong nhiều vụ việc đáng tiếc xẩy ra có vụ làm chết 2 người do xử lý thực bì bất cẩn gây cháy lớn cách đây khoảng 3 năm tại khu vực rừng Vạn Cơm, xã Bắc Sơn (Thạch Hà)...
Người dân Sơn Trường (Hương Sơn, Hà Tĩnh) xử lý thực bì bằng lửa trong điều kiện thời tiết đầu nắng nóng, khá gần với khu dân cư và rừng sản xuất khác nhưng không có người canh gác, túc trực...
Rừng trồng ở xa, đi lại khó khăn nên sau khi thu hoạch keo, người dân Lộc Yên (Hương Khê) phơi thực bì cả tháng trời rồi mới vào đốt để trồng lứa mới. Nếu vô tình có nguồn lửa thì cháy rừng là khó tránh khỏi vì không có ai canh gác, kiểm soát, ứng phó với các tình huống xấu...
Theo ước tính, Hà Tĩnh đang có khoảng 100 ngàn héc-ta được quy hoạch rừng sản xuất nhưng hiện chưa được trồng và hàng năm, các chủ rừng từng bước cải tạo, phát dọn thực bì để mở rộng diện tích rừng trồng nguyên liệu. Bên cạnh đó, còn có khoảng trên 80 ngàn héc-ta rừng trồng keo tràm, trong đó có khoảng 1.000 ha có cây ở độ tuổi từ 4-6 năm được khai thác để bán nguyên liệu, chủ yếu là ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và một số vùng đồi núi ở các địa phương khác. |