Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND phường Trần Phú - Hồ Quốc Tuấn cho biết: Do hệ quả công tác quản lý quy hoạch của địa phương có phần lỏng lẻo nên nhiều năm trước đây, người dân trên địa bàn “vô tư” lấn chiếm đất công. Một số tuyến nội phường bị lấn chiếm nhiều như: Đường Trịnh Khắc Lập (có 400 hộ), Nguyễn Xuân Linh (có 250 hộ), ngõ 2 - đường Nguyễn Du (53 hộ)… Cá biệt, nhiều gia đình có công trình xây dựng kiên cố vi phạm trên 30 năm…
Vỉa hè các tuyến đường nói trên gần như bị chiếm dụng hoàn toàn. Có chỗ lấn 2-2,5m, thậm chí 4m để xây dựng mái tôn, nhà để xe... Do mạnh ai nấy làm nên phần mặt tiền trông khá nhếch nhác, chật chội và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Các hộ dân đồng thuận tự tháo dỡ phần công trình lấn chiếm đất công trên địa bàn phường Trần Phú
Vi phạm tràn lan, lâu dài, giá trị phá dỡ công trình ước tính từ 15 - 250 triệu đồng/hộ nên khi bắt đầu triển khai xử lý lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, phường Trần Phú đã có cách làm hiệu quả, chú trọng đến công tác tuyên truyền, làm điểm để phát huy tinh thần “tự họp, tự bàn, tự làm, tự giải phóng” của các hộ dân.
Ngay từ khi có chủ trương xử lý, TP Hà Tĩnh đã ban hành hệ thống văn bản vừa đồng bộ, vừa cụ thể để địa phương lấy đó làm “kim chỉ nam” thực hiện. Đặc biệt, tinh thần làm quyết liệt, mạnh tay, đúng chế tài theo quy định được áp dụng khi phường Trần Phú chọn một trường hợp vi phạm điển hình để làm điểm, “nêu gương”.
Sau khi xử lý đã trả lại vỉa hè sạch đẹp, rộng rãi cho chính nhân dân thụ hưởng
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được triển khai bài bản, lớp lang, đúng trọng tâm nhằm tạo sự đồng thuận từ nhân dân được xem là “chìa khóa thành công” khi phường Trần Phú ra quân xử lý vi phạm. Các hộ vi phạm được cung cấp đầy đủ thông tin về công tác quy hoạch, chủ trương, biện pháp giải quyết và các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đất công.
Những phương án cứng rắn để tổ chức cưỡng chế cũng đã được chính quyền địa phương xây dựng kịch bản. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa phải sử dụng vì người dân đã đồng tình, hưởng ứng gần như 100%.
Chị Minh Lài (đường Trịnh Khắc Lập, phường Trần Phú) cho biết: “Trước đây, dọc tuyến đường này nhà nào cũng vươn mái che ra hết vỉa hè để sử dụng. Ban đầu, đa số hộ dân không chấp hành việc tháo dỡ vì ảnh hưởng đến kinh tế, nhà ít thì 10 - 20 triệu nhưng cũng có nhà lên đến cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, chúng tôi đã đồng tình hưởng ứng. Đường sá rộng rãi, khang trang cho thấy, chủ trương giải tỏa, xử lý lấn chiếm đất công của thành phố, của phường là hoàn toàn đúng đắn”.
Các hộ dân ngõ 2 - đường Nguyễn Du đang thay bó vỉa, lát lại vỉa hè
Sau khi đồng ý tự tháo dỡ, trao trả lại mặt bằng sạch cho Nhà nước, các hộ dân tiếp tục đóng góp cùng cơ chế hỗ trợ của TP Hà Tĩnh để xây mới lại vỉa hè, thay toàn bộ bó vỉa, trải thảm nhựa nóng, dăng đèn nháy về đêm... Đến nay, trên địa bàn phường Trần Phú cơ bản không còn tình trạng lấn chiếm đất công, đường sá khang trang, sạch đẹp đúng chuẩn phường văn minh đô thị.
“Bước đầu, quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn vì những vi phạm này "cố hữu", mang tính lịch sử, đại trà. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, giải pháp trúng và đúng nên đến nay ý thức 100% hộ dân đã “đảo chiều”: Từ không tự giác chấp hành sang đồng tình hưởng ứng. Điều đáng nói ở đây, khi lòng dân đồng thuận, phát huy được sức mạnh từ nhân dân, mọi điều dù khó khăn đến bao nhiêu cũng đều được hóa giải…”, Chủ tịch UBND phường Trần Phú Hồ Quốc Tuấn chia sẻ.