Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cùng chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2018, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã cơ bản thực hiện tốt Luật An toàn lao động và các quy định pháp luật về an toàn lao động.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Xuân Thông báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2018 trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến 2018 trên địa bàn toàn tỉnh vẫn xảy ra 53 vụ tai nạn lao động, làm chết 20 người, bị thương 37 người. Nhìn chung, các đơn vị chưa quan tâm khám sức khỏe cho người lao động; đa số các doanh nghiệp chưa phân loại lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại…
ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ: Công tác bình đẳng giới cần được quan tâm nhiều hơn, cần mạnh dạn hơn trong việc đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, giao nhiệm vụ cho cán bộ nữ
Đối với việc thực hiện các chính sách pháp luật về bình đẳng giới, vai trò, vị thế của người phụ nữ Hà Tĩnh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội ngày càng được khẳng định; quyền bình đẳng trong việc làm, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe được đảm bảo.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh Ngô Đình Vân: Công tác tuyên truyền đối với lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động trong thời gian qua vẫn chưa có tác động mạnh tới người sử dụng lao động và người lao động. Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra và xử lý những vi phạm đối với lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động chưa nghiêm.
Cùng đó, việc lồng ghép các mục tiêu bình đẳng giới với nhiệm vụ phát triển KT-XH của các ngành, địa phương đã được quan tâm, khoảng cách về bất bình đẳng giới dần được thu hẹp.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc: Đề nghị Đoàn ĐBQH tiếp thu những kiến nghị của các sở, ngành để đề xuất Quốc hội điều chỉnh, hoàn thiện những chính sách, pháp luật đối với lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động và về bình đẳng giới phù hợp với thực tiễn.
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho rằng, qua khảo sát thực tế tại các địa phương, doanh nghiệp việc đảm bảo an toàn lao động còn nhiều hạn chế như: công tác tuyên truyền, chủ sử dụng lao động hầu như mới quan tâm đến lợi nhuận mà chưa quan tâm đến an toàn lao động, việc kiểm tra giám sát chuyên ngành về lao động tại các doanh nghiệp còn rất khó khăn, chưa nhận được sự phối hợp từ phía doanh nghiệp; ý thức người lao động trong việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn lao động chưa cao…
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh khẳng định: Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2018 trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét.
Tuy nhiên, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền việc thực hiện các chính sách, đồng thời tổ chức thanh, kiểm tra và xử phạt thật nghiêm đối với doanh nghiệp, đơn vị vi phạm an toàn vệ sinh lao động. Các sở, ban, ngành phải phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, bình đẳng giới.
“UBND tỉnh tiếp thu và sẽ xem xét những kiến nghị, đề xuất của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh để có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn địa phương, khắc phục những hạn chế, tồn tại đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bình đẳng giới” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định.
Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đi khảo sát về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và chính sách, pháp luật về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2018 tại các doanh nghiệp, địa phương ở các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh. |