Bác sỹ về xã - Những khó khăn, bất cập

(Baohatinh.vn) - Bác sỹ về xã công tác là câu chuyện được bàn nhiều và liên tục từ rất nhiều năm nay. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sỹ về xã tăng rồi lại giảm, giảm rồi lại tăng... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và hệ quả là công tác khám chữa bệnh (KCB) tại tuyến ban đầu cho nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu.

Trạm không bác sỹ

Đến bất cứ xã vùng sâu, vùng xa nào, khi đề cập về vấn đề KCB tại trạm y tế, hầu hết người dân đều chưa hài lòng, thậm chí, nhiều người rất bức xúc. Bà N.T.T. (Hương Liên, Hương Khê) hơn 70 tuổi, cho hay: “O cứ làm một người dân bình thường vào trạm KCB là biết. Trạm không có bác sỹ, nhân viên ở đây thiếu tận tình; thuốc bán đắt… Bởi vậy, không mấy ai đến trạm, kể cả người đăng ký BHYT, họ chỉ đến để xin chuyển tuyến nếu cần, còn lại tìm đến bác sỹ của Trạm Y tế Bộ đội biên phòng (BĐBP) tại bản Giàng II”.

Bác sỹ về xã - Những khó khăn, bất cập ảnh 1

Được địa phương đầu tư các trang thiết bị cần thiết nên bác sỹ Trạm Y tế xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên) phát huy được năng lực chuyên môn trong CSSK người dân

Không chỉ bà T. mà hầu hết người dân trong xã đều phàn nàn. Chúng tôi đã chứng kiến một người dân ở xã Hương Liên chở mẹ già đau yếu chạy đi, chạy lại chỉ mong được gặp bác sỹ của BĐBP. Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của BĐBP Bản Giàng thông báo bác sỹ đi vắng nhưng 2 mẹ con ông vẫn kiên nhẫn chờ. Khi chúng tôi hỏi chuyện, ông chia sẻ: “Ở đây mà đau ốm thì khổ lắm. May có bác sỹ của bộ đội. Bà nhà tui ốm dài ngày nên không thể ra viện ở mãi được. Mỗi lần đau quá, tôi lại phải chở bà đi tìm bác sỹ. Lẽ ra phải đến trạm y tế xã vì chăm sóc sức khỏe cho người dân không phải là nhiệm vụ chính của BĐBP, nhưng chúng tôi không yên tâm khi đến đấy điều trị. Chúng tôi rất mong được cấp trên quan tâm, chỉnh đốn lại hoạt động của trạm và điều chuyển cho xã 1 bác sỹ. Hầu hết người dân ở đây chỉ khi nào phải cấp cứu mới lên tuyến huyện, do vậy, rất cần có bác sỹ ở gần dân…”.

Mặc dù không cách trở như Hương Liên nhưng người dân xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên) cũng mong muốn có bác sỹ về công tác tại Trạm Y tế xã. Bà Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: “Đã từ lâu trạm y tế xã vẫn không có bác sỹ; cơ sở vật chất xuống cấp; thiếu thuốc, trang thiết bị. Mỗi lần đau ốm lại muốn chuyển tuyến, tuy nhiên, những bệnh trạm có thể chữa trị thì chúng tôi ở lại để đỡ tốn kém. Nếu Trạm Y tế xã được đầu tư nâng cấp, có thêm bác sỹ thì người dân sẽ đỡ vất vả và tiết kiệm được rất nhiều chi phí”.

Khó trong thực hiện mục tiêu bác sỹ về xã

Thời gian qua, ngành Y tế và các địa phương rất quan tâm đến việc “trang bị” bác sỹ cho trạm y tế xã. Tuy nhiên, kết quả thực hiện mục tiêu này vẫn luôn biến động.

Phó Bí thư Huyện ủy Lộc Hà - Trần Xuân Lương cho biết: Năm 2009, huyện có 50% trạm y tế có bác sỹ. Thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ bác sỹ công tác tại trạm, huyện đã khảo sát thực trạng, nắm tình hình cụ thể; đồng thời, giao các xã động viên, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí và thời gian cho đội ngũ y sỹ có năng lực tiếp tục học tập nâng cao trình độ; sau khi học xong, xem xét và bổ nhiệm chức vụ trạm trưởng. Nhờ vậy, năm 2013, 100% trạm y tế xã tại Lộc Hà có bác sỹ. Tuy nhiên, năm 2014, do người về hưu, người điều chuyển và 1 bác sỹ bỏ việc nên toàn huyện còn 10/13 trạm y tế có bác sỹ.

Bác sỹ về xã - Những khó khăn, bất cập ảnh 2

Mặc dù có trạm y tế xã nhưng hầu hết người dân xã Hương Liên (Hương Khê) vẫn tìm đến Trạm Y tế Bản Giàng II.

Hương Khê là một trong những địa phương có tỷ lệ bác sỹ xã thấp nhất. Lý giải về thực trạng này, ông Phan Văn Thuận – Trưởng phòng Y tế huyện cho biết: Năm 2014, Hương Khê không có thêm bác sỹ xã. Nguyên nhân là nguồn bác sỹ về công tác tại xã không thu hút được bên ngoài mà chỉ đào tạo tại chỗ. Nguồn này đòi hỏi phải có thời gian, trong khi trước đây, Hương Khê chưa có chiến lược cho mục tiêu này. Đến nay, toàn huyện mới chỉ 14/22 trạm y tế có bác sỹ. Năm 2015, huyện khó đạt mục tiêu ngành đề ra vì theo nguồn tại chỗ thì chỉ có thêm 3 bác sỹ.

Bác sỹ không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong thực hiện tiêu chí về xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia giai đoạn II, thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng KCB cho người dân tại tuyến ban đầu; góp phần giảm chi phí điều trị. Đặc biệt, thực hiện tốt mục tiêu này sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa đạt được mục tiêu của tỉnh đề ra. Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Xuân Dâng cho biết: Đưa bác sỹ về xã là một vấn đề khó. Nguyên nhân là do thiếu nguồn bác sỹ. Đối với bác sỹ chính quy, bệnh viện tuyến huyện cũng khó thu hút. Riêng 50 bác sỹ về công tác theo chính sách thu hút năm 2014 cũng chưa đủ cung ứng cho tuyến huyện, do đó, cần đào tạo tại chỗ. Điều này đòi hỏi nhiều thời gian. Một khó khăn lớn nữa là mô hình y tế cơ sở thời gian qua không ổn định, nên rất khó khăn trong việc quy hoạch đào tạo cũng như bố trí, luân chuyển cán bộ.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast