Các ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh tay chân miệng

Thực hiện Công điện số 1439/CĐ-TTg ngày 18-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 18-8-2011 của Bộ Y tế, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng nhằm hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong, không để dịch bệnh lây lan.

Nội dung Công yêu cầu: Sở Y tế kiện toàn Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh và đặc điểm của tỉnh; chỉ đạo hệ thống y tế toàn tỉnh theo dõi, giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch; không để dịch lan rộng kéo dài và để người bệnh tử vong.

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và tuyến huyện củng cố các đội cơ động phòng chống dịch, tập huấn chuyên môn, chuẩn bị đủ nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, hóa chất... phục vụ phòng chống dịch; phối hợp với các đơn vị liên quan, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ trong hộ gia đình, nhóm trẻ tập trung, nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn thông thường hoặc Chloramin B…

Bệnh chân tay miệng đang có nguy cơ bùng phát triên diện rộng vào thời điểm trẻ em nhập học. Ảnh: Bee.net.vn

Bệnh chân tay miệng đang có nguy cơ bùng phát triên diện rộng vào thời điểm trẻ em nhập học. Ảnh: Bee.net.vn

Trung tâm Truyền thống giáo dục sức khỏe xây dựng các thông điệp truyền thông phù hợp, cung cấp cho các cơ quan truyền thông đại chúng để chuyển tải đến mọi người dân về tình hình dịch bệnh, nguy cơ và tác hại của dịch bệnh, các biện pháp phòng bệnh để mọi người chủ động, tự giác, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

Các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, nhân lực, phương tiện cấp cứu, điều trị, để kịp thời chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân, kiên quyết không để người bệnh tử vong và dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Thực hiện chế độ theo dõi, giám sát và báo cáo tình hình diễn biến và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định hiện hành.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học, đặc biệt là trường mầm non, nhà trẻ kịp thời thông báo về trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng khi có trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng trong trường học và hướng dẫn gia đình đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị; đồng thời phối hợp với trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng tổ chức công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Các sở, ngành khác căn cứ nhiệm vụ được phân công và chức năng nhiệm vụ của ngành chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình diễn biến của dịch bệnh và các biện pháp triển khai phòng, chống dịch trên địa bàn.

Theo thông báo của Bộ Y tế, đến ngày 18-8-2011, cả nước đã phát hiện 32.588 trường hợp (chủ yếu là trẻ dưới 6 tuổi) mắc bệnh tay chân miệng tại 52 tỉnh, thành phố; trong đó có 81 ca tử vong tại 17 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu miền Nam, miền Trung và một số tỉnh miền Bắc.

Tại Hà Tĩnh, tính đến ngày 22/8 đã phát hiện 18 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại các huyện: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Can Lộc, Kỳ Anh; trong đó 1 ca dương tính với Enterovirus 71 (EV71) tại huyện Lộc Hà.

Dự báo trong các tháng cuối năm 2011, tình hình mắc bệnh tay chân miệng còn diễn biến phức tạp cả về tính chất và quy mô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, triệt để

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast