Chủ động phòng cúm A (H5N1) trên người

Dịch cúm H5N1 trên gia cầm đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây sang người cao. Ðể chủ động phòng, chống dịch cúm AH5N1 lây sang người, Trung tâm y tế dự phòng các cấp đã tích cực triển khai nhiều hoạt động.

Cho đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã có 5 xã có gia cầm mắc dịch cúm. Đặc biệt là ở Cẩm Xuyên, dịch lây lan rất nhanh, đến thời điểm này đã có 4 xã (bao gồm: Cẩm Hòa, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh và Cẩm Yên) có gia cầm mắc dịch. Trước sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, trung tâm YTDP tỉnh đã nhanh chóng triển khai kế hoạch khẩn cấp phòng chống dịch cúm typ A H5N1 với những biện pháp cụ thể.

Nhân dân xã Cẩm Duệ tìm hiểu thông tin phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan sang người
Nhân dân xã Cẩm Duệ tìm hiểu thông tin phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan sang người

Trung tâm YTDP tỉnh đã kiện toàn lại 2 đội cơ động gồm 14 thành viên, tập trung các nhiệm vụ: Triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên các địa phương có gia cầm mắc dịch; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác giám sát thường xuyên tại cộng đồng; chỉ đạo trung tâm YTDP các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực để phòng chống dịch khi có dịch xảy ra; tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát và phòng chống cho các tuyến về cách ly và xử lý ổ dịch; tăng cường các biện pháp VSATTP, phối hợp với thú y làm tốt công tác kiểm dịch; sẵn sàng cơ số thuốc và vật tư chuyên dụng để tập trung xử lý dịch…

Tại các xã có dịch cúm gia cầm, Trung tâm YTDP đã phối hợp với địa phương lập chốt kiểm dịch và tiến hành xử lý vệ sinh môi trường trên các địa bàn bằng phun hóa chất CloraminB 25% cách gia đình có gia cầm chết bán kính 200m, rải vôi bột; lập danh sách những người có tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và giám sát những người đi từ vùng dịch về; tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống…

Bác sỹ Đặng Minh Đề - Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Cẩm Xuyên cho biết: Dịch cúm gia cầm đang lây lan nhanh và diễn biến phức tạp. Với mục tiêu khống chế tỷ lệ mắc dịch cúm typ A H5N1 ở người, Trung tâm YTDP huyện đã, đang và sẽ luôn bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch lây sang người. Dịch gia cầm xuất hiện đến đâu, tiến hành xử lý VSMT đến đó, đồng thời, tăng cường phối hợp tuyên truyền và theo dõi giám sát phát hiện ca bệnh đầu tiên để kịp thời khống chế. Các tờ rơi về các biện pháp phòng, chống dịch đã được phát tới tất cả các địa phương trong huyện.

Dịch cúm gia cầm bùng phát không chỉ ảnh hưởng đến việc chăn nuôi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của người dân. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hai trường hợp mắc cúm A (H5N1) tại hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng, đều đã tử vong. Kết quả xét nghiệm vi-rút cúm A (H5N1) có nguồn gốc tại Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới tại hai phòng xét nghiệm ở Hà Lan và Nhật Bản mới đây cũng cảnh báo, vi-rút cúm A (H5N1) có thể biến đổi trở thành chủng dễ dàng lây truyền ở các loài động vật có vú, có thể biến đổi, dễ dàng lây truyền từ người sang người.

Để chủ động phòng, chống dịch lây sang người, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, các địa phương cần xây dựng kế hoạch chi tiết từng bước và giám sát thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người; tăng cường truyền thông để người dân không giết, mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân; không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ.

Cùng với việc nâng cao ý thức của người dân, các cơ sở KCB, nhất là tuyến cơ sở cần rà soát, cập nhật các biện pháp điều trị; tăng cường phát hiện và điều trị sớm cho người bệnh cúm A (H5N1). Và trong thời điểm hiện nay, các trường hợp nhập viện ở trong vùng có dịch, nếu sốt cao nhiều ngày nên đặt trong trường hợp nghi ngờ mắc cúm A (H5N1) và cho xét nghiệm bệnh phẩm tìm vi-rút cúm. Nếu người mắc bệnh được phát hiện sớm sẽ được điều trị khỏi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast