Cung cấp thông tin y tế: Thờ ơ hay né tránh?!

(Baohatinh.vn) - Cung cấp thông tin y tế đóng vai trò quan trọng đối với công tác truyền thông về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Tuy nhiên, đối với ngành Y tế Hà Tĩnh, thời gian qua, hoạt động này chưa được quan tâm đúng mức.

Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh làm tốt công tác cung cấp thông tin nên huy động được đội ngũ chuyên gia về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nâng cao chất lượng chuyên môn.
Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh làm tốt công tác cung cấp thông tin nên huy động được đội ngũ chuyên gia về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nâng cao chất lượng chuyên môn.

Hơn 10 năm làm báo là chừng ấy thời gian tôi gắn bó với ngành Y tế. Có lẽ đó cũng là lý do để tôi có thể khẳng định, việc cung cấp thông tin cho báo chí trong ngành Y tế nói chung thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, nếu như không nói là thờ ơ, né tránh.

Trước hết là sự chủ động phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí, xem báo chí là một “kênh” chuyển tải thông tin đến người dân, các cấp chính quyền, đối với các đơn vị y tế còn rất mờ nhạt. Không chỉ không chủ động, khi báo chí liên hệ tác nghiệp, sự phối hợp của nhiều đơn vị cũng chưa tốt. Một vị giám đốc ở bệnh viện nọ, khi tôi liên hệ để chuẩn bị bài viết nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam và ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã trả lời: “Truyền hình vừa làm, em liên hệ với họ lấy thông tin ở đấy luôn”; rồi một vị giám đốc bệnh viện đa khoa thị xã đến 5 lần 7 lượt liên hệ để trao đổi thông tin vẫn tìm mọi lý do từ chối. Đến câu chuyện phòng, chống dịch bệnh, còn rất nhiều cán bộ chưa nhận thức đúng về sự khác nhau giữa việc phát ngôn và cung cấp thông tin nên không dám nói khi thủ trưởng đơn vị chưa cho phép, dù đó là những thông tin tích cực…

Việc nhiều cơ sở y tế không quan tâm đúng việc cung cấp thông tin cho báo chí nói chung có nhiều nguyên nhân. Nhiều cán bộ y tế, nhất là những người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm cung cấp thông tin theo Luật Báo chí, chưa nhận thức đầy đủ những hiệu ứng tích cực về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho người dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như việc thu hút sự quan tâm, đầu tư các nguồn lực cho ngành Y tế, xây dựng thương hiệu cho đơn vị.

Do thiếu sự chủ động, phối hợp tích cực của ngành Y tế nên việc nắm bắt thông tin của các cơ quan truyền thông đại chúng đối với ngành cũng thiếu tính hệ thống, không đầy đủ, dẫn đến việc tuyên truyền thiếu tính toàn diện, chiều sâu. Đây là nguyên nhân sâu xa gây dư luận và tạo những hiệu ứng không tích cực đối với ngành Y tế. Mặt khác, cũng do những hạn chế từ cung cấp thông tin nên ngay chính cả cấp ủy đảng, chính quyền cũng còn thiếu thông tin để kịp thời chỉ đạo.

Được cấp từ một dự án, máy xét nghiệm sinh hóa của Bệnh viện Đa khoa Hương Khê chưa sử dụng đã hỏng nhưng cán bộ bệnh viện né tránh cung cấp thông tin.
Được cấp từ một dự án, máy xét nghiệm sinh hóa của Bệnh viện Đa khoa Hương Khê chưa sử dụng đã hỏng nhưng cán bộ bệnh viện né tránh cung cấp thông tin.

Cách đây không lâu, tình cờ, tôi biết được phòng mổ của Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê xuống cấp nghiêm trọng. Bác sỹ phẫu thuật phải mặc áo mưa tiện lợi và 4 cán bộ y tế đứng 4 góc giăng áo mưa phía trên bệnh nhân để thực hiện ca mổ. Tuy vậy, hẹn đến 2 - 3 lần, tôi mới được lãnh đạo bệnh viện dành thời gian trao đổi. Sau khi Báo Hà Tĩnh nêu, một vị lãnh đạo tỉnh tỏ vẻ nghi ngờ và hỏi tôi: “Thật sự có chuyện phòng mổ như thế không? Ngành Y tế có biết không? Có chuyện như vậy sao lâu nay không thấy ngành báo cáo?…”. Tất nhiên, sau đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê đã được quan tâm, khắc phục những bất cập, đảm bảo các điều kiện tối thiểu tại phòng mổ.

Như vậy, việc cung cấp thông tin có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân. Bài học xương máu về khủng hoảng truyền thông trong tiêm phòng vắc-xin cho trẻ của ngành Y tế nói chung vẫn còn rất mới. Từ một số trẻ tử vong do tiêm vắc-xin, Bộ Y tế, ngành Y tế các địa phương thiếu tính chủ động, phối hợp chặt chẽ với hệ thống truyền thông đại chúng, thậm chí là lúng túng, né tránh trong cung cấp thông tin nên một số tờ báo đã đưa tin một chiều, thiếu khoa học, gây hoang mang trong công chúng, dẫn đến thiếu niềm tin đối với công tác tiêm phòng và hệ lụy đã diễn ra ngay sau đó. Dịch sởi quay trở lại và chỉ trong một thời gian ngắn, số ca tử vong đã cao gấp rất nhiều lần so với số tử vong do tai biến vắc-xin và tắc trách của cán bộ y tế.

Y tế là một ngành đặc thù, liên quan đến khoa học, nếu không có tính chủ động, phối hợp chặt chẽ của ngành trong việc cung cấp thông tin thì có thể sẽ gây nên nhiều hệ lụy. Thiết nghĩ, những người làm công tác y tế, mà trước tiên là những người đứng đầu trong các đơn vị, cần phải thay đổi tư duy. Cung cấp thông tin không đơn thuần là nhiệm vụ thực hiện Luật Báo chí mà quan trọng hơn là một giải pháp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đúng như tinh thần Chỉ thị 07/CT-BYT của Bộ Y tế ngày 19/6/2014 đã khẳng định: “Công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần định hướng dư luận xã hội về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phổ biến kiến thức giúp người dân có nhận thức và hành vi đúng đắn, có lợi cho sức khỏe trong việc phòng, chống dịch và nâng cao sức khỏe mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast