Đằng sau cánh cửa phòng mổ...

Phòng mổ - Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh luôn biệt lập và được xem như một “thế giới dao, kéo”. Có bác sỹ đùa rằng, đây là nơi "tranh chấp" giữa sự sống và cái chết. Nhưng, trong hầu hết các cuộc "tranh chấp", đội ngũ y - bác sỹ và bộ phận phục vụ nơi đây giành giật được sự sống để mang lại niềm vui cho những cuộc đời…

Một chiếc xe đẩy bệnh nhân vào, ngay lập tức cửa phòng mổ đóng lại. Một kíp bác sỹ, nhân viên khoa Gây mê - Hồi sức nhanh chóng tiến hành các công đoạn chuẩn bị. Mỗi người một việc, như một chuỗi mắt xích, không gián đoạn, tách rời nhau. Bắt đầu là thăm khám nhanh, rồi tiêm thuốc tiền mê, tìm ven, tiêm thuốc mê, đặt ống nội khí quản và thông tiểu… Lúc này, bệnh nhân đã chết lâm sàng.

Một ca mổ cắt dạ dày và nạo vét hạch cho bệnh nhân ung thư dạ dày...

Một ca mổ cắt dạ dày và nạo vét hạch cho bệnh nhân ung thư dạ dày...

Bác sỹ Nguyễn Đình Quế, Trưởng Khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viên Đa khoa Hà Tĩnh dẫn tôi xem một lượt các buồng mổ và giới thiệu cụ thể từng trường hợp bệnh nhân và kíp mổ. Đây là ông X, 73 tuổi, quê ở Cẩm Xuyên, mổ cắt ruột thừa và nạo vét hạch vì ung thư; đó là cô T, cô bị liệt một chân, tàn tật từ nhỏ, không có chồng nhưng sinh một đứa con để nuôi, đang chuẩn bị mổ đẻ; kia là bác sỹ Thanh - Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt đang mổ u lưỡi; kế nữa là bác sỹ Dũng – Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, đang thực hiện ca mổ hạ tinh hoàn, đưa tinh hoàn nằm trong ổ bụng về đúng vị trí cho một bệnh nhi.

Thời điểm tôi có mặt, có 4 kíp đang thực hiện các ca mổ và một kíp đang chuẩn bị. Không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng dao, kéo và mùi "đặc trưng" của phòng mổ. Bác sỹ, kỹ thuật viên và điều dưỡng viên dường như chỉ nói với nhau bằng mắt.

Bác sỹ Quế giải thích: “Làm việc trong phòng Mổ yêu cầu rất nghiêm nghặt. Mọi người phải đảm bảo vô trùng và tập trung cao độ. Sự sống và cái chết của bệnh nhân ở đây chỉ cách nhau gang tấc. Vì vậy, không ai được phép chểnh mảng”.

và một ca mổ hạ tinh hoàn, đưa tinh hoàn từ ổ bụng trở về đúng vị trí cho bệnh nhi

và một ca mổ hạ tinh hoàn, đưa tinh hoàn từ ổ bụng trở về đúng vị trí cho bệnh nhi

Trở lại kíp mổ bệnh nhân 73 tuổi, 2/3 chiếc dạ dày đã được cắt ra. Bác sỹ Phan Thanh Minh - Trưởng khoa Ngọai tiêu hoá, bác sỹ mổ chính cho biết: “Bệnh nhân ung thư nên phải mổ cắt ruột thừa và nạo vét hạch để kéo dài thời gian sống. Ca mổ này đã thành công”.

Bác sỹ Minh cho biết thêm, từ khi dự án JBIC đầu tư, hoạt động phòng mổ của bệnh viện đã có bước chuyển rõ nét. Đến nay, đội ngũ phục vụ đã làm chủ các kỹ thuật và thành thạo sử dụng các trang thiết bị hiện đại. Riêng Khoa Ngoại tiêu hoá, đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật như mổ nội soi ruột thừa, mổ cắt túi mật, cắt nang gan, mổ khâu lỗ thủng dạ dày, viêm ruột thừa cấp, viêm khúc mạc… Nhiều ca bệnh nguy hiểm đã được cứu sống”…

Trung bình mỗi ngày, phòng Mổ - Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh phẫu thuật 16 ca. Ngày cao điểm lên đến 22 ca; riêng từ đợt tết Tân Mão đến nay, đã phẫu thuật gần 200 ca.

Bác sỹ Nguyễn Quốc Thanh – Phó Khoa Gây mê - Hồi sức chia sẻ: “Công việc trong phòng mổ rất thầm lặng, chỉ có nhân viên khoa Gây mê - Hồi sức và bác sỹ phẫu thuật biết. Đã bước vào cánh cửa phòng Mổ thì chỉ biết phục vụ là chính. Mỗi bệnh nhân đến đây chỉ trong vòng một đến hai tiếng đồng hồ. Thời gian tiếp xúc bệnh nhân ngắn nhưng phải khẩn trương, kịp thời và đòi hỏi tính chuẩn xác cao. Hơn nữa, bệnh nhân có thể được chỉ định mổ bất cứ giờ nào. Vì vậy, kíp trực liên hoàn luôn phải ăn, uống tại chỗ trong thời gian trực để đảm bảo phục vụ”.

Rời phòng mổ, không còn những hình ảnh cắt rạch lạnh lùng của dao kéo, đọng lại duy nhất trong tôi vẫn là hình ảnh của ánh đèn. Những ánh đèn rất đẹp. Ánh đèn giúp các bác sỹ, nhân viên phục vụ đủ ánh sáng để tiến hành phẫu thuật. Dường như, ánh đèn còn tượng trưng cho một thứ ánh sáng khác - ánh sáng của sự cống hiến thầm lặng, sự nỗ lực hết mình để “dẫn” bệnh nhân trở về với sự sống

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast