Khôi phục và sử dụng thuốc nam trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Là những người nông dân sống ở nông thôn - quanh năm gắn bó với đồng ruộng, cuộc sống vất vả nên ốm đau bệnh tật thường xuyên - chúng tôi muốn bàn thêm về một khía cạnh khá quan trọng, đó là vấn đề khôi phục và sử dụng vườn thuốc nam trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Các loại cây để điều chế thuốc Nam luôn có sẵn trong cuộc sống quanh ta
Các loại cây để điều chế thuốc Nam luôn có sẵn trong cuộc sống quanh ta

Sở dĩ như vậy vì trong những năm trước đây, do sự quan tâm đầu tư phát triển thuốc nam chưa có chiều sâu nên các vườn thuốc nam ở các trạm y tế, bệnh viện, trường học, gia đình bị mai một. Vấn đề sử dụng kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn hạn chế và chưa được chú trọng.

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện y học cổ truyền Hà Tĩnh, trong thuốc nam có nhiều vị thuốc và nhiều bài thuốc mà ai ai cũng làm được. Vì những vị thuốc này ở bên ta, nhà nào cũng có không phải mua, lại chữa được bệnh kịp thời cho mình và cho gia đình mình, chưa cần đến thầy thuốc.

Chẳng hạn, để chữa nóng sốt do nắng mưa bị cảm, người sốt ra nhiều mồ hôi thì chỉ cần các loại cây: Bạc hà, Cam thảo, Lá dâu tằm, Kinh giới, Lá tre, Ngân hoa; hoặc nếu chữa người nóng, sốt cao, môi khô, không ra mồ hôi, miệng khát, nổi ban khắp người, chảy máu mũi, máu chân răng thì cần: Rau má, Củ sắn dây, Lá tre bánh tẻ, Lá trắc bách diệp, Gừng tươi, Mã đề, Cỏ mực, Lá cúc tần; sắc uống là khỏi v.v…

Từ thực tế như vậy, chúng tôi đề nghị trong triển khai thực hiện NQ 03 của Tỉnh uỷ, ngành y tế phải có biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam, đồng thời tăng cường chỉ đạo có hiệu quả và phát huy thế mạnh của y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại vào công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Sở Y tế và Hội y học cổ truyền cần có kế hoạch chỉ đạo các đơn vị trong ngành mở các lớp phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khoẻ bằng y học cổ truyền cho nhân dân; khuyến khích các trạm y tế, bệnh viện, trường học, các hộ gia đình trồng và sử dụng thuốc nam.

Có thực hiện được như vậy mới mở rộng và khai thác tiềm năng của y học cổ truyền vào việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân như NQ 03 của Tỉnh uỷ đã đề ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast