“Sớm xây dựng chính sách mới về công tác DS-KHHGĐ”

Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) 13/2005/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về công tác DS-KHHGĐ, tỉnh ta vẫn chưa đạt được các chỉ tiêu đề ra, như: giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, kiểm soát tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh, ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số... Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ các khó khăn trong công tác DS-KHHGĐ thời gian tới. PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc phỏng vấn bà Hoàng Thị Cẩm Tú - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh xung quanh vấn đề này.

- Xin bà cho biết những khó khăn, vướng mắc của công tác DS-KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh qua 8 năm thực hiện NQ số 13/2005/NQ-HĐND ngày 16/7/2005 của HĐND tỉnh?

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện NQ 13 mà đến thời điểm này, chúng ta vẫn đang cần tiếp tục tháo gỡ đó là: tổ chức bộ máy làm công tác DS cấp cơ sở vẫn chưa hoàn thiện, thiếu ổn định. Đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ cấp huyện còn hạn chế về năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và điều phối các lĩnh vực công tác của chương trình DS- KHHGĐ. Cán bộ DS xã và cộng tác viên (CTV) DS thôn, xóm, khối phố chất lượng không đồng đều, thiếu ổn định. Khối lượng công việc nhiều, phụ cấp thấp, dẫn đến biến động về đội ngũ, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình DS-KHHGĐ của tỉnh.

Cán bộ dân số huyện Nghi Xuân phát tờ rơi tuyên truyền về KHHGĐ.
Cán bộ dân số huyện Nghi Xuân phát tờ rơi tuyên truyền về KHHGĐ.

Về chính sách đầu tư, nguồn lực, nhất là ở cấp huyện, xã theo tinh thần chỉ đạo của NQ 13 chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn tình trạng nhiều huyện, xã giao chỉ tiêu nhưng không bố trí ngân sách để thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Một số huyện có bố trí (ghi ngân sách cho công tác DS nhưng chưa đạt mức 0,1% tổng chi ngân sách thường xuyên của địa phương).

Việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS cũng là điều đáng quan tâm. Cùng một hình thức và mức độ vi phạm nhưng mỗi nơi xử lý một kiểu, làm ảnh hưởng đến tính thống nhất của chương trình. Quan điểm “xử lý nghiêm, bình đẳng các tập thể, cán bộ, công chức, đảng viên và những người vi phạm chính sách DS-KHHGĐ” theo tinh thần các chỉ thị 39, 44 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, NQ 13 của HĐND tỉnh và các quyết định 18, 21 của UBND tỉnh chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, tạo hiệu ứng không tốt trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình.

- Vậy chúng ta cần phải đưa ra những giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trên, thưa bà?

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta cần phải tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp:

Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ. Tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình biến động DS, kết quả thực hiện KHHGĐ, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về sự giảm sút, yếu kém của công tác này ở các đơn vị, địa phương để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và khắc phục kịp thời.

Hai là, nâng cao năng lực, củng cố, kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở. Có chế độ, chính sách phù hợp đến đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ cấp xã, phường, thị trấn và CTV ở cơ sở.

Phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc dịch vụ SKSS/KHHGĐ.
Phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc dịch vụ SKSS/KHHGĐ.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi về công tác DS–KHHGĐ, nhất là truyền thông trực tiếp tới từng nhóm đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp và mạng lưới CTV DS, tuyên truyền viên của các ngành, đoàn thể; từng bước chú trọng phổ biến thông tin DS trên báo điện tử, trang tin điện tử của các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã.

Tiếp đến là nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ theo hướng kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật, tập trung cho vùng khó khăn. Mở rộng cung cấp các dịch vụ tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh…

Cuối cùng là tăng cường đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ, sử dụng có hiệu quả ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ. Đồng thời, bổ sung ngân sách địa phương để thực hiện mục tiêu cao hơn về DS-KHHGĐ; hàng năm, có kế hoạch bổ sung kinh phí để thực hiện chương trình DS-KHHGĐ theo tỷ lệ quy định tại NQ số 13 của HĐND và Chỉ thị số 05 của UBND tỉnh (tối thiểu bằng 0,1% tổng chi ngân sách thường xuyên của địa phương).

- Theo bà, giải pháp nào là cấp bách nhất hiện nay? Thời gian tới, HĐND tỉnh có kế hoạch nào đối với công tác DS–KHHGĐ?

Trong 5 nhóm giải pháp trên thì giải pháp nâng cao năng lực, củng cố, kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS-CSSKSS từ tỉnh đến cơ sở; giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi và giải pháp tăng cường đầu tư cho công tác DS-KHHGD là 3 giải pháp cấp bách quan trọng nhất.

Thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh cũng đang dự kiến trên cơ sở tổng kết NQ 13 này, sẽ chỉ đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu xây dựng một chính sách mới về công tác DS-KHHGĐ để trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất. Trong chính sách mới này, dự kiến sẽ tập trung thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp cấp bách nhất mà tôi đã nói ở trên.

Bà Phùng Thị Nguyệt – Phó Giám đốc Sở Tài chính: Một số địa phương còn xem nhẹ công tác dân số

Từ năm 2006–2012, tỉnh đã bố trí ngân sách cho công tác DS–KHHGĐ đạt gần 0,16% , cao hơn Nghị quyết số 13/2005/NQ-HĐND quy định là 0,1%. Về chế độ cho cán bộ chuyên trách cấp xã và CTV DS thôn, xóm, Sở Tài chính đã phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách, chế độ đối với cán bộ chuyên trách DS- KHHGĐ cấp xã. Từ năm 2013, tỉnh đã bố trí kinh phí chi trả phụ cấp cho cán bộ chuyên trách DS cấp xã bằng 1,0 hệ số lương cơ bản (1.050.000 đồng).

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện NQ, một số địa phương vẫn còn xem nhẹ công tác này, chưa chủ động bố trí kinh phí trong dự toán đầu năm, gây khó khăn và tạo tâm lý chưa yên tâm cho đội ngũ cán bộ DS cơ sở trong quá trình hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh: Cần có biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém

Thực hiện NQ 13 của HĐND tỉnh, từ năm 2005–2012, TP Hà Tĩnh đã bố trí kinh phí cho công tác DS-KHHGĐ đạt 0,13% tổng chi ngân sách thường xuyên; có chế độ phụ cấp cho 16/16 cán bộ dân số xã, phường, thị trấn được hưởng mức phụ cấp bằng hệ số 1,0 mức lương tối thiểu kể từ tháng 8/2011; 11/16 xã, phường, thị trấn hỗ trợ tăng phụ cấp hàng tháng cho CTV với số lượng 112 người…

Thời gian tới, TP Hà Tĩnh sẽ quán triệt sâu sắc hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS–KHHGĐ; có kế hoạch và biện pháp khắc phục những yếu kém, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp sinh trên 2 con; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác DS–KHHGĐ, nhất là ở xã, phường, thị trấn.

Ông Trần Xuân Lương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà: Củng cố đội ngũ chuyên trách dân số cơ sở

NQ 13 của HĐND tỉnh ban hành năm 2005 nhưng đến năm 2007, huyện Lộc Hà mới được thành lập. Huyện lại có số lượng đồng bào có đạo khá đông (chiếm gần 16% dân số), người dân chủ yếu làm nghề đi biển nên vẫn còn mang nặng quan niệm “đông con hơn nhiều của”… Những khó khăn của một huyện mới khiến việc thực hiện các chỉ tiêu của NQ 13 đều không đạt được.

Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng đề án để tham mưu, trình BTV Huyện ủy ban hành chỉ thị, HĐND huyện ban hành nghị quyết chuyên đề về thực hiện chính sách DS–KHHGĐ trong tình hình mới với những giải pháp khá cụ thể: quan tâm đầu tư ngân sách cho công tác DS, đưa ra hình thức xử phạt hành chính đối với người dân và hình thức xử phạt cụ thể đối với cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS; củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ làm công tác DS từ huyện đến cơ sở…

(thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast