Ưu tiên xử lý nguồn nước, môi trường sau lũ lụt

Mặc dù Hà Tĩnh không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 11, nhưng do mưa nhiều ngày liền nên đã xảy ra tình trạng ngập lụt trên diện rộng tại một số vùng như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và Đức Thọ. Theo đó, vấn đề nguồn nước, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng...

CBNV y tế dự phòng hướng dẫn nhân dân vùng lũ xử lý nguồn nước bị ô nhiễm sau lũ lụt
CBNV y tế dự phòng hướng dẫn nhân dân vùng lũ xử lý nguồn nước bị ô nhiễm sau lũ lụt

Theo báo cáo nhanh của ngành y tế , toàn tỉnh 16.630 nhà dân bị ngập, 23.269 giếng nước bị nước tràn vào, hơn 10.000 công trình vệ sinh tại các nhà dân bị hư hỏng nặng khiến đời sống và sinh hoạt của bà con gặp nhiều khó khăn, nhất là nguy cơ ô nhiêm môi trường nước sinh hoạt, mất vệ sinh an toàn thực phẩm và bùng phát các loại dịch bệnh.

Lũ cũng đã làm cho 36 trạm y tế xã, thị trấn chủ yếu tập trung 5 huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Kỳ Anh bị ngập nặng; nhiều trạm ngập sâu hơn 2m, đến thời điểm này nhiều trạm vẫn còn ngập sâu trong nước như: Sơn Bằng, Sơn Thịnh (Hương Sơn), Đức Châu, Đức Tùng, Đức Vịnh (Đức Thọ), Đức Giang, Ân Phú (Vũ Quang). Bệnh viện đa khoa huyện Hương Sơn bị ngập hoàn toàn, nhiều trang thiết bị KCB, bàn ghế... không di chuyển kịp đã bị ướt nước. Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Vũ Quang bị chia cắt gây rất nhiều khó khăn trong công tác KCB và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.

Hiện tại, một số nơi đã xuất hiện các loại dịch bệnh như: bệnh ngoài da, dịch đau mắt đỏ, sốt xuất huyết…

Ngành Y tế cấp cơ số thuốc PCLB cho tram y tế Sơn Bằng (Hương Sơn)
Ngành Y tế cấp cơ số thuốc PCLB cho tram y tế Sơn Bằng (Hương Sơn)

Với phương châm nước rút đến đâu phun hóa chất, xử lý nguồn nước đến đó, ngành Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh cử đội cơ động phòng chống dịch bệnh gồm 20 người bám sát địa bàn phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường và nguồn nước để đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho bà con nhân nhân nhằm tránh các loại dịch bệnh có thể phát sinh sau lũ.

Sở Y tế đã cấp xuất xuống tận các địa bàn bị lũ lụt nặng 100 áo phao, 400 ngàn viên cloramin B, 3 tấn thuốc CloraminB, 30 kg phèn chua, 38 cơ số thuốc phòng chống bão lụt, 12 máy phun để kịp thời tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh xẩy ra sau lũ.

Dự báo sau lũ nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tả, lỵ, thương hàn, cúm A(H5N1), (H1N1) và các bệnh ngoài da là rất lớn. Ngành Y tế sẽ tiếp tục bám sát công tác khử trùng, xử lý môi trường sau lũ, nhưng hơn hết, mỗi người dân cần có ý thức trong ăn uống, sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

Được biết, Trung tâm YTDP tỉnh cũng vừa có tờ trình xin Cục YTDP – Bộ Y tế cấp thêm 2 tấn Cloramin B dạng bột, 1 tấn phèn chua và 1 triệu viên Aquatabs để chủ động phòng chống dịch bệnh sau lũ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast