Vận động hiến máu tình nguyện: Phát nhưng chưa động!

Phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở Hà Tĩnh là một cuộc vận động được nhiều tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hoạt động nhiều ý nghĩa nhân đạo này, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức đúng, còn đứng ngoài cuộc với phong trào. Vì thế, lượng máu tiếp nhận được chỉ đạt 0,06% dân số (trung bình cả nước là 0,8%), trở thành một trong 4 tỉnh có tỷ lệ HMTN thấp nhất cả nước.

HMTN là một trong những nghĩa cử cao đẹp của con người với con người và là truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những hoạt động nhân đạo có ý nghĩa thường xuyên được đoàn viên thanh niên trong tỉnh hưởng ứng và tham gia rất tích cực. Qua đó, cho thấy phong trào HMTN đã ngày càng trở thành một việc làm có ý nghĩa hết sức cao đẹp, thể hiện rõ tính nhân văn cao cả, là tiếng nói lương tâm, là tình cảm của con người với con người được xã hội tôn vinh. Những giọt máu tình nguyện hiến dâng sẽ đem lại sự sống cho những người kém may mắn, mang đến niềm tin, niềm hy vọng cho sự sống của con người.

“Nối vòng tay tình nguyện, sẻ giọt máu yêu thương”

“Nối vòng tay tình nguyện, sẻ giọt máu yêu thương”

Theo báo cáo của BCĐ tỉnh, Hà Tĩnh có dân số 1,2 triệu người, tuy nhiên lượng máu tiếp nhận tại tỉnh mới chỉ đạt được 0,06% dân số, trong khi đó trung bình cả nước đạt 0,8% dân số. Năm 2010, toàn tỉnh chỉ tiếp nhận được 600 đơn vị máu. Máu tiếp nhận được mới chỉ đủ cho cấp cứu bệnh nhân (sử dụng 100% máu toàn phần) và luôn ở trong tình trạng thiếu nghiêm trọng. Chính vì vậy, hiện nay các bệnh viện luôn ở trong tình trạng thiếu máu để điều trị.

Vào những thời điểm thiếu máu trầm trọng, có những bệnh nhân vào nhập nhưng vẫn không có máu để truyền. Đáng tiếc có những ca bệnh trầm trọng hơn hoặc tử vong do không có máu để truyền kịp thời. Hiện nay, khoa học vẫn chưa tìm ra máu nhân tạo để thay thế nguồn máu lấy từ con người, chính vì thế tất cả nguồn máu để điều trị cho bệnh nhân đều bắt buộc phải được con người hiến tặng.

Phong trào HMTN tại Hà Tĩnh trong 6 tháng đầu năm 2011, vận động được hơn 4 nghìn người tham gia nhưng có 850 người HMTN. Đối tượng tích cực tham gia HMTN vẫn chủ yếu là thanh niên, sinh viên. Nhiều người dân, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức nhà nước vẫn đang đứng ngoài cuộc. Sự thờ ơ như vậy là do nhiều người còn chưa nhận thức đúng ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo. Một số địa phương, đơn vị xem nhẹ hoạt động này và cho đó là “chuyện riêng” của các bệnh viện, của ngành y tế.

“Có những trường hợp đoàn viên thanh niên tình nguyện hiến máu, đã thực hiện xong quá trình thử, xét nghiệm máu nhưng vì gia đình không hiểu đã ngăn cản. Điều này cũng là một phần làm giảm đi hiểu quả của công tác tuyên truyền VĐ HMTN” - ông Bùi Văn Bốn, Phó Trưởng BCĐ VĐ HMTN tỉnh cho hay.

Lượng máu thu được từ HMTN chỉ đủ nhu cầu để cấp cứu bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Lượng máu thu được từ HMTN chỉ đủ nhu cầu để cấp cứu bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo ông Bùi Văn Bốn, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu trên là do: Công tác tuyên truyền đang còn hạn chế, nguồn chủ yếu từ bệnh viện và đoàn viên thanh niên tỉnh, tuy nhiên mới chỉ đang dừng lại ở phong trào, thời vụ chưa thực sự đi vào lòng dân. Sự phối hợp chưa thưc sự chặt chẽ giữa BCĐ VĐ HMTN của tỉnh với các cơ quan, các nhà lãnh đạo và quản lý chưa thực sự vào cuộc, thậm chí nhiều nơi còn không ủng hộ việc hiến máu tại cơ quan mình, thiếu tài liệu tuyên truyền vận động hiến máu… Trang thiết bị lưu trữ máu còn thiếu thốn vấn đề chuyên môn chưa đáp ứng kịp thời trong việc triển khai một buổi tiếp nhận máu, nên cũng dẫn đến việc lãng phí nguồn người hiến máu, đặc biệt tại Hà Tĩnh hiện nay đang rất thiếu nguồn người hiến máu.

"Đoàn viên, thanh niên luôn phát huy tinh thần xung kích, nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Tuy nhiên, một số nhân viên y tế, kỹ thuật viên khi lấy máu coi người hiến máu như bệnh nhân. Nhiều đợt vận động cả trăm đoàn viên, thanh niên đi HMTN nhưng rất ít người cho được máu. Bởi khi tổ chức thực hiện lấy máu có quá ít giường nên thời gian lấy máu rất lâu, người này phải chờ người kia. Điều này đã giảm đi lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ trong HMTN và tỷ lệ lấy máu đạt chưa cao” - Một Bí thư đoàn cơ sở chia sẻ những khó khăn trong công tác HMTN.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Xuân, 38 tuổi, ở Đồng Lộc, Can Lộc được cứu sống từ nguồn hiến máu tình nguyện.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Xuân, 38 tuổi, ở Đồng Lộc, Can Lộc được cứu sống từ nguồn hiến máu tình nguyện.

Trong buổi làm việc của đoàn công tác Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư với BCĐ VĐ HMTN tỉnh bàn về công tác vận động và tổ chức các buổi tiếp máu những thuận lợi và khó khăn đang gặp phải tại Hà Tĩnh, PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư cho rằng: Củng cố BCĐ VĐ HMTN tỉnh, cần có văn phòng và cán bộ chuyên trác theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Bổ sung BCĐ cấp huyện. Đề nghị tăng kinh phí của tỉnh từ ngân sách nhà nước cho hoạt động tuyên truyền hiến máu tình nguyện. Cần xây dựng chỉ tiêu hiến máu cụ thể, đủ đối tượng, số lượng, địa điểm và thời gian. Trong đó ngành y tế phải ưu tiên hiến máu hàng đầu.

Dự kiến chỉ tiêu những tháng cuối năm lượng máu thu được ở Hà Tĩnh là 6.000 đơn vị, 100% hiến máu tình nguyện. Mở rộng đối tượng hiến máu (các ban ngành, đoàn thể, tầng lớp, lứa tuổi). Mở rộng địa bàn hiến máu. Tổ chức tốt việc phối hợp tiếp nhận máu. Cần tổ chức khoảng 2 tuần/ lần, 200 đơn vị máu. Tập trung tiếp nhận trước ở thành phố. Xây dựng lực lượng hiến máu dự bị “thực chất, hiệu quả và bền vững”. Tổ chức các buổi hiến máu lớn trên 500 đơn vị cho tất cả các đối tượng, ưu tiên các VIP nhằm các mục đích: Để đảm bảo đủ nhu cầu máu cần thiết, tạo ra hiệu ứng xã hội về hiến máu và là dịp tập dượt cho các đợt tiếp nhận máu lớn.

PGS. TS Nguyễn Anh Trí đề xuất Hà Tĩnh nên tổ chức 2 đợt hiến máu lớn (tháng 9 và trước tết âm lịch). Thành phần tham gia tổ chức là bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, Trung tâm Truyền máu Nghệ An và Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư. Viện sẽ hỗ trợ tài liệu tuyên truyền, cán bộ tổ chức và phần kinh phí. Cần phối hợp tốt giữa khoa xét nghiệm của bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh với Trung tâm truyền máu Nghệ An.

“Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”- hiến máu cứu người, chia sẻ giọt máu của tình nhân ái, góp phần đem lại hàng ngàn đơn vị máu cứu chữa kịp thời cho người bệnh. Để có nhiều hơn nữa niềm hy vọng cho sự sống, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình người bệnh, giúp ngành y tế bớt khó khăn về tình trạng thiếu máu khi cần cứu chữa người bệnh bằng truyền máu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast