“Nếu có kiếp sau, mình vẫn muốn làm người Việt Nam. Là người con máu đỏ da vàng. Để trái tim không ngừng rung lên khi Quốc ca cất lên. Để tình yêu quê hương đất nước tràn ngập trong huyết quản. Để cảm nhận những điều bình dị, gần gũi nhất…”. Những lời chia sẻ này được ghi lại trong một podcast của một bạn trẻ Gen Z và là minh chứng rõ ràng cho tình yêu đất nước không bao giờ phai nhạt, dù cho thời gian có trôi qua hay thế hệ có thay đổi của thế hệ trẻ.
Có lẽ trong mắt nhiều người lớn tuổi, thế hệ trẻ hôm nay có vẻ khác. Họ ít nói về “lý tưởng cách mạng” nhưng lại có cách riêng để thể hiện sự ngưỡng mộ đối với đất nước. Giữa không khí cả nước hướng về ngày 30/4 – kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mạng xã hội dường như trở thành một “mặt trận cảm xúc” nơi lòng yêu nước được thể hiện sống động và mạnh mẽ. Trên TikTok, Facebook, Instagram, các bạn trẻ lan truyền hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, ghép nhạc cách mạng, chia sẻ clip ghi lại khoảnh khắc linh thiêng với những hashtag như #VietNam50NamThongNhat, #GenZYeunuoc… thu hút hàng trăm ngàn lượt chia sẻ.
Thay vì chỉ học lịch sử qua sách vở, Gen Z chọn cách “nhảy cùng lịch sử”. Những video ngắn kết hợp giữa điệu nhảy trẻ trung và nội dung lịch sử cô đọng trở thành chiếc cầu nối độc đáo giữa quá khứ và hiện tại. Những bước nhảy không phải để thể hiện tài năng, mà thể hiện sự trân trọng, biết ơn những hy sinh của cha ông. Ở đó, có cả khát vọng về một tương lai rực rỡ, một quê hương hùng cường, tất cả được Gen Z truyền tải bằng ngôn ngữ của thời đại mình – sinh động, nhanh, nhưng đầy cảm xúc.
Ngoài ra, nhiều bạn trẻ còn chọn cách lan tỏa thông điệp yêu nước qua những tấm ảnh check-in cùng cờ đỏ sao vàng. Từ những con phố thân quen đến các địa danh lịch sử, lá cờ trở thành biểu tượng sống động của niềm tự hào dân tộc. Với Gen Z, đó không đơn thuần là một khoảnh khắc để lưu giữ mà là lời khẳng định: tình yêu nước luôn hiện diện trong từng nhịp sống và là một phần không thể thiếu của bản sắc cá nhân.
Bạn Nguyễn Minh Tú (24 tuổi, sinh sống tại TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Thế hệ mình không chỉ giữ lại ký ức về những ngày lịch sử qua sách vở mà còn biết cách làm sống động chúng bằng nhiều hình thức khác nhau. Điều đó giúp Gen Z chúng mình nhớ về quá khứ và cảm nhận được niềm tự hào dân tộc đang sống trong từng khoảnh khắc hiện tại.”
Đặc biệt, trong những ngày TP Hồ Chí Minh rộn ràng chuẩn bị cho lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, các video quay lại những buổi hợp luyện đã “gây bão” trên mạng xã hội. Không cần đợi đến ngày đại lễ, những buổi tập dượt diễu binh với tiếng hô vang rền, bước chân dứt khoát và khí thế hiên ngang của những người lính cũng đủ khiến trái tim Gen Z rung lên đầy tự hào.
Là một gen Z, bạn Trần Văn Trung (20 tuổi, sinh sống tại TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Khi xem những video diễu binh, mình thật sự rất háo hức. Dù chỉ là những buổi tổng duyệt thôi mà đã thấy không khí mạnh mẽ và trang trọng như vậy rồi. Mình chỉ mong đến ngày lễ chính thức, để được chứng kiến và hòa mình vào không khí đó”.
Gen Z vốn quen với nhịp sống hiện đại, nhanh và gấp thì nay bỗng chậm lại trước hình ảnh người lính. Họ dừng tay giữa dòng công việc, học hành để lưu lại một khoảnh khắc: đội hình chỉnh tề, ánh mắt kiên cường, từng bước chân vang dội cả trời chiều. Những video được quay lại bằng chiếc điện thoại cầm tay, không màu mè, không cắt dựng cầu kỳ nhưng lại chứa đựng một điều thiêng liêng.
Đó là sự ngưỡng mộ, là lòng biết ơn, là tình yêu nước được bày tỏ theo cách rất riêng của thế hệ mới. Có những dòng chữ hiện lên trên các video như một lời thủ thỉ nhắc nhau: “Đi đi em. Do dự thì 10 năm nữa mới được coi diễu binh. 40 năm nữa mới được coi duyệt binh”. Những video ngắn ấy, đơn sơ mà xúc động, đã lan toả khắp mạng xã hội. Gen Z xem, chia sẻ và rồi nghẹn ngào trong chính sự bình yên mà thế hệ trước đã đánh đổi biết bao để giữ gìn.
Trong dòng người đổ về TP Hồ Chí Minh để chứng kiến lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, có một chàng trai chọn cách riêng: đạp xe xuyên Việt. Đào Quang Hà (24 tuổi, quê Thái Bình), rong ruổi hơn 1.700 km trên chiếc xe đạp thống nhất của ông ngoại, mang theo một lá cờ tổ quốc, một ba lô, và một lý do giản dị: “Mình rất tự hào là công dân Việt Nam. Chuẩn bị chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này, mình cảm thấy xúc động và biết ơn các thế hệ đi trước”. Hành trình ấy không hề dễ dàng nhưng lại thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ cộng đồng mạng. Lòng yêu nước của một chàng trai 24 tuổi không còn là khẩu hiệu mà hiện ra chân thực, trong ánh mắt, trong mồ hôi và trong từng vòng quay của chiếc xe xuyên Việt.
Tình yêu nước của Gen Z không cần phô diễn mà vốn đã nằm sẵn trong họ, chỉ chờ đúng khoảnh khắc để được bộc lộ. Đôi khi, đó là một bức thư tay gửi lời cảm ơn tới các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Đôi khi, là một bài vlog kể chuyện lịch sử theo phong cách hài hước mà đầy tôn trọng. Có lúc, lại là một bài rap tự sáng tác, đầy khí chất, đậm tinh thần dân tộc. Mỗi hành động nhỏ ấy, ghép lại, chính là một làn sóng yêu nước âm thầm mà mãnh liệt lan tỏa khắp không gian số và chạm tới những nơi sâu kín nhất trong lòng người.
Có thể nói, Gen Z đang viết tiếp câu chuyện yêu nước bằng chính ngôn ngữ của mình, không ồn ào nhưng thấm sâu, không phô trương nhưng đầy chân thành. Trong thời đại mà mọi thứ đều có thể được “viral” chỉ sau một cái chạm thì những giá trị vững bền như lòng yêu nước lại càng cần được nuôi dưỡng bằng sự tỉnh táo, cảm xúc và sáng tạo. Và thế hệ trẻ hôm nay, bằng chính trái tim và hành động của mình, đang chứng minh tình yêu đất nước không bao giờ lỗi thời, chỉ là nó đang khoác lên một hình hài mới hiện đại hơn nhưng vẫn đầy thiêng liêng.