Yêu thương nguồn cội

(Baohatinh.vn) - Cây có cội, nước có nguồn, người có tổ tông. Từ hàng nghìn năm nay, người Việt Nam đã tin rằng, thủy tổ của mình là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân - Âu Cơ, Vua Hùng là Quốc tổ, Phong Châu (Phú Thọ) là đất tổ. Đó là niềm tin thiêng liêng tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn.

Yêu thương nguồn cội

Toàn cảnh Khu di tích Đền Hùng tại TP Việt Trì (Phú Thọ). Ảnh: internet.

Từ thuở khai thiên lập địa hình thành đất nước, 18 đời Hùng Vương đã tập hợp các bộ lạc thành một khối đoàn kết để đấu tranh với giặc giã, thiên tai, mở mang bờ cõi, chinh phục thiên nhiên. Sự tích bánh chưng bánh dày và câu chuyện hoàng tử Lang Liêu dùng sản vật từ bàn tay lao động, gọi tên “trời tròn, đất vuông” và hoa lá cỏ cây để dâng cúng tổ tiên đã minh chứng cho triết lý sâu sắc: Chỉ có lao động mới tạo ra của cải vật chất để lại cho muôn đời. Thần thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh lại phản ánh cuộc đấu tranh với thiên tai của Nhân dân ta. Hình ảnh nước dâng cao bao nhiêu, núi đắp cao bấy nhiêu là hiện thân của những con đê chống lũ lụt bảo vệ làng mạc hàng ngàn năm nay.

Chính sử cũng ghi chép về 18 đời Hùng Vương như sau: “Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long, chăm ban đức huệ để vỗ về yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, không lo can qua chinh chiến, con cháu nối đời đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, trải hơn 2.000 năm; buộc nút dây mà làm chính sự, dân không gian dối, có thể thấy được phong tục thuần hậu quê mùa vậy” (Quyển thủ - Việt giám thông khảo tổng luận - Đại Việt sử ký toàn thư, trang 118). Các Vua Hùng đã đặt quốc hiệu nước ta là Văn Lang.

Yêu thương nguồn cội

Bánh chưng, bánh giầy luôn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Đây là hai loại bánh tượng trưng cho “trời tròn - đất vuông” gắn với tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Báo Phú Thọ

Đời nối đời, người dân Việt Nam giữ niềm tin thiêng liêng và kính trọng, biết ơn các vị vua đầu tiên đã gây dựng nên giang sơn đất nước, bảo tồn nòi giống Rồng Tiên. Bao nhiêu thế kỷ biến thiên của đất trời, đối mặt với thiên tai, giặc giã, từ buổi đầu dựng nước cho đến hôm nay, con cháu Vua Hùng đã phát triển đến trên 96 triệu người, không chỉ “lên rừng, xuống biển” mà còn tỏa đi khắp năm châu. Dẫu cho đi đến góc bể chân trời nào thì họ vẫn luôn hướng lòng về tổ tiên, về cội nguồn dân tộc, luôn có trong huyết quản niềm tự hào sâu sắc về truyền thống cha ông, về nguồn gốc con dân nước Việt. Ngày Giỗ Tổ mùng 10/3 (âm lịch) trở thành một mốc son đáng ghi nhớ của cả dân tộc và của mỗi con người:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba.

Nhắc nhau nhớ về nguồn cội cũng là nhắc nhau sống nhân nghĩa, chính trực, cần cù, dũng cảm, thủy chung son sắt như tổ tiên, ông bà, mẹ cha đã từng sống. Ai không nhớ về tổ tiên là những người vong bản. Nhớ về nguồn cội là phải chung sức vun đắp truyền thống của tổ tiên, yêu thương những người “cùng chung một bọc”, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1954, trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tại đền Giếng trong Khu di tích Đền Hùng, Bác Hồ đã căn dặn:

Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!

Thực hiện ý nguyện của các bậc tiên hiền, tiên liệt hàng ngàn năm và lời di huấn của Bác, hàng triệu người dân Việt Nam đã không tiếc xương máu, dốc hết sức lực và trí tuệ để chiến đấu bảo vệ “cơ đồ mà tổ tiên ta để lại”. Hàng vạn người đã ngã xuống, đem tuổi xuân dâng hiến cho Tổ quốc, hàng triệu người đã lao động không mệt mỏi để xây dựng nên một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, người dân được sống trong thái bình, thịnh vượng như ngày hôm nay.

Nhớ về tiên tổ, yêu đất nước mình, người dân Việt Nam luôn yêu thương nhau. “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, “Giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”: Đó là chân lý, là lẽ sống của người Việt Nam khắp mọi miền quê và nơi xa Tổ quốc.

Yêu thương nguồn cội

Lễ rước linh vị, các vật phẩm cúng tế Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương cùng các Vua Hùng tại Khu di tích Đại Hùng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu

Dễ hiểu vì sao mỗi khi gặp thiên tai, lũ lụt ở miền Trung, hàng triệu người trong và ngoài nước đã hướng về đồng bào bị thiệt hại với những nghĩa cử cao đẹp. Từng đoàn người, đoàn xe hối hả chạy về tâm lũ, những đợt quyên góp nhu yếu phẩm tự nguyện diễn ra rầm rộ với nhiều hình thức; hàng chục tỷ đồng được chuyển qua các tổ chức xã hội để chuyển đến bà con. Dễ hiểu vì sao những mảnh đời bất hạnh nhanh chóng được biết đến và đón nhận sự sẻ chia. Dễ hiểu vì sao trong đại dịch Covid-19, những cụ già 80 tuổi còn góp tiền mua gạo gửi đến khu cách ly tập trung, những em bé góp tiền quà sáng để gửi tới những người lính trên tuyến đầu chống dịch. Nguồn cội yêu thương đã tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn để Việt Nam chiến thắng ngoại xâm và hôm nay lại chiến thắng đại dịch Covid-19.

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…

(Nguyễn Khoa Điềm)

Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để con dân nước Việt khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài hướng về đất nước, tổ tiên, tưởng nhớ và tri ân những người đã “làm nên đất nước muôn đời”. Hiện nay, ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có Hà Tĩnh, đã xây dựng nơi thờ Vua Hùng và giữ gìn tục lệ thờ cúng Hùng Vương. Truyền thống yêu nước, thờ cúng tổ tiên, ông bà, tương thân tương ái được vun đắp và gìn giữ. Hiếm có một đất nước nào nhà thờ họ lại được xây dựng, tôn tạo nhiều như ở Việt Nam. Người ta tìm về cội nguồn dòng tộc, đó là cội nguồn gần gũi nhất. Ai cũng tự hào với liệt tổ liệt tông của mình.

Lời Bác dặn năm nào như còn đó, nhắc nhở hàng triệu cháu con cách tri ân Vua Hùng, các bậc tiền nhân, tri ân các anh hùng liệt sỹ là phải đóng góp dựng xây, gìn giữ đất nước, để mai sau con cháu ta có cơ đồ rạng rỡ, tiếp nối truyền thống ông cha.

Chủ đề GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

Đọc thêm

Ngày càng nhiều người du lịch 'tránh Tết'

Ngày càng nhiều người du lịch 'tránh Tết'

Tết Dương lịch: "Xu hướng xuất ngoại dịp Tết dự kiến tăng trong thời gian tới bởi nhiều du khách muốn tránh áp lực Tết truyền thống cũng như tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ", theo đại diện một đơn vị lữ hành.
5 hoa hậu, á hậu của Miss International 2024

5 hoa hậu, á hậu của Miss International 2024

Hoa hậu Thanh Thủy được nhận xét có gương mặt tựa búp bê, còn á hậu 1 người Bolivia ghi điểm về thần thái, tự tin trong ứng xử tại Miss International 2024.
Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 mang chủ đề "Du lịch Hoà Bình - Kết nối khát vọng xanh" sẽ diễn ra trong các ngày từ 15 - 23/11/2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ ở tỉnh Lâm Đồng nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12, khoe sắc vàng tươi nổi bật giữa không gian cao nguyên mát mẻ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Đường đua phim Việt cuối năm đang trở nên sôi động với các tác phẩm mới dự kiến ra mắt. Những cái tên như "Linh miêu – quỷ nhập tràng", "Công tử Bạc Liêu" hay "Kính vạn hoa" hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu.