“Duyên muộn” của một cựu chiến binh

(Baohatinh.vn) - Thầy giáo Nguyễn Văn Phương đến với nghiệp “bảng đen, phấn trắng” khi đã 30 tuổi. Thế nhưng, trong suốt 20 năm gắn bó với sự học trên vùng đất khó, công sức và tâm huyết của thầy đã góp phần làm rạng danh những mái trường.

Chuyện những người “chèo đò” (Bài 1):

Biến không thành có

Nhà nghèo lại đông con nên sau 5 năm nhập ngũ, người lính trẻ Nguyễn Văn Phương trở về quê hương Phúc Trạch (Hương Khê), vừa làm ruộng, vừa làm bạn với sách bút để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà giáo. Niềm vui vỡ òa sau bao tháng ngày vất vả, năm 1996, anh ra trường và được về công tác ngay tại quê hương - Trường Tiểu học Phúc Trạch 2 (khi đó gọi là Trường Tiểu học Hồng Lĩnh).

Miệt mài phấn đấu và cống hiến, sau 5 năm công tác, thầy Nguyễn Văn Phương được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. Ý thức được niềm vinh dự và cũng xác định trọng trách của mình, ngoài việc chăm lo công tác chuyên môn, thầy còn mạnh dạn đề xuất phương án xây dựng trường chuẩn quốc gia.

duyen muon cua mot cuu chien binh

Thầy Phương thường xuyên thăm lớp, dự giờ để cùng các giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy.

Ngược dòng kí ức về những ngày tháng khó quên ấy, thầy chia sẻ: "Ấy là năm 2001, khi chủ trương xây dựng trường chuẩn vừa ra đời, tôi đã mạnh dạn bàn bạc với chính quyền địa phương và đề đạt nguyện vọng với Sở GD&ĐT. Ngày ấy, khi lên thăm trường, nhiều cán bộ sở đã tỏ vẻ ái ngại với dự định xây dựng trường chuẩn của tôi, bởi thực trạng nhà trường cũng như điều kiện kinh tế của địa phương còn quá khó khăn. Nhận thức được cái khó nhưng với suy nghĩ làm sao để học sinh (HS) ở vùng khó khăn rút bớt khoảng cách vùng miền với bạn bè miền xuôi, càng khiến tôi không thể bỏ cuộc. Sau nhiều cuộc họp bàn với lãnh đạo xã, với các bậc phụ huynh, ý tưởng của tôi đã được mọi người ủng hộ”.

Ngay sau đó, các bậc phụ huynh tham gia lao động, ủng hộ từng xe đá đến bao xi măng hay đơn giản là những thảm cỏ xanh được sớt vội bên bờ ruộng để hình thành nên khuôn viên trường lớp. Cùng với đó, xã trích ngân sách mua sắm các trang thiết bị dạy học. Đặc biệt, Dự án CBRIP hỗ trợ xây dựng hệ thống phòng học... Cứ như thế trong một thời gian ngắn, ngôi trường chuẩn mang tên Phúc Trạch 2 đã được khai sinh.

Đáp lại tấm lòng, niềm mong mỏi của người dân và chính quyền địa phương trên mảnh đất nghèo, tập thể giáo viên nhà trường, dưới sự lãnh đạo của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phương, đã phấn đấu không mệt mỏi trong sự nghiệp dạy chữ, rèn người, để Trường Tiểu học Phúc Trạch 2 ngày càng khẳng định vị trí lá cờ đầu bậc tiểu học cấp huyện và nhiều năm liền được công nhận tiên tiến xuất sắc.

Xóa trường học “3 không”

Năm 2009, thầy Phương được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Trạch, ngôi trường đặc biệt khó khăn với nhiều điểm lẻ được mệnh danh là trường học "3 không": không có giáo viên giỏi, không có HS giỏi và không có bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh. Thầy Phương cho biết: “Ở đây, người dân thường đông con, đời sống nhiều khó khăn; HS không tham gia BHYT. Biết rằng, việc thay đổi thói quen, nếp nghĩ là điều rất khó nhưng sau nhiều suy nghĩ, tôi đã quyết tâm bắt tay thực hiện, việc đầu tiên đó là vận động phụ huynh mua BHYT cho con em”. Nhiều cuộc làm việc với phụ huynh, kêu gọi sự tác động của chính quyền địa phương, cộng với lợi ích thiết thực từ việc đóng BHYT, đã khiến người dân ở đây dần thay đổi nếp nghĩ và tích cực tham gia đóng nộp bảo hiểm cho con em.

Về nhiệm vụ chuyên môn, thầy Phương bắt đầu bằng các hoạt động đổi mới phương pháp dạy, học; sắp xếp công việc phù hợp để mỗi giáo viên có thể phát huy được năng lực, sở trường, đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của anh chị em để kịp thời động viên, chia sẻ. Không phụ niềm kỳ vọng của nhà trường, của người hiệu trưởng tâm huyết, mỗi giáo viên đã nỗ lực để trường giành được những thành tích xuất sắc. Trường đã có thêm nhiều gương mặt giáo viên giỏi. Năm học 2015-2016, cô giáo Đặng Thị Thơm ở Trường Tiểu học Hương Trạch vinh dự trở thành giáo viên duy nhất bậc tiểu học của huyện Hương Khê đạt danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh. Từ đội ngũ thầy cô giáo giỏi và nhiệt huyết, từ sức lan tỏa của phong trào dạy tốt, học tốt, HS Trường Tiểu học Hương Trạch cũng đã bắt đầu vững tin ghi danh mình trên bảng thành tích HS giỏi tỉnh, huyện qua nhiều kỳ thi.

Vài năm trở lại đây, thầy gặp bạo bệnh, sức khỏe giảm sút nhưng tin vui từ những mùa thi HS giỏi, giáo viên giỏi, danh hiệu tập thể lao động xuất sắc của tỉnh trao tặng cho nhà trường... đã giúp thầy phấn chấn tinh thần, tiếp tục gắn bó với sự nghiệp, với HS thân yêu.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt - giáo viên nhà trường chia sẻ: “Trong bước phát triển của nhà trường, sự trưởng thành của mỗi chúng tôi đều thấp thoáng hình bóng và sự nâng đỡ của người thầy, người anh đáng kính. Với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Phương chính là tấm gương mẫu mực, quả cảm trên mặt trận văn hóa và cả trong cuộc chiến với bệnh tật”.

(Còn nữa)

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.