Tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN (bài 1): Những khó khăn, vướng mắc

(Baohatinh.vn) - Tái cơ cấu và cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp (DN) nhà nước là chủ trương lớn, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện, 9 DN thuộc diện CPH, tái cơ cấu trên địa bàn Hà Tĩnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan.

Tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN (bài 1): Những khó khăn, vướng mắc ảnh 1

Sau khi được cổ phần hóa (năm 2002), hoạt động SX-KD của Công ty CP Nước khoáng & Du lịch Sơn Kim có nhiều khởi sắc.

Với những sản phẩm truyền thống chủ lực được chế biến từ ti-tan như: Rutile, Zircon, Ilmenite… Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) được kỳ vọng sẽ làm “nên chuyện” trong số 4 DN nhà nước tham gia CPH. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn ngoài tầm tay bởi vấp phải nhiều rào cản, đặc biệt là nguyên nhân khách quan tác động. Giá Ilmenite trước đó dao động từ 300-320 USD/tấn, nay chỉ còn khoảng 90 USD/tấn. 2 sản phẩm Zircon siêu mịn, Rutin cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Đã vậy, thị trường tiêu thụ lại đóng băng nên Mitraco hiện vẫn tồn kho khoảng 25.000 tấn.

Bên cạnh đó, những bất cập trong văn bản hướng dẫn đã “đẩy” giá tài sản do Nhà nước nắm giữ cao hơn nhiều so với thực tế. “Triển khai đúng vào giai đoạn thị trường biến động lớn nên hiệu quả CPH của Mitraco chưa đạt như kỳ vọng. Bằng chứng cho thấy, các thành viên đã CPH trước đó với điều kiện thuận lợi hơn đã khẳng định hiệu quả như Công ty CP Chăn nuôi đạt mức tăng trưởng cổ tức cao nhất là 70%; Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào đạt trên 25%” - Phó Tổng Giám đốc Mitraco Nguyễn Thị Hà khẳng định

Trước khi chuyển đổi sang công ty cổ phần, cả 2 DN nhà nước hoạt động trong lĩnh vực môi trường là Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh, Công ty Môi trường thị xã Hồng Lĩnh đều đã trải qua giai đoạn chuyển đổi với tên gọi “Công ty TNHH MTV” nên hoạt động có phần “dễ thở” hơn khi “nút thắt” cơ chế bao cấp trước đó đã được gỡ. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh - theo cách phân tích của Giám đốc Nguyễn Duy Bằng là: “Nhà máy chế biến rác ở Cẩm Quan đang bị trừ khấu hao rất lớn do vốn đầu tư được định giá là 157 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí sản xuất giá phân vi sinh, gạch không nung từ rác thải rất cao, tiêu thụ ít nên… lỗ nặng”.

Khác với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh ở chỗ thực hiện xử lý rác bằng phương thức chôn lấp nên Công ty Môi trường Hồng Lĩnh hoạt động thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cái khó của DN này lại ở chỗ, bộ đơn giá về chi phí trong công tác môi trường do UBND tỉnh xây dựng lại không được áp dụng một cách triệt để nên thiệt hại rất lớn. Bên cạnh đó, việc ký kết hợp đồng thu gom rác giữa DN với các đơn vị theo quy định là trước ngày 31/12 hàng năm, nhưng thực tế lại kéo dài đến tháng 5 năm sau nên công ty không xây dựng được kế hoạch và có khi lại bị “vỡ” kế hoạch.

Nhà máy nước tinh khiết và đá lạnh mang lại nguồn thu đáng kể cho Công ty CP Cấp nước & Xây dựng Hà Tĩnh sau CPH

Nhà máy nước tinh khiết và đá lạnh mang lại nguồn thu đáng kể cho Công ty CP Cấp nước & Xây dựng Hà Tĩnh sau CPH

Đặc biệt, đối với Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh thì đây là giai đoạn khó khăn nhất. Cách đây 3 năm (2012), dù giá nước được điều chỉnh nhưng công ty vẫn rơi vào tình trạng “thu không đủ chi”. Từ đó đến nay, giá nước vẫn giữ nguyên trong khi các yếu tố “đầu vào” khác như: điện, phí nước thô, phí trả dịch vụ môi trường rừng lại “chuyển động” mạnh. Vì vậy, năm 2014, công ty lỗ xấp xỉ 9 tỷ đồng. Năm 2015, còn tồi tệ hơn khi dự báo lỗ trên 21 tỷ đồng.

Những yếu tố bất lợi như phân tích đã kìm hãm hiệu quả hoạt động SXKD của 4 DN được CPH vào đầu năm 2014. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, trong quá trình CPH, cả 4 DN đều không có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nên hiện tại các thành viên hội đồng quản trị là người đảm nhận chức năng điều hành DN. Hay nói cách khác là giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng không có sự thay đổi, điều này chưa thực hiện đúng văn bản hướng dẫn và đặc biệt còn giảm hiệu quả SXKD.

Đáng mừng là cho đến nay, tình trạng người lao động bị mất việc làm chỉ xảy ra tại 2 DN nhà nước tái cơ cấu là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Chúc A, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn. Trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Chúc A từ chỗ trên 100 lao động đến nay chỉ còn 30 lao động; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn từ trên 500 lao động có việc làm ổn định nay chỉ còn lại 150 người.

Theo lộ trình, trong năm nay, Công ty TNHH MTV Đăng kiểm Hà Tĩnh triển khai CPH. Tuy nhiên, “khó ở chỗ CPH là DN phải hoạt động và tuân thủ Luật DN, trong khi người lao động bắt buộc phải là… người nhà nước. Như vậy chẳng khác nào “mình Ngô, đầu Sở”. Đó là chưa nói đến khi đã cổ phần thì đương nhiên phải chú trọng lợi nhuận. Điều đó có nghĩa là việc chấp hành các quy định bị nới lỏng”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đăng kiểm Hà Tĩnh - Võ Ngọc Sơn nêu những bất cập đối với DN khi tham gia CPH.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast