Gặp lại Nhà thơ Lê Duy Phương

Ông đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong cuộc đời mình như Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh, Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư Hà Tĩnh nhưng danh vọng ấy ông ví “như vị khách quý đến rồi đi” còn “nàng thơ” thì thủy chung với ông mãi mãi. Đây là một lời nói rất thật đối với nhà thơ Lê Duy Phương đã bước vào tuổi thất thập.

Nhà thơ Lê Duy Phương
Nhà thơ Lê Duy Phương

Trong số báo Hà Tĩnh ra vào dịp tháng 8/2012 chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, nhà thơ Lê Duy Phương có vài dòng cảm tưởng ngắn nhưng đầy ấn tượng. Ông nhắc lại tên tuổi từng nhà lãnh đạo, thư ký và những phóng viên một thời gian khổ mà sâu nặng đầy tình người ấy. Nhà thơ Lê Duy Phương nhận Báo Hà Tĩnh là “ngôi nhà thứ ba” của ông. Càng xúc động hơn trong ngày họp mặt của lễ kỷ niệm tại hội trường Tỉnh ủy Hà Tĩnh, dập dìu quan khách, nườm nượp xe cộ, ông một mình một túi vải đơn sơ, chiếc áo màu ghi cộc tay giản dị và ngang lưng có kèm theo một máy ảnh kỹ thuật số.

Ông nói vui với bạn bè giữa đám đông: “Mình làm thơ chứ đâu phải dân phó nháy nhưng nhờ công nghệ kỹ thuật số thời mới là một dịp hiếm để ghi lại những gương mặt thân quen, ghi lại người và cảnh một thời gắn bó”.

Anh Văn Thơn, Duy Cương, Văn Quyền, Dương Huy, Duy Thảo, Khắc Hiển - những bạn báo, bạn thơ gặp lại Lê Duy Phương mặt nhìn mặt, tay cầm tay, mừng mừng tủi tủi. Thời gian vun vút quá, ngoảnh lại ai cũng tóc bạc lốm đốm trên đầu. Nhưng có một điều tôi bắt gặp được “nụ cười của họ rất trẻ trung”. Riêng nhà thơ Lê Duy Phương vẫn sôi nổi như xưa, tuy sức khỏe vài năm gần đây có hơi yếu nhưng ông vẫn đủ bản lĩnh vượt lên chính mình bằng rèn luyện thể chất, chế độ ăn uống hợp lý, đặc biệt là sự nghiệp thơ văn ông vẫn còn ấp ủ và say mê sáng tạo những tác phẩm mới.

Tôi nhìn ông vẫn vầng trán cao rộng, vẫn đôi mắt sâu và đôi lông mày rậm như thưở nào, vẫn giọng nói hài hước dí dỏm có pha chút ngang tàng của Tướng công uy viễn Nguyễn Công Trứ khiến người gặp khó quên. Tôi nghĩ đó là phong cách riêng của Lê Duy Phương, một con người yêu ghét rạch ròi và đối với “nàng thơ” thì bao giờ cũng đón nhận một tình cảm mới mẻ, đằm thắm và tinh tế.

Nhắc đến nhà thơ Lê Duy Phương bỗng dưng nhiều kỷ niệm về ông lại ùa về trong tâm trí tôi. Lần đầu tiên tôi được nghe bài thơ “Học cấy” của Lê Duy Phương do thầy giáo Lê Thái Phong đọc. Bài thơ có hai câu nổi bật được thầy giáo tôi khen “Em ơi đời không chăng dây. Nhưng nhớ đứng vào vị trí”. Hồi ấy các hợp tác xã nông nghiệp có phong trào “lúa cấy chăng dây thẳng hàng”. Một tứ thơ lạ vụt lên nói về cây lúa trên ruộng nước, nhưng lại nhắc nhở tuổi trẻ phải biét sống tuân theo quy luật, phải biết hòa nhập môi trường, biết khép mình vào tổ chức.

Là một người đã yêu thơ từ nhỏ nên tôi rất quý trọng những bài thơ như thế. Rồi vào một đêm tháng chạp năm 1974, đêm ở trung du đã vào khuya, cánh lính trẻ chúng tôi vẫn ôm đài để nghe buổi tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam phát vào tối chủ nhật. Sau bản nhạc đàn bầu du dương, sâu thẳm bổng dưng tôi nghe nghệ sĩ Kim Cúc ngâm bài thơ “Bắt đầu từ đó” của Lê Duy Phương. Một bài thơ dài nhưng giàu chất trử tình, đầy ắp hơi thở cuộc sống. Bài thơ có sức sống mãnh liệt động viên hàng trăm các chàng trai cô gái thời bấy giờ lên với ngàn xanh đưa sức trẻ xây dựng nông trường. Tuyên ngôn của tuổi trẻ đã được nhà thơ Lê Duy Phương nói hộ:

Chúng tôi bắt đầu từ đó

Đi đến những dự định mai sau

Cho đồng cỏ Thầu Đâu

Trâu nhiều như sim tháng sáu

Bò nhiều như dâu tháng ba

Như một cái duyên kỳ ngộ của người yêu thơ hồi đó, trong một buổi đàm đạo thơ với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhắc tới một số cây bút trẻ Hà Tĩnh xuất hiện trên văn đàn những năm cả nước sôi sục chống Mỹ như Xuân Hoài, Diệu Chi, Minh Nho, Hà Quảng, Vũ Duy Thông, Duy Thảo, Nguyễn Quốc Anh, Lê Duy Phương.. Tôi nói với anh Tạo thơ Lê Duy Phương vẫn có nét trội riêng, vừa lấy hình ảnh gợi cảm xúc nhưng không bao giờ dàn trải. Bỗng dưng Nguyễn Trọng Tạo bảo: “Mình vừa được anh Phương biếu tập thơ đầu tay đây này”. Thế là Nguyễn Trọng Tạo rút ngay trên chồng thơ gối đầu giường, tập thơ “Bắt đầu từ đó” in chung với Lê Xuân Dụ. Thấy tôi mân mê anh Tạo cho mượn về nhà đọc.

Tháng 8 năm 1978, tôi rời quân ngũ về làm phóng viên tập sự Báo Nghệ Tĩnh trước khi bước giảng đường đại học. Lúc này cơ quan Báo Nghệ Tĩnh đã chuyển từ Phong Toàn ra khu liên cơ nên phòng ở thiếu, tôi phải tá túc tạm phòng làm việc của anh Liêm - Phó Tổng biên tập. Thời ấy phải ăn mì hạt thay cơm, nhưng vượt lên cơm áo là tình người, tình bạn, tình đồng chí. Chao ôi phòng anh Liêm, anh Duy Thảo bao giờ cũng nườm nượp khách thơ. Riêng Nguyễn Quốc Anh và Lê Duy Phương ít nhất mỗi tuần cũng “đáo” qua phòng anh Liêm, anh Thảo một lần.

Họ tề tựu với nhau không phải là “chén tạc chén thù” bồi dưỡng dạ dày buổi đói kém mà đọc cho nhau nghe những sáng tác nóng hổi vừa mới ra từ cái “lò cảm xúc”. Chả thế mà nhà thơ Tùng Bách đã rỉ tai tôi đùa tếu: “Lão Lê Duy Phương ấy à, làm được bài thơ nào lão cũng “nhảy hàng rào” Sở kế hoạch Hà Tĩnh sang ép Duy Thảo và Nho Liêm in bằng được..”. Tôi lúc đó tuổi đời còn rất trẻ tính bồng bột thơ ngây, cứ tin đó là sự thật nên về hỏi lại Duy Thảo: “Có phải ông Phương thường hay ép anh in thơ không ?”. Không ngờ bị Duy Thảo nổi đóa quát tôi một trận tơi bời.

Ông Thảo ngồi giải thích cho tôi gần cả tiếng đồng hồ rằng làm thư ký rất công tâm, không ai ép được mình cả. Tình cảm bạn bè là nhân nghĩa thủy chung, nhưng không vì thế nể nang nhau để đưa thơ lên mặt báo. Thơ in báo Đảng còn có một đặc thù riêng nữa phải mang tính thời sự cao. Trải qua hơn ba thập kỷ, trải nghiệm nhiều về nghề báo nghiệp thơ, hiểu thêm về thân thế sự nghiệp của Lê Duy Phương càng thấm thía với trận “đòn oan” hôm đó. Tôi ngẫm lại Lê Duy Phương là cây bút viết thơ phục vụ thời sự vào loại tiên phong nhất. Chính vì thế những lúc tòa soạn cần ông đáp ứng được ngay.

Không những Báo Hà Tĩnh mà kể cả Báo Văn Nghệ, Tiền Phong thơ ông cũng được in nhiều. Bài thơ không thời sự với Lê Duy Phương thì thông qua tứ thơ tìm đến một cách nói mới. Thơ Lê Duy Phương lại đặc biệt không lên gân hô hào và rất ít sạn về câu chữ. Năm 1988, hưởng ứng cuộc vận động “Những việc cần làm ngay” do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn linh khởi xướng, Báo Nghệ Tĩnh ra thêm tờ Nghệ Tĩnh chủ nhật. Hồi ấy công nghệ in còn lạc hậu, việc ấn loạt đâu phải đẹp như bây giờ. Khó khăn tới mức tòa soạn không có tiền nhuận bút để trả cho cộng tác viên, thế nhưng được bài đăng lên Báo Nghệ Tĩnh chủ nhật ai cũng thấy tự hào và phấn khởi. Trang văn nghệ của tờ Báo Nghệ Tĩnh chủ nhật hồi ấy cũng đầy hơi thở “những ngày thường đã cháy lên”. Cùng với bài thơ “Với người tù hôm nay” của cố nhà thơ Xuân Hoài, Lê Duy Phương đã sáng tác và gửi ngay cho toà soạn bài thơ “Dây Vàng”. Tôi còn nhớ anh Liêm nói với Duy Thảo: “Anh đọc kỹ rồi, bài thơ hay, em đưa ngay cho Minh Thông họa sĩ mi để in sớm”. Quả nhiên khi báo phát hành bài thơ được nhiều đọc giả yêu thích. Riêng tôi bây giờ vẫn còn in sâu trong trí nhớ bài thơ này:

Vàng đeo vào cổ em

Sợi dây chuyền bé nhỏ

Nếu phóng lên ngàn lần

Cũng giống xiềng xích đó

*

Xiềng xích không đáng sợ

Khóa sao nổi con người

Nhưng dây vàng bé nhỏ

Thắt chết người như chơi

Bây giờ gặp lại nhà thơ đã bước vào tuổi thất thập tôi đọc lại cho tác giả nghe những bài thơ như “Được mùa”, “Lên xanh” in trên Báo Hà Tĩnh năm nào khiến ông xúc động không nói được nên lời. Ông ngồi kể cho tôi và bạn bè kỷ niệm bài thơ đầu tiên in trên Báo Hà Tĩnh năm 1973 là bài “Nơi dấu xe”. Không ngờ tờ Báo Hà Tĩnh nhà thơ Tố Hữu lại đọc khen hay và đưa sang giới thiệu Báo Văn Nghệ, anh Phạm Hổ biên tập cho đang vào “trang thơ dự thi” do báo Văn Nghệ tổ chức. Chẳng thể ngờ bài thơ “Nơi dấu xe” được giải khuyến khích.

Hôm ra nhận giải tại Hà Nội được báo Văn Nghệ mở tiệc chiêu đãi tại khách sạn Hòa Bình. Lê Duy Phương thêm niềm vinh dự nữa được ăn cơm cùng mâm với nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Chế Lan Viên. Sau buổi tiệc tan, nhà thơ Tố Hữu mời ông lên xe con tới nhà mình chơi. Một buổi gặp ngắn ngủi với nhà thơ Tố Hữu nhưng những lời bảo ban ân cần của Tố Hữu đã trở thành lẽ sống, niềm tin trong suốt cuộc đời làm cán bộ và nghiệp làm thơ của ông.

Lê Duy Phương tự bạch với tôi: "Tất nhiên, trong cuộc đời làm thơ không phải bài nào cũng thành công cả, có bài hay bài dở và có bài trung bình. Mình cũng có một dạo, một số người ở Hà Tĩnh chẳng ưa mình lắm vì trước nghị trường mình là người hay phất biểu, hay phản biện và cũng không chịu luồn cúi ai nên khi đăng chùm thơ trên Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh một số người tung ra trước dư luận, chùm thơ này Lê Duy Phương có “vấn đề về tư tưởng”. Chưa hết ,còn chuyện tập hồi ký “Xứ Nghệ trong tôi” hay chuyện ngắn “Nghé và trâu” một số kẻ la lên “Ông Phương này thâm thúy thật, cậy thế mình làm được văn chương thơ phú “chửi” không chừa ai?. Nhưng chỉ là bên lề dư luận thôi còn không ai tới sờ gáy và bắt mình điều trần cả..”.

Những tác phẩm ông vừa kể tôi đã đọc kỹ và xem ra nhà thơ Lê Duy Phương vẫn có tầm tư tưởng lớn và con người dám nói lên sự thật mà mình chứng kiến. Tuy nhiên tập hồi ký “Xứ Nghệ trong tôi’ văn ông vẫn còn có những hạt sạn, điều này dễ thông cảm cho Lê Duy Phương vì ông chưa quen viết hồi ký bao giờ.

Trong giới làm thơ ở Hà Tĩnh nhà thơ Lê Duy Phương một trong những người thủy chung với thơ đến trọn đời. Vì niềm đam mê thơ, nên với thơ đã trở thành bộ “môn thể thao trí tuệ” giúp ông quên tuổi tác, quên bệnh tật và quên đi những đợt sóng dâu bể cuộc đời, để nhìn đời bằng “con mắt non xanh”.

Nhà thơ Lê Duy Phương đến tuổi thất thập đã cho ra mắt bạn đọc 15 tập thơ trong đó có 4 tập thơ thiếu nhi. Ông còn khoe với tôi năm 2012 này nhà xuất bản Kim Đồng đã chọn một số bài viết của ông để làm để tuyển tập thơ thiếu nhi. Ông đã 2 lần nhận giải thưởng thơ Báo Văn Nghệ, giải thưởng thơ của các ngành, của trường đại học và của các địa phương. Nhưng ông vẫn quan niệm rằng cao hơn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà ông đã “đứng vào vị trí’’ và các giải thưởng ban bố chính là đọc giả. Ông còn không ngừng sáng tạo khi những bài thơ được in có nhiều người đọc thơ ông và nhớ thơ ông.

Tháng 9 - 2012

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast