Vĩnh biệt “nhà Minh Mạng học” Mai Khắc Ứng

(Baohatinh.vn) - Buổi chiều, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn của bạn tôi: “Bác mình, nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng đã qua đời tại Canada rồi”. Không quá ngạc nhiên bởi tôi biết về bệnh tình của nhà sử học người Hà Tĩnh đã lâu nhưng tin báo về sự ra đi của ông khiến tôi rất đỗi ngậm ngùi, tiếc nuối…

Vĩnh biệt “nhà Minh Mạng học” Mai Khắc Ứng

Nhà nghiên cứu văn hoá Huế, Mai Khắc Ứng với gương mặt trầm tư như luôn có Huế ở trong tâm (ảnh gia đình cung cấp)

Vĩnh biệt “nhà Minh Mạng học” Mai Khắc Ứng

Không quá nhiều kết quả hiện ra khi gõ tên Mai Khắc Ứng trên công cụ tìm kiếm Google, nhưng nhà nghiên cứu văn hoá Huế, nhà sử học Mai Khắc Ứng là một tên tuổi có tiếng trong giới nghiên cứu được nhiều người trân trọng, ngưỡng mộ. Sinh ra ở Tân Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) nhưng ông lại sớm ly quê và chịu nhiều hệ luỵ của lịch sử. Sau những tháng năm sống khổ cực ở Hà Nội, như một cơ duyên, năm 1980, ông chuyển công tác vào Huế và trở thành nhà nghiên cứu văn hoá Huế rất đặc biệt.

Quá trình nghiên cứu văn hoá Huế của ông gắn liền với nhiều nội dung, đề tài nhưng để lại dấu ấn sâu đậm nhất chính là những nghiên cứu về Triều Nguyễn. Những công trình khảo cứu của ông về Triều Nguyễn đã trả lại cho vương triều này những giá trị đã bị lãng quên, thậm chí đảo ngược.

Với tâm niệm “các vương triều đi qua, nhưng văn hóa còn lại”, Mai Khắc Ứng đã lặng lẽ kiếm tìm và dũng cảm công bố những kết quả nghiên cứu của mình. Những tác phẩm biên khảo của ông về Triều Nguyễn đều được giới nghiên cứu đánh giá cao và trân trọng tấm lòng của ông đối với lịch sử. Qua các tác phẩm ấy, công lao của nhà Nguyễn đối với giang sơn như tên gọi, quá trình mở mang bờ cõi đã được nhìn nhận và đánh giá đúng. Như những dòng thơ ông viết: “Hàng bia đứng đó một thời/ Vinh danh một thời đất nước/ Cháu con một thời từ khước/ Bớt say biết trở về tìm”.

Vĩnh biệt “nhà Minh Mạng học” Mai Khắc Ứng

Nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng trong lần về quê Hà Tĩnh (ảnh gia đình cung cấp)

Ở Huế, nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng còn được coi là “nhà Minh Mạng học” khi ông dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để tìm hiểu về cuộc đời và những cống hiến của vị vua sáng giá nhất triều Nguyễn này. 2 cuốn sách "Lăng của Hoàng đế Minh Mạng" (1993) và "Chính sách khuyến nông dưới thời Minh Mạng" (1996) đã khẳng định, qua tất cả bể dâu lịch sử, Minh Mạng là một nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng qua thời gian dài nghiên cứu đã nhận ra tầm cao kiến văn của vua Minh Mạng. Minh Mạng chính là vị vua tài ba lỗi lạc, cố đô Huế chính là do vị vua có tư duy văn hóa đặc biệt ấy tạo dựng nên. Trong quá trình nghiên cứu về vua Minh Mạng, ông còn may mắn tìm được cách giải mã thơ Minh Mạng khắc ở Hiếu Lăng mà hàng trăm năm nay các nhà nghiên cứu đang loay hoay tìm kiếm. Có lẽ đó là một trong những cơ duyên đặc biệt của ông với triều Nguyễn và vua Minh Mạng.

Những năm tháng cuối đời, dù không muốn xa Huế nhưng nhà nghiên cứu văn hoá Huế Mai Khắc Ứng phải sang sống cùng con gái ở Canada do bị bệnh ung thư. Ngày ông mất ở tuổi 84 (28/7/2018), chị Mai Diệu Linh (con gái nhà nghiên cứu) đã viết thư gửi bạn của bố là nhà văn Ngô Minh để báo tin và cho biết: “Có thể năm sau gia đình sẽ đưa bố về Huế để an nghỉ ở ngôi mộ mà bố đã chuẩn bị sẵn ở đồi Linh Mụ”. Đó là tâm nguyện của ông khi còn sống bởi ông đã được sinh ra để dành cho Huế.

Vĩnh biệt “nhà Minh Mạng học” Mai Khắc Ứng

Nhà sử học Mai Khắc Ứng cùng với các em ruột của mình tại quê nhà Tân Lộc - Lộc Hà - Hà Tĩnh (ảnh gia đình cung cấp)

Nhà nghiên cứu văn hoá, nhà sử học Mai Khắc Ứng sinh thời là một người gần gũi. Trong tất cả những bức ảnh của ông, dù là lúc nghiêm trang lẫn lúc ông cười rạng rỡ, tôi luôn nhìn thấy một cố đô Huế trầm tư trong ánh mắt của ông. Và mái tóc lẫn chòm râu bạc trắng của ông như cũng phản ánh nỗi hoài mong cố hương, niềm hoài nhớ về người ông, người cha đã khuất, về những người em ruột đã lạc nhau trong nhiều năm dài tao loạn…

Bây giờ thì ông già râu bạc ấy đã bình yên về miền cực lạc. Dẫu ông được mai táng ở quê người nhưng nơi quê nhà Hà Tĩnh và ở Huế, anh em họ hàng và bạn bè đã lập bàn thờ làm lễ tang cho ông. Cả một đời dũng cảm, kiên tâm đi tìm và trả lại những giá trị lịch sử của triều Nguyễn đã khép lại. Những dự định còn dang dở về văn hoá Huế cũng đã khép lại. Nhưng tôi tin rằng, cuộc đời nghiên cứu của ông, thái độ làm việc đầy trách nhiệm của ông đối với lịch sử vẫn luôn là một tấm gương sáng cho thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ.

Một số tác phẩm đã xuất bản của nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng:

· Quê hương người áo vải (biên khảo, Sở Văn Hóa Thông Tin, Nghĩa Bình, Quy Nhơn, 1986)

· Huế vài nét Cố Đô (biên khảo, Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn, Sài Gòn, 1990)

· Lăng Hoàng đế Minh Mạng (biên khảo, Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội 1993)

· Chính sách khuyến nông dưới thời Minh Mạng (biên khảo, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1996)

· Tư liệu về Nguyễn Công Trứ, (biên khảo, Hà Tĩnh 2001)

· Khiêm Lăng và vua Tự Đức (biên khảo, Huế 2004)

· Đôi điều về Nguyễn Công Trứ (biên khảo, Hà Nội 2004)

· Bản lĩnh bản sắc các dân tộc Việt Nam (biên khảo, nhiều tác giả, Hà Nội 1979)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast