Nhà sử học tâm huyết với lịch sử triều Nguyễn

(Baohatinh.vn) - Ông sinh năm Giáp Tuất (5/1/1935) ở xã Tân Lộc (Lộc Hà - Hà Tĩnh). Ông thường xuyên lui tới Lăng Minh Mạng. Ở Huế, người ta gọi ông là “Nhà Minh Mạng học”. Mỗi lần người Nhật Bản sang giúp Huế trùng tu di tích lăng, ông đều được mời làm cố vấn...

Dường như, sự nghiệp nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế của ông gắn liền với Minh Mạng, vị vua sáng giá nhất trong 13 vua triều Nguyễn, với 2 cuốn sách xôn xao giới sử học cách đây hơn 10 năm: Lăng của Hoàng đế Minh Mạng (1993) và Chính sách khuyến nông dưới thời Minh Mạng (1996). Đó là nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa Huế - Mai Khắc Ứng.

Ông sống giản dị, vui tính, luôn niềm nở với mọi người. Có lần mời tôi đến nhà uống rượu, ông làm thơ gửi qua bưu điện hướng dẫn đường đi từ cầu Bạch Hổ lên chùa Thiên Mụ: Mời lên tịnh xá mà chơi/ Có con mái ghẹ ham “thời” nhà thơ/ Một thằng “chống gậy” lơ mơ/ Cùng bầy tướng tá “Hu đơ” (bia Hu-da) lỡ thì/ Vượt cầu Bạch Hổ mà đi/ Qua Kim Long miết đến khi đụng Chùa/ Hỏi thằng râu trắng nơi mô/ Thêm ba chục bước là vô thấu nhà...

Từ sau 1954 đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ở miền Bắc cũng như cả nước sau này, thầy giáo lịch sử nào cũng dạy học trò là Triều Nguyễn “bán nước”, “cõng rắn cắn gà nhà”… mà quên mất rằng, chính tên nước Việt Nam thân yêu mà ta đang gọi hôm nay và một nửa non sông hình chữ S đều do công lao của vua chúa Nguyễn mà có! Những năm tháng ấy, nhà sử học Mai Khắc Ứng đã lặng lẽ đi tìm lại lịch sử để đánh giá một cách khách quan công lao triều Nguyễn. Quả là dũng cảm và đầy trách nhiệm trước lịch sử! Ông khẳng định: “Các vương triều đi qua, nhưng văn hóa còn lại. Qua tất cả bể dâu lịch sử, Minh Mạng vẫn còn lại với chúng ta ngày nay như một nhà văn hóa lớn”.

Mai Khắc Ứng đã nhận ra tầm cao kiến văn của vua Minh Mạng, kiến trúc sư có tư duy văn hóa hùng mạnh đã tạo dựng nên trung tâm Huế, chính là di sản văn hóa thế giới ngày nay. Dường như lịch sử đã chọn Mai Khắc Ứng để bày tỏ. Đọc 2 cuốn nghiên cứu vua Minh Mạng của Mai Khắc Ứng, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thốt lên: “Mai Khắc Ứng đã đặt bàn tay đúng chỗ: Đánh giá lại vị trí lịch sử của nhà Nguyễn. Đây là một công bằng lịch sử không thể không làm, là “trả lại cho Xê-da những gì là của Xê-da”.

Đã 15 năm sau khi các tập nghiên cứu về vua Minh Mạng của Mai Khắc Ứng ra đời, giới sử học và người đọc ngày càng hiểu chính kiến và tấm lòng của ông, càng quý ông. Mai Khắc Ứng cũng đã cho xuất bản nhiều tập khảo cứu quan trọng về triều Nguyễn như: Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế (đồng tác giả), Tư liệu về Nguyễn Công Trứ (2001), Khiêm Lăng và Vua Tự Đức (2004), Thăm chùa Thiên Mụ, Đôi điều về Tồn Chất Nguyễn Công Trứ...

Mai Khắc Ứng là người đã phát hiện ra cách giải mã những ô thơ khắc ở Hiếu Lăng (Lăng Minh Mạng). Vua Minh Mạng rất giỏi thơ, sành thơ và say thơ. Tại Viện Hán Nôm hiện còn lưu giữ 36 tập thơ văn Minh Mạng, khoảng 12.000 trang A4 với hàng chục ngàn bài thơ viết bằng chữ Hán.

Thời Minh Mạng là thời sinh ra thế hệ thơ “thất thịnh Đường” với nhiều tên tuổi lừng danh như: Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Trứ, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương... Vua Minh Mạng làm thơ về giang sơn gấm vóc, về ruộng đồng, nghề nông... Thơ Minh Mạng được khắc vẽ ở điện Thái Hòa, lầu Ngọ Môn, đặc biệt là ở Hiếu Lăng. Có thể nói, Lăng Minh Mạng là một bảo tàng thơ, bảo tàng tâm hồn của nhà vua! Thơ được khắc thành từng ô chữ trong từng dải liên ba, cổ diềm trên 4 công trình kiến trúc chính của lăng là Bi Đình, Hiển Đức Môn, Sùng Ân Điện, Minh Lâu! Số thơ ở Hiếu Lăng lên đến trên 120 bài tứ tuyệt được khắc từng câu thành 500 ô chữ tách biệt.

Hàng trăm năm nay, các nhà nghiên cứu đã rất băn khoăn mỗi khi đọc những câu thơ chữ Hán riêng biệt, vì nó chỉ một câu riêng biệt, bí ẩn, không hiểu ý nói gì. Mai Khắc Ứng qua thời gian dài nghiên cứu, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, đã tìm được mối liên hệ và cách xếp các ô chữ đó thành những bài thơ tứ tuyệt theo đúng luật lệ của cấu trúc và ngôn ngữ thơ Đường. Việc tìm ra quy luật giải mã thơ Minh Mạng khắc ở Hiếu Lăng thật tình cờ.

Ông kể: “Một hôm, tôi bắt gặp ở lầu Minh Lâu 4 câu thơ nằm rải rác ở 4 ô chữ. Đối chiếu với bài thơ tôi chụp ở Viện Hán Nôm thì 4 câu thơ này chính là bài thơ tứ tuyệt của vua Minh Mạng khắc ở nóc lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn)”. Thế là chìa khóa giải mã được tìm ra! Tuy nhiên, hiện có rất nhiều câu thơ trên các ô pháp lam trang trí ở cổ diềm Nhà Bia, ông bảo, chưa ghép được. Có thể do rơi vỡ, thất truyền hoặc qua các thời kỳ trùng tu vô ý đặt sai chỗ!

Điều đáng trân trọng là vua Minh Mạng đã khắc thơ về nghề nông lên nơi yên nghỉ ngàn đời của mình! Ở điện Sùng Ân có bài thơ tả xóm thôn giàu có sung túc: Vụ thu thóc đã đầy kho/ Ngoài đồng mùa hạ lúa ngô bời bời/ Không lo lính thú nên vui/ Say sưa đập đất hát bài nhà nông. Hoặc bài thơ viết về thôn quê trù phú, thanh bình như một ước vọng ngàn đời: Màu mỡ đất thêm mùa/ Thuế nhường, dân khá giả/ Làng xóm ít mưu ma/ Ruộng đồng dân hể hả.

Nhà sử học Mai Khắc Ứng năm nay đã 79 tuổi. Ông đẹp lão. Tóc, râu trắng dài như cước. Đôi mắt sáng thông minh, lanh lợi và nụ cười luôn nở trên môi. Những cuộc đi nước ngoài, dù được gần con cái, mở rộng tầm nhìn, nhưng dường như không hợp với tâm trạng của ông. Nên ông dành nhiều thời gian để nghĩ về “sự đời” mà mình từng trải. Sểnh nhà làm cuộc lênh đênh/ Tha phương trôi giữa bồng bềnh tháng năm. Những nghĩ ngợi đó của ông dồn vào một tập thơ dày mà ông gọi là “ký sự vần” được đặt tên là Dọc thời tôi, gồm những phần thơ tập trung vào những chủ đề nhất định. Đó là những suy tư mang tính trào lộng, vui đùa với thế sự...

Hội Nhà văn TP Huế

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...