1.000 hộ dân Thạch Bàn khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt

(Baohatinh.vn) - Mặc dù không còn ở thời kỳ cao điểm của nắng nóng, hạn hán và thời gian gần đây đã có nhiều đợt mưa lớn, nhưng hơn 1.000 hộ dân ở xã Thạch Bàn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) vẫn đang phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

1 000 ho dan thach ban khon kho vi thieu nuoc sinh hoat

Bể chứa nước đầu nguồn công trình cấp nước tự chảy khe Hao bị sập đáy

Đến thôn Vĩnh Sơn, vào tầm 4-5h chiều hoặc lúc mờ sáng, nhiều người sẽ không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng trăm con người đang chầu chực tại bể chứa nước công cộng trong thôn để “chắt” từng giọt nước phục vụ sinh hoạt cho cả gia đình. Do nước sạch khan hiếm, nên người dân ở đây chỉ dám sử dụng vào những nhu cầu thiết yếu như nấu ăn, uống, còn tắm giặt và sinh hoạt khác hoàn toàn “nhờ trời mưa” hoặc nước giếng khoan. Tuy nhiên, Thạch Bàn là vùng biển ngang, nhiễm phèn nặng nên nước giếng khoan cũng không phục vụ được nhiều trong sinh hoạt hàng ngày.

“Nguồn nước bị nhiễm phèn, mọi vật dụng trong nhà như xoong, bát, cốc chén… đều bị đổi màu. Thậm chí, khăn lau mặt, quần áo đều hoen ố vì nước giếng. Không riêng gì xóm này mà cả xã đều thế. Nhà may mắn thì lọc được, có nhà nước đục vàng, đóng váng không thể lọc, vẫn phải dùng ăn uống. Mưa nhiều may ra còn đủ nước dùng, nắng hạn mới khổ”, ông Nguyễn Văn Cung - Trưởng thôn Vĩnh Sơn cho biết.

Cũng theo ông Cung, trước đây, nước giếng khoan không sử dụng được nhiều, song vẫn còn có để dùng. Nhưng từ năm 2012, khi bóc đất tầng phủ mỏ sắt Thạch Khê xuống -18m thì nguồn nước ngầm cũng gần như bị mất, phải khoan sâu hàng chục mét mới có nước.

1 000 ho dan thach ban khon kho vi thieu nuoc sinh hoat

Bể chứa nước của thôn Vĩnh Sơn hư hỏng và khô cạn.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hải cho biết: “Xã Thạch Bàn thuộc vùng bãi ngang, thiên nhiên khắc nghiệt. Đặc biệt, 2 thôn vùng trong gần cửa lạch sông Cửa Sót, bao đời nay, mạch nước ngầm nhiễm mặn, không thể sử dụng. Năm 2006, người dân được dùng nước từ dự án công trình nước tự chảy khe Hao, nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, bởi đã 2 năm nay, công trình bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Bể đầu nguồn sập đáy, hệ thống thu gom nước bị hỏng, đường ống dẫn nước bị nứt, vỡ… không đủ nước phục vụ nhân dân. Đến nay, hầu như các bể chứa nước tập trung tại các thôn đều khô cạn và hư hỏng. Chỉ thôn Vĩnh Bình gần nguồn mới có nước, 3 thôn còn lại phải sống trong cảnh “nhờ trời”.

Cũng theo ông Hải, cách đây 2 năm, dự án Nhà máy nước Thạch Bàn đã được lập dự toán, tư vấn thiết kế với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng từ nguồn 946 (Đề án phát triển bền vững KT-XH các xã chịu ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê - Thạch Hà) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 946 – PV), nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay vẫn chưa được triển khai.

Thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh mà còn là nguyên nhân gieo rắc nhiều mầm bệnh. Ông Phạm Công Tùng - Trưởng trạm Y tế xã cho biết: “Những năm gần đây, nguồn nước của Thạch Bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Các bệnh về da, mắt và đường tiêu hóa có chiều hướng tăng cao…”.

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho bà con, trước mắt, xã vận động nhân dân đồng hành cùng chính quyền, tiến hành sửa chữa, nâng cấp các bể chứa nước tập trung tại các thôn. Nhưng về lâu dài, người dân Thạch Bàn cần sự đầu tư từ cấp trên, nhằm xây dựng nhà máy nước sạch để giải “cơn khát” nhiều năm nay cho người dân.

Đọc thêm

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.