2 đầu mối hải sản lớn đóng cửa, thị trường hải sản Hà Tĩnh vẫn ổn định

(Baohatinh.vn) - Dù 2 đầu mối thu mua, cung ứng hải sản lớn nhất Hà Tĩnh là cảng cá Cửa Sót và bến cá Thạch Kim (Lộc Hà) phải đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19 nhưng thị trường buôn bán các mặt hàng này ở tỉnh ta chỉ biến động nhẹ.

Đóng cửa 2 đầu mối hải sản lớn nhất tỉnh

Trái với sự nhộn nhịp thường ngày, sau khi xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và xã Thạch Kim phải thực hiện lệnh cách ly y tế tạm thời (từ 2/1/2022), 2 đầu mối tập kết, thu mua, trung chuyển các mặt hàng hải sản lớn nhất tỉnh ta tại cảng cá Cửa Sót và bến cá Thạch Kim cũng cơ bản ngừng hoạt động.

Bình thường, Cửa Sót là cảng cá hoạt động nhộn nhịp nhất tỉnh Hà Tĩnh (ảnh T.L)

Anh Phan Văn Phú – Cán bộ Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: “Bình thường tại cảng cá Cửa Sót mỗi ngày có khoảng 50 - 60 lượt tàu thuyền các loại của ngư dân trong và ngoài tỉnh ra vào, mang theo hơn 23 tấn hải sản các loại cập cảng và tiếp nhận lại hơn 8 tấn nhu yếu phẩm, hàng hóa để phục vụ sản xuất.

Thế nhưng, 2 ngày vừa qua (3-4/1/2022) chỉ khoảng 10 tàu cá cập cảng với sản lượng khoảng 1,2 tấn (chủ yếu là ruốc, tôm, cá) của các ngư dân trên địa bàn ra khơi đánh bắt trước lệnh phong tỏa trở về. Theo dự báo, mấy ngày tới, lượng hải sản tươi sống sẽ cơ bản không có vì lệnh cấm biển, các lực lượng chức năng không làm thủ tục xuất cảng cho tàu thuyền đang neo đậu tại đây ra khơi…”.

Thực hiện lệnh cách ly y tế tạm thời, cảng cá Cửa Sót trở nên rất vắng vẻ.

Ông Phùng Văn Hòa – Chủ bến cá Thạch Kim thông tin thêm: “Trước đây, mỗi ngày, ngoài hàng chục tấn hải sản tươi sống đánh bắt được trên địa bàn thì bến cá còn có hàng chục xe đông lạnh ở trong và ngoài tỉnh ra vào để trung chuyển khoảng 30 – 40 tấn hải sản đông lạnh, trong đó tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh khoảng 5 – 10 tấn.

Tuy nhiên, 2 ngày này vì có các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, phải thực hiện lệnh cách ly y tế nên bến cá phải đóng cửa, mọi hoạt động tại đây phải ngưng hẳn. Hiện một số cơ sở kinh doanh chuyển sang hình thức giao các loại hàng động lạnh tại các chốt phong tỏa để phục vụ nhu cầu thị trường lân cận”.

Trái với cảnh mỗi sáng sớm có hàng ngàn người ra vào, bến cá Thạch Kim hiện nay đang đóng cửa, không khí đìu hiu.

Thị trường hải sản ít biến động…

Tuy nguồn hàng trung chuyển qua 2 đầu mối quan trọng ở Lộc Hà đang bị đóng băng vì dịch bệnh, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên thị trường hải sản không có nhiều biến động lớn.

Chị Trần Thị Huyền ở tổ dân phố Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà (chuyên buôn bán hải sản tươi sống) cho biết: “Mấy ngày nay, do cảng cá, bến cá ở Thạch Kim ngừng hoạt động, tàu thuyền không được ra biển sản xuất nên lượng hải sản tươi sống ở các chợ của thị trấn Lộc Hà, Thạch Châu, Thạch Mỹ, Bình An… ít hơn so với trước, chủng loại cũng không đa dạng bằng. Tuy nhiên, thị trường cũng ít biến động vì sau kỳ giáng sinh, Tết Dương lịch nhu cầu tiêu thụ hải sản, nhất là những loại giá cao giảm hơn so với bình thường”.

Khu buôn bán các mặt hàng hải sản ở chợ Huyện, xã Bình An (Lộc Hà)

Chị Lê Thị Vân (chuyên bán hải sản tại chợ Vườn Ươm, thành phố Hà Tĩnh) thông tin: “Khu vực chợ bán đồ hải sản tuy không sôi động như mấy ngày trước nhưng những ngày này có đầy đủ các loại hải sản tươi ngon, chất lượng. Giá cả giá cả các mặt hàng hải sản cũng chỉ biến động nhẹ.

Cụ thể: cá cháo khoảng 190 ngàn đồng/kg, cá nhồng 180 ngàn đồng/kg, cá thu đông lạnh 190 ngàn đồng/kg, mực lá 400 ngàn đồng/kg, tôm tít 110 ngàn đồng/kg, tôm bạc nghệ 190 ngàn đồng/kg, tôm he 420 ngàn đồng/kg, ghẹ 100 ngàn đồng/kg... Mức giá các loại hải sản này tại thành phố cao hơn các khu chợ nông thôn khoảng 20 - 30 ngàn đồng/kg.”

Hải sản tươi sống đánh bắt ở vùng biển ngang Thạch Hà mang đến vùng giáp ranh với huyện Lộc Hà để cung cấp cho các tiêu thương chở đi các khu chợ trong toàn tỉnh bán.

Chị Trần Thị Nga ở xã Bình An (Lộc Hà) - một tiểu thương chuyên mua, bán hải sản phân tích: “Sở dĩ thị trường hải sản trên địa bàn mấy ngày không có nhiều biến động dù đóng cảng, đóng bến là do đã được bổ sung, cung ứng kịp thời bởi các ngư dân, tiểu thương của các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân... chở đến tiêu thụ.

Mặt khác, mấy ngày nay đẹp trời, ngư dân các vùng trong tỉnh ra biển nhiều hơn, sản lượng có nhỉnh hơn nên phần nào bù đắp được sự thiếu hụt”.

Tiểu thương đang ngóng chờ tàu cá của ngư dân Thịnh Lộc về để mua hàng.

Ông Trần Thái - Chủ một cơ sở đông lạnh ở cụm công nghiệp Thạch Kim thông tin: Ngoài hải sản tươi sống thì nguồn hải sản đông lạnh cũng khá dồi dào do các xe container vẫn trung chuyển hải sản (chủ yếu các loại cá, ghẹ, mực, tôm…) từ các tỉnh lận cận về trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ.

Dù không vào được bến cá và cụm công nghiệp Thạch Kim nhưng các đầu nậu trong khu vực này vẫn có thể đặt hàng và phân phối hàng từ xa bằng điện thoại như thường ngày. Vì vậy, giá cả các mặt hàng đông lạnh này cơ bản không biến động.

Trao đổi hải sản đông lạnh tại chốt phong tỏa dịch bệnh ở Thạch Kim.

Không chỉ có thị trường hải sản ở khu vực Lộc Hà ít biến động mà qua tìm hiểu thì do những nguyên nhân nêu trên nên các khu chợ trong toàn tỉnh Hà Tĩnh đều không có nhiều biến động lớn, kể cả những thị trường lớn như: thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh hay ở vùng sâu, vùng xa như: Hương Khê, Vũ Quang…

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói