Sở Công thương đang tiếp tục bám sát tình hình thị trường, hàng hóa để triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường.
Qua ghi nhận, tại các chợ dân sinh lớn ở TP Hà Tĩnh như chợ Vườn Ươm, chợ thành phố… số lượng tiểu thương mở hàng kinh doanh giảm hẳn vì lo ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và người dân địa bàn khác không vào thành phố kinh doanh được.
Các loại thực phẩm thiết yếu quan trọng như thịt, trứng, dầu ăn, gạo… đang có giá ổn định, nguồn cung đảm bảo. Trong khi đó, hoạt động mua bán kém sôi động do người dân hạn chế ra đường, chỉ đi mua sắm hàng hóa thiết yếu khi cần thiết.
Nhiều quầy hàng tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Tĩnh đóng cửa nghỉ bán.
Chị Trần Thị Thuỷ - tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Trong lúc này, chúng tôi vẫn giữ giá bán thịt lợn bằng với đợt trước, giao động từ 130 - 140.000 đồng/kg nhưng hàng khó lấy hơn vì phải đưa qua các chốt kiểm soát ra - vào cửa ngõ thành phố. Với lại các tiểu thương cũng không dám nhập nhiều hàng do lượng người dân đến mua thực phẩm tươi sống đã bớt đi nhiều”.
Đối với mặt hàng thuỷ, hải sản, giá bán ra tại các chợ dân sinh không có nhiều biến động. Chị Hằng - tiểu thương bán cá tại chợ TP Hà Tĩnh thông tin: “Các loại cá to giá ổn định như cá chim 130.000 đồng/kg, cá thu, cá bớp nguyên con 180 - 200.000/kg; chỉ có một số loại cá nhỏ như cá nục chuối, cá mu... tăng khoảng 8 - 10.000 đồng/kg (giá các loại này hiện nay ở mức từ 40 - 60.000 đồng/kg - PV).
Giá rau củ ở chợ truyền thống giá có tăng nhẹ, trung bình từ 3 - 5.000 đồng/kg tuỳ loại
Bên cạnh đó, mặt hàng rau củ ở chợ truyền thống giá có tăng nhẹ, trung bình từ 3 - 5.000 đồng/kg tuỳ loại, một số loại khan hiếm so với ngày thường. Theo chia sẻ nhiều tiểu thương, giá rau củ tăng chủ yếu do hoạt động vận chuyển hàng hoá phát sinh thêm chi phí khi TP Hà Tĩnh thực hiện thiết lập vùng cách ly y tế.
Chị Hồng Anh - tiểu thương bán rau ở chợ Vườn Ươm cho biết: “Các loại như rau muống, mồng tơi tăng từ 2 - 3.000 đồng/bó; cà xanh, bí xanh, bù tăng từ 3 - 5.000 đồng/kg. Hiện nay, chúng tôi vẫn lấy hàng liên tục ở chợ đầu mối nhưng xe hàng không vào được tận nơi như trước mà phải chia nhỏ chuyển qua các chốt kiểm soát dịch nên tốn thêm thời gian và phí vận chuyển cũng có tăng thêm đôi chút".
Hoạt động mua bán trầm lắng do người dân hạn chế ra ngoài, chỉ đi mua sắm khi thực sự cần thiết.
Chị Trần Thị Thanh (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mình tranh thủ đi chợ mua một số thực phẩn tươi như rau, thịt… thì thấy người mua ít hẳn, nhiều tiểu thương cũng không mở bán. Vì lo ngại dịch bệnh nên mình cũng cố gắng đi nhanh để về, đảm bảo thực hiện đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng cách khi mua bán”.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Công thương Hà Tĩnh đang tiếp tục bám sát tình hình thị trường, hàng hóa để triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu, bình ổn, nhất là tại TP Hà Tĩnh; chỉ đạo địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn; rà soát nhu cầu hàng hóa thiết yếu tại các cơ sở cách ly để có phương án điều tiết hợp lý.
Cùng với đó, do việc thiết lập các vùng cách ly y tế tại TP Hà Tĩnh dẫn đến giao thương hàng hóa bị gián đoạn, vận chuyển khó khăn hơn, đây là cơ hội để một số cơ sở kinh doanh đầu cơ, găm hàng, Sở Công thương cũng đã có văn bản tham mưu với Cục Quản lý thị trường, UBND thành phố tăng cường phối hợp với các ngành chức năng liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi nêu trên, thông tin về các vụ xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng.